Lo ngại AI thay thế nhân sự lĩnh vực Thiết kế đồ họa, trường ĐH nói gì?

20/01/2024 06:34
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo vừa là thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội đối với ngành Thiết kế đồ họa. 

Thiết kế đồ họa được đánh giá là một trong những ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp. Khi thực hiện thao tác tìm kiếm trên Google với từ khóa "việc làm Thiết kế đồ họa" thì hiển thị ngay lập tức khoảng 71,9 triệu kết quả trong 0,36 giây.

Có thể thấy, Thiết kế đồ họa là ngành học khá đặc thù, đòi hỏi ở người học tư duy sáng tạo cao và sự thay đổi, thích ứng nhanh nhạy để bắt kịp các xu hướng của xã hội.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trần Thị Thanh Thủy (sinh năm 1994, quê Nam Định) cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa một trường đại học tại Hà Nội cho biết: “Tôi theo học ngành này một phần vì bản thân có năng khiếu với mỹ thuật, phần khác vì được gia đình định hướng. Đa số mọi người đều nói với tôi rằng Thiết kế đồ họa là ngành dễ xin việc sau khi ra trường với mức lương khá ổn định. Tôi nghĩ điều này khá đúng”.

Thanh Thủy cũng bộc bạch thêm, thời điểm mới tốt nghiệp, mức lương mà vị trí nhân viên Thiết kế đồ họa có thể đạt được là từ 10 triệu đồng/ tháng, nếu chứng minh được năng lực thì thu nhập còn cao hơn. Đối với những người có kinh nghiệm, mức lương sẽ từ 20 triệu đồng/ tháng, càng có thâm niên thì mức lương càng cao.

“Tất nhiên để đạt được thu nhập tốt cũng đồng nghĩa với áp lực cao. Sự khác biệt giữa môi trường trường đại học và ở doanh nghiệp không chỉ về mặt kiến thức chuyên môn mà còn lại sự kỷ luật, chịu trách nhiệm cho phần công việc phụ trách. Ngoài ra, với yêu cầu đặc thù công việc, bạn phải luôn đổi mới, thay đổi để nâng cao kỹ năng, không bị thụt lùi so với xu hướng. Dù Thiết kế đồ họa là ngành cho phép nhân sự được tự do sáng tạo nhưng vẫn phải đảm bảo tinh thần phát triển chung của tổ chức”, Thanh Thủy nhận định.

Thanh Thủy đánh giá, Thiết kế đồ họa có nhiều triển vọng và cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhưng đây cũng là một trong những ngành học khá đặc thù, đòi hỏi người học phải thực sự đam mê, yêu nghề, không ngại “lột xác”. Nếu chọn ngành này mà không tìm hiểu kỹ thì khó để theo đuổi nó đến cùng. Nhưng một khi đã thành thạo nghề sẽ có thể nhận thêm công việc bên ngoài và có được mức thu nhập tốt.

Để có cái nhìn tổng quan về ngành Thiết kế đồ họa, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ly - Xưởng trưởng Xưởng Thiết kế đồ họa 2, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Nhân sự ngành Thiết kế đồ họa phải biết tận dụng AI để bổ trợ cho công việc

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) nhận định, Thiết kế đồ họa là một trong những ngành "hot", được đông đảo thí sinh quan tâm lựa chọn theo học trong những năm gần đây.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ: "Với định hướng ứng dụng điển hình, HUTECH mang đến chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn cho sinh viên. Bên cạnh trang bị nền tảng kiến thức nghệ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa, trường đặc biệt chú trọng phát triển khả năng sáng tạo cho sinh viên qua việc khuyến khích các bạn nghiên cứu, tìm kiếm cảm hứng và thực hành xử lý chất liệu từ những nét văn hóa truyền thống, hiện đại, trào lưu… ứng dụng vào những thiết kế hiện đại, có tính ứng dụng cao, sau đó mang ra triển lãm trước khán giả để tiến gần hơn với thị hiếu công chúng. Qua đây, sinh viên dễ dàng hiểu nghề và được kích thích sự sáng tạo không ngừng.

Cùng với đó, ở các học phần trong chương trình học, nhà trường còn liên tục tạo điều kiện để sinh viên thực hành thiết kế các đồ án minh họa sách, truyện, game, bộ nhận diện thương hiệu để phát huy chất riêng.

Những buổi đối thoại cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cũng được tổ chức liên tục, tạo không gian để sinh viên học hỏi kiến thức thực tế, cập nhật xu hướng và được tiếp lửa đam mê. Ngoài ra, trường còn thường xuyên đưa sinh viên đến tham quan, học tập thực tế tại các doanh nghiệp là đối tác của trường để các bạn có cái nhìn thực tiễn nhất. Từ định hướng đào tạo này, sinh viên tốt nghiệp dễ dàng đáp ứng tốt những yêu cầu của các doanh nghiệp trong nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại".

Theo Thạc sĩ Xuân Dung, Thiết kế đồ họa gắn liền với xu hướng phát triển của xã hội, có nhiều cơ hội phát triển nên được đông đảo thí sinh quan tâm. Điều này cũng dẫn đến sự cạnh tranh do nhiều trường đại học cùng đào tạo. Để "lọt vào tầm ngắm" của thí sinh, các trường cần có phương pháp đào tạo thực tiễn, môi trường học tập tốt.

Tại HUTECH, nhà trường không ngừng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, mở rộng quan hệ hợp tác doanh nghiệp mang đến môi trường học tập thực tiễn cho sinh viên. Các bạn có đủ trang thiết bị thực hành; thực hiện đồ án thiết kế thường xuyên để vững tay nghề, rèn tư duy sáng tạo; đối thoại cùng các chuyên gia làm việc thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật xu hướng mới, những kiến thức thực tiễn; đi tham quan kiến tập, thực tập;… Qua đó, sinh viên vững chuyên môn, sớm hiểu công việc, rèn tư duy sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động khắt khe.

"Với sự đầu tư không ngừng về cơ sở vật chất hiện đại với hệ thống thực hành chất lượng, sinh viên có nhiều điều kiện để phát huy kỹ năng chuyên môn cũng như sự sáng tạo. Song song, HUTECH luôn thực hiện chiến lược “chiêu hiền, đãi sĩ” thu hút nhân tài để đảm bảo chất lượng đào tạo tốt. Từ chủ trương này, ở ngành Thiết kế đồ họa, trường thu hút đội ngũ giảng viên là các chuyên gia đầu ngành, những nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng để truyền đạt kiến thức cho sinh viên, giúp các bạn cập nhật những kiến thức thực tế, xu hướng mới nhất của ngành để sẵn sàng làm việc sau tốt nghiệp", Giám đốc Trung tâm truyền thông HUTECH cho biết thêm.

Về cơ hội việc làm, Thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ, sinh viên Thiết kế đồ họa sau tốt nghiệp có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế tại các công ty quảng cáo, thiết kế, truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, xưởng phim hoạt hình và truyện tranh, các tòa soạn, các nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí. Với những bạn đam mê kinh doanh có thể tự khởi nghiệp hoặc như một đặc thù ưu ái, sinh viên có thể làm tự do thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu...

Với những vị trí việc làm này, bạn trẻ mới ra trường có thể hưởng mức lương cơ bản dao động từ 9-15 triệu đồng/tháng. Nếu đủ năng khiếu, đam mê, nỗ lực không ngừng và tìm các công việc tự do từ các dự án bên ngoài thì mức thu nhập tăng lên gấp nhiều lần.

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Xuân Dung, đối với một ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng như Thiết kế đồ họa, bên cạnh chuyên môn, yếu tố quan trọng nhất để sinh viên thành công với nghề là khả năng sáng tạo, chất riêng của người làm nghệ thuật và đam mê tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Trước ý kiến cho rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo ra đời và liên tục phát triển có thể thay thế nhân sự lĩnh vực Thiết kế đồ họa, đại diện HUTECH cho hay: "Trí tuệ nhân tạo (AI) có thế mạnh là tối ưu hóa và tốc độ, có thể tạo ra các thiết kế nhanh hơn dưới sự điều khiển của con người. Không thể phủ nhận được những lợi ích mà các công cụ AI mang lại, tuy nhiên, ngành Thiết kế đồ họa còn cần sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, sự am hiểu thị hiếu thẩm mỹ của công chúng thì mới có thể tạo ra những sản phẩm có dấu ấn.

Chính vì thế, điều quan trọng vẫn là nhân sự ngành Thiết kế đồ họa phải biết cách tận dụng các thành tựu công nghệ như AI để bổ trợ cho công việc, cũng như thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho bản thân".

Thiết kế đồ họa là ngành học có tính ứng dụng cao

Cùng trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ly - Xưởng trưởng Xưởng Thiết kế đồ họa 2, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Thiết kế đồ họa là một trong những ngành học có triển vọng, luôn thu hút nhiều người theo học. Tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, mức điểm để thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành học này thường dao động từ 23-24 điểm.

Ngành Thiết kế Đồ họa có thời gian đào tạo 4,5 năm được phân bổ trong 9 kỳ. Các môn học được thiết kế kết hợp giữa hai hình thức bài theo chuyên đề và bài tổng hợp một số chuyên đề với bài cơ bản và nâng cao linh hoạt theo từng môn.

Về chương trình đào tạo tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ly cho biết, ngoài kiến thức đại cương, khi theo học ngành Thiết kế đồ họa, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản và cơ sở ngành như hình họa, mỹ thuật, cơ sở tạo hình… Bên cạnh đó, hệ thống đồ án thiết kế chuyên ngành Thiết kế đồ họa bao gồm 16 đồ án, 3 chuyên đề được xây dựng theo logic từ những đồ án cơ bản nhất đến những đồ án chuyên sâu cho từng loại hình thiết kế.

Sinh viên được tiếp cận phương pháp tư duy phân tích, tìm ý tưởng và phát triển ý tưởng thông qua các đề tài được thể hiện qua các loại hình thiết kế đồ họa chuyên sâu. Qua 4,5 năm đào tạo, các em cũng có khả năng tự nghiên cứu với phương pháp tư duy khoa học, thực hiện, quản lý các hoạt động thiết kế đồ họa. Các em được tiếp cận với các xu hướng thiết kế và các loại hình Thiết kế đồ họa mới như thiết kế website, game…

Đồng thời, cô Ly cho biết thêm, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có xưởng đồ họa với hệ thống phòng học phù hợp kết hợp học lý thuyết và thực hành tại chỗ. Đặc biệt, hệ thống dữ liệu trực quan là các sản phẩm thiết kế của các khóa được lưu trữ tại xưởng đồ họa, để sinh viên có sự hình dung cụ thể.

Ngoài ra, sinh viên cũng được rèn luyện và tham gia các trải nghiệm thực tế qua các cuộc thi, các cuộc nói chuyện của các chuyên gia nước ngoài về thiết kế đồ họa.

Sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong một buổi thực hành. Ảnh: Bộ môn Thiết kế Đồ hoạ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cung cấp.

Sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong một buổi thực hành. Ảnh:

Bộ môn Thiết kế Đồ hoạ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cung cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ly đánh giá, Thiết kế đồ họa là ngành học có tính ứng dụng cao và liên quan tới rất nhiều ngành công nghiệp khác, thế nên cơ hội nghề nghiệp cũng rất rộng mở. Theo cô Ly, mức lương khởi điểm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có thể từ 10 triệu đồng/ tháng.

Những cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa có thể kể đến như sau: Chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, xưởng phim hoạt hình và truyện tranh, các tòa soạn, các nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí…

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự thành lập công ty thiết kế, dịch vụ studio hoặc tư vấn, giảng dạy tại các trường học, trung tâm, câu lạc bộ. Hơn nữa, như một đặc thù ưu ái, ngành Thiết kế đồ họa luôn mang lại những cơ hội làm thêm hấp dẫn tại nhà như thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu…

Trước câu hỏi: “Nhân sự ngành Thiết kế đồ họa trong tương lai sẽ khó khăn vì phải cạnh tranh, thậm chí bị trí tuệ nhân tạo thay thế?”, cô Cẩm Ly cho rằng, trí tuệ nhân tạo ra đời vừa là thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội đối với ngành này.

“Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo góp phần thôi thúc các em sinh viên phải cố gắng nhiều hơn, tạo ra dấu ấn cá nhân, mang đậm tính bản thể, không thể bị thay thế, sao chép. Trí tuệ nhân tạo có thể mã hóa, tạo ra được sản phẩm thiết kế một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu các em biết cách tận dụng công nghệ thì nó có thể trở thành công cụ giúp các em có nhiều giải pháp hơn trong công việc.

Trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế con người về mặt cảm xúc, sự sáng tạo cũng như quá trình lắng nghe, trao đổi với khách hàng. Nhiệm vụ của người thiết kế đồ họa là kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật, kỹ thuật và yêu cầu của khách hàng để cho ra đời sản phẩm độc đáo nhất”, Thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ly khẳng định.

Phạm Thi