Cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện trong công tác cán bộ còn không ít hạn chế, khó khăn, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng.
Không ít cá nhân sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Để hạn chế tình trạng này, ngày 10/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Theo đó, dự thảo này quy định gồm 4 chương, 16 điều để xin ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên.
Ông Phan Xuân Xiểm cho rằng: "Việc quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết" - ảnh Trinh Phúc. |
Xung quanh dự thảo này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phan Xuân Xiểm - Nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Theo đánh giá của ông Phan Xuân Xiểm, quy định này là cơ sở để phòng ngừa ngăn chặn những người lâu nay lạm dụng quyền lực, những cán bộ có quyền nhìn vào đó để răn mình.
Khi được ban hành thì quy định này là căn cứ để tổ chức công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nếu để xảy ra vi phạm.
Theo ông Phan Xuân Xiểm, trước đây vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền có đề cập trong nhiều văn bản nhưng thường các quy định chung chung, không cụ thể.
Do đó, quy định mới này cần thiết phải cụ thể, chi tiết, toàn diện để lấy đó làm căn cứ xem xét đối với Đảng viên và trọng trách của Đảng đối với nhà nước.
"Tôi cho rằng việc quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết.
Để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn lạm quyền và chạy chức chạy quyền" - ông Xiểm nhấn mạnh.
Bàn luận về hiện tượng thao túng quyền lực, cá nhân to hơn chi bộ, ông Phan Xuân Xiểm nhận định đây là một thực tế đang tồn tại.
Theo đó, ở những nơi chi bộ có sức chiến đấu kém, người đứng đầu áp đặt ý kiến cá nhân lên chi bộ thì chẳng ai có ý kiến gì. Chính vì thế mà họ dễ lợi dụng để áp đặt ý định cá nhân lên tập thể.
Những cá nhân này đã lạm dụng sự lãnh đạo của tập thể để hợp thức hóa ý kiến cá nhân. Đây là thực trạng rất nguy hiểm.
Do đó, ông Phan Xuân Xiểm khẳng định việc kiểm soát quyền lực sẽ góp phần ngăn chặn cá nhân lạm dụng sự lãnh đạo của tập thể. Lồng ý kiến cá nhân của mình vào nghị quyết.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ;
Quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn;
Ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Phát biểu tại Hội nghị góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định:
"Xây dựng Quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có các công trình nghiên cứu sâu nhưng việc ban hành nội dung này có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay để xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.
Tinh thần chung là không cầu toàn, nóng vội, quy định đưa ra phải sát thực tế, dễ thực hiện, dễ đánh giá, giám sát, kiểm tra”, ông Xiểm nói.