Lý giải học sinh lớp 4 nói thẳng: "Con không thích học lịch sử"

21/12/2012 11:41
Đỗ Quyên
(GDVN) - Người lớn thường lo lắng khi trẻ chỉ thích đọc truyện tranh, chơi game hơn là đọc truyện chữ. Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Đó không phải là… chuyện bất thường”.
Nguyên nhân trẻ thiếu hụt kiến thức

Trong clip trắc nghiệm đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5, PV đã đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn: Thủ đô của nước Việt Nam tên là gì?”, “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?”, “Bà Triệu đánh giặc nào?”, "Yết Kiêu làm nghề gì?"... rất nhiều học sinh không trả lời được. 

Khi xem những clip trắc nghiệm này, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Kidz Academy, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con chia sẻ: “Xem những đoạn băng và đọc thông tin trắc nghiệm về kiến thức phổ thông lứa tuổi 9-11 do báo Giáo dục Việt Nam thực hiện cách đây không lâu, tôi có nhiều cảm xúc khá trái ngược. Vừa buồn cười, vừa lo lắng nhưng cũng vừa thông cảm với các em bé của chúng ta. Chớ vội vàng lên án các em với những kiến thức thiếu hụt, ngô nghê, buồn cười, với sự mặc cảm ‘con học dốt lịch sử’ (như lời một em bé nói)”.

Tuy nhiên, TS Thụy Anh cũng cho rằng, trắc nghiệm chưa đủ để kết luận chính xác hoặc tương đối chính xác một điều gì trên diện rộng. Chỉ có thể nói rằng, có những hiện tượng hổng kiến thức ở trẻ là rõ ràng. Vì vậy cần đi sâu vào phân tích nguyên nhân của hiện tượng.

TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: Hiện tượng hổng kiến thức ở trẻ là rõ ràng.
TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: Hiện tượng hổng kiến thức ở trẻ là rõ ràng.

Cụ thể, TS Thụy Anh cho biết: Trẻ chưa được quan tâm hướng dẫn tiếp cận các nguồn thông tin về kiến thức phổ thông (trong đó có lịch sử) thông qua những câu chuyện hàng ngày của bố mẹ, người thân. Càng ngày sự gần gũi trò chuyện giữa các thế hệ dường như ít đi – mà đây lại chính là nguồn thông tin quan trọng đối với trẻ trên cơ sở tiếp cận thường xuyên, hàng ngày và đầy cảm xúc tích cực. Việc trẻ tiểu học học bán trú làm “nhẹ gánh” lo toan cho bố mẹ nhưng cũng khiến thời gian giao tiếp gia đình, thủ thỉ giữa bố mẹ và con cái ít đi đáng kể.

Việc giáo dục học sinh trong gia đình cũng là phần quan trọng không thể thiếu: Bố mẹ không coi trọng việc đọc và tìm hiểu các kiến thức xã hội, chỉ hướng con vào việc học những môn chính như Toán, Văn, Ngoại Ngữ, đi học thêm quá nhiều khiến đầu trẻ bị “chật”, không còn thời gian và chỗ trống để tiếp thu những điều cần thiết, thú vị khác.

Nội dung và phương pháp giảng dạy môn Sử ở bậc tiểu học cũng cần phải để ý sao cho không rơi vào tình trạng thừa thông tin, con số mà thiếu thú vị làm giảm động cơ học tập.

Việc đọc sách cho trẻ cũng hết sức quan trọng, thế nhưng việc này vẫn chưa được quan tâm: Sách truyện trên thị trường xuất bản không ít nhưng nhà trường và cha mẹ chưa quan tâm đầy đủ đến việc đọc của trẻ hoặc khó khăn trong việc lựa chọn sách, khai thác sách hướng tới việc bổ sung kiến thức cho trẻ.

Những loại hình giải trí phong phú khác chiếm hết thời gian của trẻ, trẻ không tự kiểm soát và điều chỉnh lịch học, chơi, giải trí của mình, bố mẹ cũng chưa có phương pháp hợp lý hỗ trợ trẻ trong việc này. Những động thái như cấm đoán, bắt ép, áp đặt… đều có thể trở thành phản tác dụng. 
Đồng hành thay vì cấm đoán trẻ

Báo chí và người lớn thường lo lắng khi trẻ chỉ thích đọc truyện tranh, chơi game hơn là đọc truyện chữ. Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Đó không phải là… chuyện bất thường”.

Nguyên nhân về việc trẻ thích đọc truyện tranh, chơi game được TS Thụy Anh phân tích: Trẻ ở bậc tiểu học có những ham mê như thế là chuyện dễ hiểu, hợp tâm lý lứa tuổi, nhất là những cuốn truyện tranh và trò chơi điện tử lại được trình bày bắt mắt, hài hước, vui nhộn, dễ hiểu, dễ nhớ, kích thích sáng tạo. Vấn đề ở đây là bố mẹ cần học cách hoặc tìm ra cách tiếp cận những thú vui đó của trẻ để cùng trẻ điều chỉnh thời gian biểu hợp lý thông qua việc thỏa thuận, cam kết với nhau và với chính bản thân mình.

Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cùng CLB Đọc sách cùng con.
Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cùng CLB Đọc sách cùng con.

Điều này xuất phát từ tâm lý trẻ thay đổi theo độ tuổi, từ đó mà ngay cả “gu” đọc sách hay những ham thích của trẻ cũng sẽ thay đổi. Cần nắm bắt được sự thay đổi này trong nhu cầu tìm hiểu thế giới ở trẻ mà kịp thời chia sẻ thông tin, hướng dẫn con tìm đến những cuốn sách, bộ phim, trò chơi… hợp với tuổi mình hơn. 

Vì vậy, TS Thụy Anh nhắn nhủ với người lớn trong việc giáo dục trẻ: “Xin nhắc lại là phải theo dõi, quan sát, lắng nghe, chia sẻ và đồng hành chứ không phải cấm đoán”.
Bàn luận về cách học môn lịch sử thế nào, chương trình học ra sao để gây đươc hứng thú cho học sinh, TS Thụy Anh chia sẻ: “Trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn nếu thấy môn lịch sử thú vị, lạ hoặc vui – đó chính là những chiếc chìa khóa nhỏ đưa đến thành công. Các thày cô, bố mẹ hãy nghĩ đến cách biến những kiến thức khô khan thành những điều thú vị, lạ và vui. Để làm được điều này tôi tin là những người yêu trẻ cũng như các nhà giáo tâm huyết sẽ nghĩ ra thật nhiều phương án, chỉ là có muốn làm không mà thôi”.

TS Thụy Anh tâm sự về cách học lịch sử qua những câu chuyện văn học: “Tôi còn nhớ như in ngày bé, khi đọc những cuốn truyện đề tài lịch sử như ‘Lá cờ thêu sáu chữ vàng’, ‘Trăng nước Chương Dương’, ‘Trên sông truyền hịch’… từng tình tiết, lời thoại mà các nhà văn viết ra để xây dựng nhân vật lịch sử đã trở thành cái ‘neo’ đầy cảm xúc để neo kiến thức lại với những đứa trẻ non nớt có trí tưởng tượng thật phong phú. Tôi nhớ những câu chuyện lịch sử lâu hơn là những con số, tên người của bài học thuộc lòng khô không khốc”.

Cũng theo TS Thụy Anh, lịch sử còn hiển hiện ở khắp nơi – một tấm biển ghi tên phố, một góc viện bảo tàng ít khi trẻ được lui tới, một đoạn đường nhỏ của Thủ Đô…

Gần đây có những dự án phát huy giá trị các di sản văn hóa – hẳn các nhà giáo cũng có thể tìm hiểu để đưa ra các phương án tốt cho trẻ tiếp cận di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc thông qua những buổi tham quan, những cuộc thi nho nhỏ, những tiểu phẩm do các em tự dàn dựng, những bức họa, những clips ngắn tự quay, sơ đồ tư duy...

TS Thụy Anh cũng nhấn mạnh thêm: “Tôi được biết có một nhóm các phụ huynh vẫn thường xuyên hỗ trợ con em mình trong việc học bằng cách tổ chức các buổi sinh hoạt thú vị, chuyên nghiệp về lịch sử tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Các con được xem, được nghe, được thể hiện kiến thức dưới nhiều hình thức thi đấu phong phú mà không kém phần gay cấn. Thậm chí, các bé còn được mặc trang phục dân tộc phù hợp với từng chủ đề học. Các phụ huynh hỗ trợ nhau thành từng nhóm như thế thật sự rất hiệu quả, sẽ đạt được ít nhất là tiêu chí ‘vui’ khiến trẻ học dễ vào, dễ nhớ, mà bố mẹ không quá mệt mỏi”.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Clip: Học sinh Hà Nội không biết tên Thủ đô của Việt Nam!

Học sinh Hà Nội nói: Yết Kiêu đánh giặc Minh, Sơn Tinh là... thần nước

Clip trắc nghiệm: HS Hà Nội nhầm lẫn Thủ đô Việt Nam là... Cầu Giấy

 Bộ Giáo dục công bố nhiều sai phạm tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái tư tưởng

Sai phạm hơn 51 tỷ ở ĐH Kinh tế Quốc dân:Hiệu trưởng bị xử lý thế nào?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Đỗ Quyên