Lĩnh vực Kinh tế: Số SV tốt nghiệp Xuất sắc và Giỏi tăng nhanh, loại Khá giảm

09/08/2024 06:24
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ở nhiều trường đại học top đào tạo lĩnh vực Kinh tế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi có xu hướng tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, lĩnh vực Kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhóm ngành Kinh tế không chỉ đơn thuần là một lĩnh vực riêng biệt, mà là sự kết hợp hài hòa của nhiều công việc khác nhau, tạo nên bức tranh đa sắc cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Điều này đặt ra yêu cầu cho các trường đại học mở ra nhiều ngành thuộc lĩnh vực Kinh tế để đào tạo nguồn nhân lực có chuẩn đầu ra đạt chất lượng cao.

Những năm gần đây, ở nhiều trường đại học top đào tạo lĩnh vực Kinh tế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi đều có xu hướng tăng dần, tỷ lệ người học tốt nghiệp xếp hạng Xuất sắc cũng có nhiều sự biến động đáng chú ý.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo loại qua từng năm của một số trường đại học top đào tạo lĩnh vực Kinh tế.

Theo đó, Trường Đại học Thương mại có tỷ lệ như sau:

Theo Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Thương mại năm học 2021-2022 cho thấy, tổng số sinh viên tốt nghiệp là 3157 sinh viên. Trong đó có 6.47% đạt xếp hạng Xuất sắc, 40.42% có học lực Giỏi, 48.84% loại Khá và 4.27% Trung bình.

Trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023 của nhà trường, số sinh viên tốt nghiệp là 5086 em. Trong đó, 1.78% sinh viên đạt xếp hạng Xuất sắc, 45.85% loại Giỏi, 38.71% xếp loại Khá và 13.66% loại Trung bình.

Đến Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế ký ngày 23/2/2024, Trường Đại học Thương mại có tổng số 5306 sinh viên tốt nghiệp. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp hạng Xuất sắc chiếm 16.72%, sinh viên loại Giỏi đạt 51.13%, nhóm xếp hạng Khá còn 30.57%, và sinh viên loại Trung bình là 1.58%.

Như vậy, trong ba năm trở lại đây, tỉ lệ sinh viên xếp loại Giỏi của Trường Đại học Thương Mại tăng từ 40.42% đến 51.13%; tỉ lệ sinh viên Xuất sắc tăng từ 6.47% lên 16.72%; còn sinh viên Khá giảm từ 48.84% xuống 30.57%.

Đối với Trường Đại học Ngoại thương, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp theo từng loại qua 3 năm trở lại đây như sau:

Cụ thể, trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Ngoại Thương năm học 2021-2022, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp hạng Xuất sắc đạt 13.18%, sinh viên hạng Giỏi là 42.25%, loại Khá chiếm 40.42%, và loại Trung bình có 4.15%.

Tương tự, theo Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Ngoại Thương năm học 2022-2023, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc đạt 17.88%, sinh viên Giỏi chiếm 47.56%, hạng Khá chỉ còn 31.91%, và loại Trung bình là 2.65%.

Còn theo Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Ngoại Thương năm học 2023-2024, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp loại Xuất sắc tăng mạnh lên 22.38%, trong khi đó, sinh viên hạng Giỏi, Khá và Trung bình giảm nhẹ lần lượt còn 46.82%, 28.66% và 2.14%.

Như vậy, trong ba năm gần đây, tỉ lệ sinh viên xếp loại Giỏi của Trường Đại học Ngoại Thương tăng từ 42.25% đến 46.82%; tỉ lệ sinh viên Xuất sắc có xu hướng tăng mạnh từ 13.18% lên 22.38%.

Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, theo số liệu trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của nhà trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc chiếm 6.81%, loại Giỏi đạt 37.81%, loại Khá là 52.37%, và loại Trung bình chỉ 2.99%.

Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Chụp màn hình.
Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023 của nhà trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc chiếm 15.15%, loại Giỏi đạt 44.72%, loại Khá là 37.72%, và loại Trung bình chỉ 2.41%.

Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Chụp màn hình.
Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Chụp màn hình.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức lễ tốt nghiệp đại học chính quy đợt 1 năm 2023 cho 4.577 sinh viên đủ điều kiện cấp bằng. Trong đó có 1192 sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc (chiếm 26.4%), 1925 em tốt nghiệp loại Giỏi (chiếm 42.06%). [1]

Tóm lại, từ khi kê khai báo cáo công khai từ năm học 2021-2022 đến đợt tốt nghiệp đại học chính quy lần 1 năm 2023, tỉ lệ sinh viên xếp loại Giỏi của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng từ 37.81% lên 42.06% ; tỉ lệ sinh viên Xuất sắc tăng mạnh từ 6.81% lên 26.4%.

Đối với Học viện Tài chính, theo số liệu trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của nhà trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc chiếm 7.57%, loại Giỏi đạt 33.37%, và loại Khá là 55.50%.

Screenshot 2024-08-08 145239.png
Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 của Học viện Tài chính. Ảnh: Chụp màn hình.

Năm 2022, Học viện Tài chính đã tổ chức lễ tốt nghiệp đại học chính quy đợt 1 năm 2022 cho 3697 sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong đó, có 344 em xếp loại Xuất sắc (chiếm 9.03%), hơn 1400 sinh viên đạt loại Giỏi (chiếm 39.52%), gần 1900 sinh viên đạt loại Khá (chiếm 50.88%). [2]

Năm 2023, nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp đại học chính quy đợt 1 năm 2023 cho hơn 3700 sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Có 281 sinh viên đạt loại Xuất sắc (chiếm 7.54%); hơn 1400 sinh viên đạt loại Giỏi (chiếm 38.48%); gần 2.000 sinh viên đạt loại Khá (chiếm 53.55%) và 16 sinh viên đạt loại Trung bình (chiếm 0.43%). [3]

Năm 2024, Học viện Tài chính tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy đợt 1 năm 2024. Trong số gần 3500 sinh viên tốt nghiệp đợt này, có 279 em tốt nghiệp loại Xuất sắc (chiếm 7.76%); 1384 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi (chiếm 38.52%); sinh viên tốt nghiệp loại Khá là 1907 em (chiếm 53.06%). Toàn khóa chỉ có 24 sinh viên tốt nghiệp loại Trung bình (chiếm 0.67%). [4]

Như vậy, trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên xếp loại Giỏi của Học viện Tài chính tăng từ 33.37% đến 38.52%; tỉ lệ sinh viên Xuất sắc tăng từ 7.57% lên 7.76%.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp qua từng năm của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Theo Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2021-2022, có 0.68% đạt xếp hạng Xuất sắc, 17.85% có học lực Giỏi, và 79.32% loại Khá.

Trong Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2022-2023 của nhà trường, 0.28% sinh viên đạt xếp hạng Xuất sắc, 22.34% loại Giỏi, và 75.73% xếp loại Khá.

Đến Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế năm học 2023-2024, nhà trường có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp hạng Xuất sắc chiếm 0.54%, sinh viên loại Giỏi đạt 34.4%, nhóm xếp hạng Khá còn 64%.

Có thể thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh qua từng năm, từ 17.85% đến 34.40%. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp Xuất sắc qua các năm dao động từ 0.28% đến 0.68%.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc và Giỏi hiện nay cao do nhiều yếu tố quyết định khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên là do điểm chuẩn đầu vào của người học cao, vì vậy chất lượng đầu ra cũng theo đó được cải thiện. Trong 10 năm trở lại đây, điểm trúng tuyển đầu vào của nhà trường rất cao, nên bản thân năng lực của các em sinh viên cũng có mặt bằng chung tốt. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, điểm chuẩn mỗi môn của nhà trường bình quân trên 8 điểm, do đó, đầu ra của sinh viên trên 8 điểm là tất yếu bình thường. Điều này cũng phù hợp với xu thế hiện nay, lĩnh vực Kinh tế luôn thu hút người học. Nhu cầu đầu vào lớn thì điểm chuẩn của các trường top cũng sẽ tăng lên.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến cách thức bố trí giảng dạy. Nếu như ngày xưa các em phải học dàn trải trong một kỳ với rất nhiều học phần khác nhau, thì bây giờ nhà trường tổ chức ba học kỳ trong một năm học, bao gồm hai kỳ chính và một kỳ hè. Điều này giúp người học tập trung cao độ hơn, nội dung bài vở không bị dàn trải và sinh viên tiếp thu kiến thức chắc chắn hơn.

Đối với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi học kỳ chính được chia ra làm 2 giai đoạn nhỏ. Sinh viên học 3-4 học phần trong mỗi giai đoạn. Ở học kỳ I, hai giai đoạn kéo dài từ tháng 9 đến đầu tháng 11, và giữa tháng 11 đến tháng 1. Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, sang học kỳ II, hai giai đoạn kéo dài từ tháng 2 đến đầu tháng 4, và giữa tháng 4 đến tháng 6. Đáng chú ý, giữa mỗi giai đoạn nhỏ, nhà trường đều tổ chức tập trung kỳ thi hết môn, giúp sinh viên phải liên tục có ý thức không ngừng học tập, thay vì để dồn hết kiến thức đến cuối một học kỳ dài.

sinh-vien-tot-nghiep-tu-dai-hoc-ngan-hang-tp-hcm-anh-dai-hoc-ngan-hang-tp-hcm-3047.jpeg
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hiện nay hình thức kiểm tra theo hướng mở, đa dạng hơn, đánh giá toàn diện người học trong cả quá trình. Ảnh: website nhà trường.

Thứ ba, phương pháp đăng ký học theo tín chỉ cũng là một cách thức giúp sinh viên được chủ động cân đối khối lượng môn học, được kiểm soát thời gian và được sắp xếp phù hợp với năng lực học tập riêng của mỗi người. Điều này góp phần tạo ra những thuận lợi nhất định cho người học, giúp nâng cao chất lượng đầu ra để tốt nghiệp hơn.

Mặt khác, thi cải thiện điểm cũng là cơ hội giúp các em sinh viên mong muốn nâng cao học lực sẽ được rút kinh nghiệm từ bài thi trước, và thể hiện tốt hơn ở bài thi sau.

Thứ tư, hiện nay, việc kiểm tra đánh giá theo hướng mở hơn, không nặng thuộc lòng, mà đề cao tư duy phân tích, giải quyết vấn đề. Hình thức kiểm tra cũng đa dạng hơn, có thể là bài tập nhóm, dự án, thuyết trình. Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo của châu Âu và Đông Nam Á. Qua đó, nhà trường sẽ đánh giá liên tục, toàn diện một con người trong cả quá trình phấn đấu học tập, không bị theo khuôn mẫu.

Quy định hai cột điểm chính là điểm quá trình 50% và cuối kỳ 50%. Trong đó, điểm quá trình là kết quả đánh giá thường xuyên của giảng viên thông qua sự chuyên cần, thái độ học tập, các bài tập nhỏ, bài tập nhóm, bài tập lớn, bài viết luận hoặc các bài liên quan đến thảo luận. Đây là một phương pháp giảng dạy rất hiệu quả, buộc người học phải liên tục trau dồi, không để dồn đến cuối kỳ mới học tủ, học vẹt, học đối phó.

Thứ năm, một yếu tố quan trọng khác cũng cần được lý giải, đó là ngày nay việc các em sinh viên tiếp cận thông tin kiến thức rất đa dạng, đa chiều. Ngoài học tập trên lớp và ở các doanh nghiệp, thì người học cũng có thể tìm hiểu, nghiên cứu trên kho tàng mạng Internet. Hơn nữa, phương thức học của khối ngành kinh tế tương đối đơn giản hơn lĩnh vực sức khỏe và kỹ thuật. Quan trọng nhất là sinh viên cần chăm chỉ, nghiêm túc, chịu khó tiếp cận đa dạng thông tin thì điểm sẽ cao.

30139423853232289077753111482350930037838878n-16765334614821029016670-214-0-1261-2000-crop-16765337537901808169895.jpeg
Trong ba năm trở lại đây, nhiều trường đại học đào tạo lĩnh vực Kinh tế có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi có xu hướng tăng dần. Ảnh: HUB.

Thứ sáu, đối với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, theo thầy Đức Trung, cơ sở đào tạo luôn tạo điều kiện cho các em sinh viên không chỉ được trau dồi rèn luyện các tiết học trên lớp, mà nhà trường còn tổ chức thiết kế giống như nước ngoài, để người học có thể nghiên cứu, làm bài tập nhóm tại bất kỳ phòng đọc, phòng lab, thư viện ở trường cả ngày.

Mô hình “công viên trường học” này của nhà trường góp phần tăng cường khả năng tự học, độ tập trung cho các em, tạo ra một không gian mở, môi trường trải nghiệm đáng giá trong quá trình học tập tại trường đại học.

Thứ bảy, hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo theo chuẩn quốc tế với mục tiêu hướng đến phục vụ cho chuẩn đầu ra. Vì vậy, lãnh đạo các trường, các khoa phải liên tục đưa ra đánh giá chương trình đào tạo nào phù hợp nhất, theo dõi mức độ khả năng tiếp thu của sinh viên, nếu có vấn đề tồn đọng thì sẽ điều chỉnh lại ngay.

Ban lãnh đạo có nhiệm vụ kiểm soát nội dung giảng dạy, phương pháp học tập và sát hạch đào tạo. Nhìn vào phổ điểm của một học phần, của từng giảng viên, và mặt bằng chung các học kỳ trước, nhà trường sẽ đánh giá được mức độ hiệu quả của công tác giảng dạy và khả năng phát triển về kỹ năng, kiến thức, thái độ của người học. Nếu điểm số có sự khác biệt rõ ràng, có thể vấn đề nằm ở người dạy, nhà trường sẽ lập tức hỗ trợ và sát sao điều chỉnh lại cho phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/gan-1-200-sinh-vien-truong-dh-kinh-te-quoc-dan-tot-nghiep-loai-xuat-sac-i341259/

[2] https://m.hvtc.edu.vn/tabid/1259/catid/2/id/35095/Hoc-vien-Tai-chinh-long-trong-to-chuc-Le-be-giang-va-trao-bang-tot-nghiep-he-dai-hoc-chinh-quy-khoa-56/Default.aspx

[3] https://m.hvtc.edu.vn/tabid/1259/catid/2/id/36103/Hoc-vien-Tai-chinh-long-trong-to-chuc-Be-giang-cho-hon-3700-cu-nhan-he-dai-hoc-chinh-quy-khoa-57/Default.aspx

[4] https://tienphong.vn/gan-50-sinh-vien-hoc-vien-tai-chinh-tot-nghiep-loai-gioi-xuat-sac-post1660661.tpo

Lưu Diễm