Lương tiến sĩ chỉ tương đương kỹ sư vừa tốt nghiệp, làm sao "giữ chân" NKH giỏi?

12/07/2023 06:37
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Lương tiến sĩ chỉ tương đương công nhân” là một trong những nguyên nhân khiến trường đại học khó giữ chân giảng viên, nhà khoa học giỏi.

Lương tiến sĩ chỉ tương đương công nhân, làm sao giữ chân?

Chia sẻ về những khó khăn liên quan đến tình trạng giảng viên, nhà khoa học giỏi xin nghỉ mà Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cũng như nhiều trường đại học công lập đang gặp phải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: “Nhiều trường đại học đang gặp phải khó khăn khi giảng viên xin nghỉ, đây vẫn là bài toán từ sự mất cân bằng giữa các trường liên quan đến thu nhập của giảng viên.

Khi thu nhập của giảng viên ở độ tuổi còn tương đối trẻ, mức lương cơ bản cũng thấp, sẽ khó tạo được sức hấp dẫn.

Tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, kể cả với các giảng viên đã học tập, nghiên cứu tại trong nước hay nước ngoài, mức lương cũng tương đối thấp, mà nhà trường không thể cân đối được mức thu nhập cao hơn nữa vì phụ thuộc tổng thu. Tổng thu này phụ thuộc vào số lượng sinh viên trong khi trường lại không thể thu hút được nhiều sinh viên như các cơ sở giáo dục đại học ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.... Chưa kể, mức học phí cũng rất thấp, nên nguồn thu để có thể chi tăng thêm cho cán bộ, giảng viên là không đáng kể.

Trong khi đó, những năm gần đây, nhiều trường đại học, đặc biệt ở khối trường ngoài công lập có khả năng chi trả lớn hơn, sẽ thu hút được đội ngũ giảng viên.

Bên cạnh đó, đối với những người học ở nước ngoài về, khi đã có ngoại ngữ, có bằng cấp sẽ được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI “chiêu mộ” với mức lương gấp nhiều lần, có khi gấp cả chục lần. Như vậy, làm sao trường có thể giữ chân được giảng viên?”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư Ngô Như Khoa cũng thông tin thêm, trong khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu được phục hồi, tình trạng giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyển đi bắt đầu tăng lên đáng kể. Nhà trường mất khoảng 5% tiến sĩ chỉ trong 2 năm qua.

Thầy Khoa nêu minh chứng, tại nhà trường, có những tiến sĩ trẻ với tổng thu nhập chưa được 100 triệu đồng/năm; trong khi đó, một sinh viên mới tốt nghiệp, nếu công ty chỉ trả lương cứng khoảng 10 triệu đồng/tháng mà không có thêm các điều kiện đãi ngộ khác tốt hơn, thì có khi các em còn không nhận việc, chưa kể có những công ty còn tuyển công nhân với mức thu nhập cao hơn nữa... Vậy, một tiến sĩ sau khi bỏ ra rất nhiều thời gian, trí tuệ và công sức, lại có mức thu nhập chỉ tương đương với một kỹ sư mới ra trường thì rất khó để họ gắn bó.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thực tế, nhà trường cũng đang gặp thực trạng tương tự như nhiều trường đại học công lập khác, số lượng giảng viên có trình độ cao như tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nghỉ việc rất nhiều, với nhiều lý do. Trong 2 năm vừa qua, trường có 16 giảng viên nghỉ việc và nghỉ hưu, trong đó 7 tiến sĩ, 1 phó giáo sư.

Theo tôi được biết, chính sách giữ chân nhân tài của trường công vẫn chưa hấp dẫn bằng sự thu hút của các trường ngoài công lập. Sẽ rất khó để đòi hỏi sự cống hiến của mỗi giảng viên khi chế độ đãi ngộ chưa đảm bảo cho họ nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình, không đủ để trang trải...

Mức lương hiện nay của một phó giáo sư công tác ở trường công chỉ khoảng 12 triệu đồng, mà một thạc sĩ ở trường ngoài công lập đã nhận mức lương khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, làm sao có thể hấp dẫn được những giảng viên có trình độ cao ở lại, gắn bó và cống hiến với trường công? Một tiến sĩ, một phó giáo sư mà vẫn còn phải canh cánh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, thì làm sao có thể theo đuổi đam mê và làm sao trường đại học có thể giữ chân được họ?”.

Mất động lực vì không được kéo dài thời gian khi đến tuổi nghỉ hưu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cũng phân tích thêm: “Hiện nay, để đào tạo được một tiến sĩ đã khó, thì đào tạo 1 tiến sĩ của khối ngành văn hóa - nghệ thuật lại càng khó hơn rất nhiều.

Để một giảng viên phấn đấu học lên tiến sĩ cũng đã đến lúc “bạc đầu”, nỗ lực rất nhiều, nhưng lại không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Trước đây, có Nghị định 141/2013/NĐ-CP, tiến sĩ được kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm, phó giáo sư kéo dài được 7 năm và giáo sư được kéo dài 10 năm; nhưng khi Nghị định 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thì quy định về việc kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu của viên chức hoạt động khoa học sẽ không còn hiệu lực thi hành.

Chính sách đó có thể phù hợp với các ngành về khoa học kỹ thuật, tuy nhiên, đối với lĩnh vực khoa học xã hội, đến độ 60 tuổi là lúc bắt đầu “độ chín” thì lại phải nghỉ hưu, khiến họ không muốn phấn đấu... Tôi cho rằng, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhân lực có trình độ cao trong các trường đại học bị giảm đi”.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: “Người ta hay nhắc đến cụm từ “chảy máu chất xám”, nhưng theo tôi cũng không hẳn thế, vì dù là phục vụ hệ thống công hay tư, đều vẫn là cống hiến cho giáo dục đại học ở Việt Nam.

Tôi cho rằng, đây là lúc chính các trường công lập phải tự thay đổi, và để thay đổi được, vẫn phải có sự tác động từ phía nhà nước.

Chúng ta phải nhìn nhận, tự chủ đại học là chủ trương đúng, nhưng không phải là “thả” ra cho tự “bơi” hoàn toàn. Chẳng hạn, như với khối ngành đào tạo văn hóa - nghệ thuật, có những lĩnh vực mà nhà trường không thể tự chủ được, cần nhà nước đầu tư, hỗ trợ.

Tôi lấy ví dụ ngành Bảo tàng học của trường, mỗi năm chỉ tuyển sinh được khoảng 10 sinh viên, nhưng vẫn phải duy trì vì nếu không đào tạo, sau này sẽ không có ai làm về bảo tàng, làm về di sản,... Mặc dù các viện bảo tàng có thể rất cần nhân lực, nhưng cái tên của ngành học không hấp dẫn, không thu hút được người học. Mà những ngành đó cũng không có trường đại học ngoài công lập nào đầu tư. Như vậy, rất cần nhà nước đầu tư.

Tôi cho rằng, cần xem xét và cân nhắc lại việc thực hiện tự chủ đại học đối với một số ngành nghề đặc thù, cần có sự hỗ trợ nhất định”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mộc Trà.

“Có thể nói, ngành nào cũng có đặc thù, nhưng đặc thù của văn hóa - nghệ thuật, của khoa học xã hội là phải có “độ chín”, có bề dày nghiên cứu để khẳng định được mình. Đối với khoa học tự nhiên, một giảng viên có thể hơn 30 tuổi đã làm phó giáo sư, nhưng đối với lĩnh vực khoa học xã hội, chưa có ai trẻ như vậy mà làm phó giáo sư, giáo sư” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân chia sẻ.

Đảm bảo nguồn thu là một trong những giải pháp giữ chân

Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân bày tỏ quan điểm: “Để góp phần giữ chân được giảng viên có trình độ cao, nhà nước cần định rõ mức đãi ngộ cho tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.

Chẳng hạn, phải đưa ra quy định “sàn” cụ thể để phân định rõ những người làm nghiên cứu thực chất, tránh chuyện đánh đồng để “vàng thau lẫn lộn”. Từ đó có căn cứ để chế độ đãi ngộ thỏa đáng với những đóng góp của họ. Có như vậy, mới tạo thêm động lực để mỗi giảng viên phấn đấu, cống hiến và gắn bó với môi trường làm việc”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa cũng nhấn mạnh: “Có một số cơ sở giáo dục sẽ có sự mềm dẻo hơn trong việc hợp đồng thêm giảng viên và tăng chỉ tiêu tuyển sinh để tăng tổng thu của trường. Còn với những trường cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu và học phí cũng không tăng thì rất khó để đảm bảo nguồn thu, khó cạnh tranh được với điều kiện so với các trường khác.

Vì vậy, cần siết chặt hoạt động tuyển sinh, đảm bảo công bằng trong chỉ tiêu, cân đối nguồn tuyển giữa các trường, để có thể cạnh tranh công bằng.

Mặt khác, theo tôi, bên cạnh sự chia sẻ với xã hội bằng cách không tăng học phí, chúng ta có rất nhiều cách để sinh viên có thể đi học mà vẫn đảm bảo bài toán tổng quát. Cần xem lại chính sách học phí để tất cả các trường khi tham gia đào tạo sẽ có điều kiện đảm bảo chất lượng, có thể tái đầu tư cho đội ngũ, cho cơ sở vật chất, cho người học...

Thay vì không cho trường đại học tăng học phí, nhà nước có thể có nhiều chính sách tạo điều kiện khác nhau. Bên cạnh việc cho phép nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên làm việc ngay từ khi còn học tập ở giảng đường đại học; cũng có thể hướng đến làm tốt chính sách cho vay vốn cho người học... như vậy sẽ có hiệu quả hơn.

Đó là bài toán tổng thể. Bởi vì, không thể nào có chuyện đầu tư ít mà đòi hỏi có chất lượng tốt. Tương tự như vậy, muốn có chất lượng đào tạo tốt, cần có sự đầu tư và đảm bảo điều kiện cho sinh viên học tập, mức học phí cũng phải tương xứng...”.

Mộc Trà