Điểm chuẩn nhóm ngành Sức khỏe của một số trường tư thục bằng điểm sàn
Trong khi điểm chuẩn khối ngành Sức khỏe của nhiều trường công lập luôn ở ngưỡng chạm điểm tuyệt đối thì nhiều trường tư điểm chuẩn khối ngành này chỉ bằng ngưỡng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của một số ngành "hot" thuộc nhóm ngành Sức khỏe 3 năm gần đây.
Đơn cử, ngành Y khoa, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh năm 2021, năm 2022 đều lấy 22 điểm; năm 2023 lấy 22,5 điểm. Bên cạnh đó, mặc dù điểm chuẩn ngành Y khoa của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cao hơn 1,45 điểm (lấy 23,45 điểm) so với các trường tư thục nêu trên, nhưng mức điểm đầu vào của cơ sở này đang thấp hơn nhiều so với một số trường đại học công lập khác có cùng ngành đào tạo.
Cụ thể:
Ngành Y khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội luôn giữ mức điểm chuẩn cao, thường đứng đầu bảng xếp hạng so với các trường cùng đào tạo khối ngành này. Năm 2021, điểm trúng tuyển ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội là 28,85 điểm; năm 2022 lấy 28,15 điểm; năm 2023 lấy 27,73 điểm.
Ngành Y khoa tại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 lấy 28,2 điểm; năm 2022 lấy 27,55 điểm; năm 2023 lấy 27,34 điểm.
Ngành Y khoa tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2021 có điểm chuẩn là 27,35 điểm; năm 2022 lấy 26,65 điểm; năm 2023 lấy 26,31 điểm. Mức điểm này áp dụng đối với các thí sinh có thường trú ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, ngành Răng - Hàm - Mặt cũng được đánh giá là một trong những ngành học "hot" thuộc nhóm ngành Sức khỏe. Đây cũng là ngành học có điểm chuẩn khá cao tại các trường công lập. Tuy nhiên, qua khảo sát, tại một số trường tư, điểm trúng tuyển ngành này có sự chênh lệch đáng kể.
Chẳng hạn, ngành Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phan Châu Trinh trong hai năm (2021 và 2022) đều ở mức 22 điểm, năm 2023 lấy 22,5 điểm. Tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, điểm chuẩn ngành Răng - Hàm - Mặt năm 2021 là 24,1 điểm; năm 2022 là 25,5 điểm; năm 2023 là 23,5 điểm.
Trong ba năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y Hà Nội đều trên 27 điểm. Cụ thể, năm 2021 lấy 28,45 điểm; năm 2022 lấy 27,7 điểm; năm 2023 lấy 27,5 điểm.
Ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong 3 năm qua cũng đều có điểm chuẩn trên 26 điểm.
Bên cạnh đó, ngành Dược học tại Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Võ Trường Toản cũng đang có điểm chuẩn thấp hơn so với các trường khác cùng đào tạo ngành này. Cụ thể:
Ngành Dược học tại Trường Đại học Duy Tân năm 2021 lấy 22 điểm; năm 2022 và năm 2023 đều lấy 21 điểm. Ngành Dược học, Trường Đại học Đại Nam và Trường Đại học Võ Trường Toản trong ba năm qua đều giữ nguyên mức 21 điểm.
Tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, năm 2021 điểm chuẩn ngành này là 21,5 điểm; năm 2022 lấy 25 điểm; năm 2023 lấy 21 điểm.
Điểm chuẩn ngành Điều dưỡng cũng có sự chênh lệch từ 5 - 6,6 điểm (năm 2021), 2,7-5,7 điểm (năm 2022), 3,4-5 điểm (năm 2023) giữa các trường đại học công lập so với trường tư thục cùng ngành đào tạo.
Đáng chú ý, theo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành Sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt có điểm sàn cao nhất. Năm 2023 thí sinh phải đạt 22,5 điểm tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (đã bao gồm điểm ưu tiên, không nhân hệ số) mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Năm 2021, 2022 hai ngành này có điểm sàn là 22.
Ngành Dược học và ngành Điều dưỡng trong 3 năm qua mức điểm sàn đều ổn định, lần lượt là 21 và 19.
Qua đối sánh, mức điểm trúng tuyển một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Trường Đại học Võ Trường Toản trong 3 năm qua chỉ ở ngưỡng bằng mức điểm sàn Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Trường tư có sinh viên nhóm ngành Sức khỏe tốt nghiệp loại xuất sắc, trong khi trường tốp đầu không có
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng ghi nhận dữ liệu về số sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm ra trường của một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe được các trường đề cập tại báo cáo ba công khai năm học 2023-2024.
Tại Trường Đại học Duy Tân, theo tổng hợp số sinh viên tốt nghiệp tại báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, số sinh viên khối ngành VI (gồm: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt) tốt nghiệp loại xuất sắc chiếm 5,08%, loại giỏi chiếm 21,95%, loại khá chiếm 62,69%.
Tại Trường Đại học Đại Nam, theo công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm (số liệu tính tới ngày 31/12/2023), khối ngành VI có 433 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 1 sinh viên xếp loại xuất sắc; 40 sinh viên loại giỏi, 188 sinh viên loại khá. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của khối ngành này là 90%.
Theo dữ liệu được đề cập tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tỷ lệ sinh viên ngành Dược học tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường là 100%, trong khi đó, ngành Điều dưỡng chỉ đạt tỷ lệ 78%.
Theo công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2023-2024, nhà trường có 489 sinh viên Y đa khoa tốt nghiệp, trong đó có 72 người xếp loại giỏi (chiếm 14,7%), 358 người xếp loại khá (chiếm 73,21%), không có xếp loại xuất sắc. Tỷ lệ sinh viên Y đa khoa tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường là 94%.
Ngành Răng - Hàm - Mặt có 78 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 6 người xếp loại giỏi (chiếm 7,6%), 65 người xếp loại khá (chiếm 83,3%). Tỷ lệ sinh viên học ngành Răng - Hàm - Mặt có việc làm sau một tốt nghiệp đạt 92%.
Đối với ngành Điều dưỡng, có 104 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 83 người xếp loại khá (chiếm 79,8%), xuất sắc, giỏi là 0; 48 cử nhân Điều dưỡng chương trình tiên tiến tốt nghiệp, trong đó có 2 người xếp loại khá (chiếm 4,1%), 40 người xếp loại giỏi (chiếm 83,3%).
Có thể thấy, cùng nhóm ngành đào tạo, tại trường tư thục có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, trong khi tại trường công tốp đầu không có sinh viên nào tốt nghiệp loại xuất sắc.
So sánh học phí ngành Y khoa giữa các trường
Theo tìm hiểu, Y khoa là ngành học đặc thù, do đó luôn nằm trong tốp những ngành có mức học phí cao. Tuy nhiên, qua thống kê và đối sánh cho thấy, học phí ngành Y khoa tại trường tư thục luôn cao hơn trường công lập. Cụ thể:
Từ biểu đồ trên có thể thấy, trong số các trường thống kê, ngành Y khoa của Trường Đại học Đại Nam có mức học phí năm học 2024-2025 cao nhất, 96 triệu đồng. Học phí ngành này tại Trường Đại học Đại Nam cao gấp 1,73 lần so với Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
Ngành Y khoa của một số cơ sở giáo dục như Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Võ Trường Toản cũng có mức học phí cao hơn so với các trường tốp đầu cùng đào tạo ngành này.
Chẳng hạn, học phí ngành Y khoa, Trường Đại học Duy Tân cao gấp 1,71 lần so với Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Học phí ngành Y khoa, Trường Đại học Phan Châu Trinh cao hơn 1,4 lần so với Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Một ngành học khác trong lĩnh vực khoa học sức khỏe cũng có mức học phí cao là ngành Răng - Hàm - Mặt.
Qua thống kê, năm học 2024-2025, học phí ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường Đại học Duy Tân là 98,8 triệu đồng. So sánh cùng ngành, học phí Trường Đại học Duy Tân cao hơn học phí Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 1,79 lần.
Học phí ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường Đại học Phan Châu Trinh năm học 2024-2025 là 85 triệu đồng. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thu học phí ngành này là 83,2 triệu đồng/năm học, Trường Đại học Võ Trường Toản có học phí 61,5 triệu đồng/năm học.