98,2% SV tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, ĐH Y tế công cộng nói do website bị lỗi

12/01/2024 06:22
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện nhà trường cho hay số liệu các cột bị nhầm lẫn trong quá trình đăng tải thông tin lên website từ khá thành giỏi, từ giỏi thành xuất sắc. 

Trường Đại học Y tế công cộng là một trong hai trung tâm quốc gia về giáo dục thường xuyên cho cán bộ quản lý y tế trên toàn quốc. Nhà trường đã đạt kiểm định chất lượng năm 2017 và có 3 chương trình đào tạo đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng bao gồm: Thạc sĩ Y tế công cộng, Thạc sĩ Quản lý bệnh viện, Cử nhân Y tế công cộng.

Tháng 5/2008, Trường Đại học Y tế công cộng chính thức trở thành thành viên của hệ thống đào tạo sức khỏe quốc tế của châu Âu (TropEd).

Trường Đại học Y tế công cộng có trụ sở tại số 1A, đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Trường Đại học Y tế công cộng có trụ sở tại số 1A, đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Có năm tuyển vượt chỉ tiêu, có năm tất cả các ngành đều không tuyển đủ

Theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Y tế công cộng được công bố ngày 14/3/2023 có tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm học gần nhất cho thấy năm học 2021-2022, nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cả 4 ngành thuộc khối ngành VI. Trong khi đó, năm học 2022-2023, tất cả các ngành của trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Cụ thể, năm học 2021-2022, ngành Dinh dưỡng chỉ tiêu của trường là 88 nhưng có tới 108 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 20 chỉ tiêu, tương đương vượt 22,7%).

Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học chỉ tiêu của trường là 110 nhưng có 173 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 63 chỉ tiêu, tương đương vượt 57,3%).

Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng chỉ tiêu của trường là 55 nhưng có tới 95 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 40 chỉ tiêu, tương đương vượt 72,7%).

Ngành Y tế công cộng, chỉ tiêu của trường là 132 nhưng có tới 164 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 32 chỉ tiêu, tương đương vượt 24,2%).

Căn cứ theo khoản 3, Điều 10, Chương II, Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng cho hay: Về nguyên tắc xác định trúng tuyển, nhà trường xác định số dự kiến trúng tuyển và nhập học năm 2021 theo đúng nguyên tắc xác định tỷ lệ nhập học/ trúng tuyển áp dụng trong các năm học trước đó và trong vòng 3 năm liền trước, chưa có năm nào nhà trường có số sinh viên đại học chính quy nhập học đạt 100% so với chỉ tiêu công bố (tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu chung của sinh viên đại học chính quy năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 80,3%, 75% và 89,3%…).

Cũng theo cô Trang năm 2021, số sinh viên khối ngành sức khỏe nhập học tăng cao so với các năm trước, nằm ngoài dự kiến của nhà trường do một số nguyên nhân:

Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng dẫn tới nhu cầu xã hội đối với các ngành thuộc khối ngành sức khỏe tăng cao hơn. Thực tế này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều trường Y tế công cộng trên thế giới.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 năm 2021 số lượng sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học cũng giảm nhiều đã góp phần làm tăng số lượng thí sinh nhập học của Trường Đại học Y tế công cộng.

Ngoài ra, cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường đã rất tích cực tham gia phòng chống dịch tại các địa phương nên nhiều học sinh, phụ huynh biết đến nhà trường trên các phương tiện truyền thông và đã đăng ký nguyện vọng.

Năm 2021, nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở cả 4 ngành thuộc

Năm 2021, nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở cả 4 ngành thuộc

Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang, việc nhà trường tuyển vượt so với chỉ tiêu công bố đối với 4 ngành thuộc khối ngành sức khỏe không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và trường đã có giải trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo vì các lý do chính như sau:

"Mặc dù số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu đăng ký nhưng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tối đa tính trên năng lực và quy mô đào tạo của trường.

Nhà trường đã được công nhận là cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Trường Đại học Y tế công cộng có bộ chỉ số đảm bảo chất lượng nội bộ để luôn theo dõi và giám sát đảm bảo chất lượng đào tạo như đã cam kết với các bên liên quan", cô Trang thông tin.

Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website nhà trường)

Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website nhà trường)

Có ngành chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu

Theo đề án tuyển sinh từ năm 2021 đến năm 2023 của Trường Đại học Y tế công cộng, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường 3 năm liền nhà trường đều tuyển được rất ít sinh viên.

Cụ thể, năm học 2020-2021, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường chỉ tiêu của trường là 30 nhưng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển nhập học (đạt 20%).

Năm học 2021-2022, ngành này cũng chỉ tuyển được 19/30 chỉ tiêu (đạt 63,3%).

Năm học 2022-2023, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường chỉ tiêu của trường là 30 nhưng chỉ có 11 sinh viên nhập học (đạt 36,7%).

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang thông tin: Kết quả tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường chưa cao cũng là tình trạng chung của nhiều trường đang đào tạo ngành này.

"Mặc dù có nhiều cơ sở đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường nhưng Trường Đại học Y tế công cộng là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có định hướng y tế.

Chương trình này mới bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2020-2021 nên có thể xã hội, phụ huynh, học sinh chưa biết đến. Trong thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động quảng bá tuyển sinh để thông tin về chương trình đào tạo và lĩnh vực đào tạo quan trọng này được nhiều người biết đến hơn", cô Trang bày tỏ.

Cũng theo Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng trong đợt tuyển sinh năm học 2023-2024, tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu của ngành này cải thiện hơn so với năm học 2022-2023, đạt 53%.

Tuy nhiên, theo báo cáo thực hiện tuyển sinh đại học năm 2022 của Trường Đại học Y tế công cộng được công bố ngày 30/3/2023, tất cả các ngành nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Đáng chú ý, số lượng sinh viên trúng tuyển khá cao nhưng tỷ lệ nhập học lại rất thấp.

Theo đó, ngành Y tế công cộng, chỉ tiêu của trường là 190, có 206 sinh viên trúng tuyển nhưng chỉ có 139 sinh viên nhập học (đạt 73,2%).

Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học chỉ tiêu của trường là 215, có 216 sinh viên trúng tuyển nhưng chỉ có 184 sinh viên nhập học (đạt 85,6% chỉ tiêu).

Ngành Khoa học dữ liệu, chỉ tiêu của trường là 50, có 49 sinh viên trúng tuyển nhưng chỉ có 32 sinh viên nhập học (đạt 64%).

Nhà trường có số sinh viên trúng tuyển khá cao nhưng tỷ lệ nhập học lại tương đối thấp. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà trường có số sinh viên trúng tuyển khá cao nhưng tỷ lệ nhập học lại tương đối thấp. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang, Trường Đại học Y tế công cộng khi xác định số lượng thí sinh trúng tuyển đã ước tính tỷ lệ nhập học/trúng tuyển phù hợp với xu hướng của 2-3 năm liền kề trước đó để đảm bảo tuyển được số lượng thí sinh gần với chỉ tiêu nhất.

Kết quả tuyển sinh của trường cũng tương đồng với số liệu chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ nhập học/trúng tuyển trung bình của cả nước trong đợt 1 tuyển sinh năm 2023 là 80%.

Một số ngành đào tạo của trường khó tuyển sinh hơn do các ngành đó thuộc lĩnh vực dự phòng nên thu nhập của sinh viên khi ra trường có thể thấp hơn so với ngành thuộc khối điều trị nên chưa hấp dẫn thí sinh đăng ký theo học.

Trong thời gian tới nhà trường có một số giải pháp để khắc phục tình trạng này như:

Tiếp tục rà soát công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học để thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đầu ra, nâng cao uy tín của trường.

Tăng cường chất lượng, đa dạng hoá các hoạt động tư vấn tuyển sinh, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh của trường để tăng độ nhận diện thương hiệu của trường, tăng cường nhu cầu của xã hội đối với các chương trình đào tạo của trường, từ đó tăng hiệu quả tuyển sinh.

Ngoài ra cô Trang cũng kiến nghị cần có thêm chính sách, đầu tư của các cấp từ trung ương tới địa phương cho khối dự phòng, nhận thức đúng vai trò quan trọng của dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khoẻ và từ đó tăng nhu cầu đào tạo các mã ngành thuộc khối dự phòng để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

Có 98,2% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, ở nội dung công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường. Khối ngành VI nhà trường có 9,4% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc; 88,88% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Như vậy, năm học này Trường Đại học Y tế công cộng có tới 98,2% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của Trường Đại học Y tế công cộng lên tới 98,2%. (Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của Trường Đại học Y tế công cộng lên tới 98,2%. (Ảnh chụp màn hình)

Khi được phóng viên đề cập đến nguyên nhân vì sao tổng số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi của khối ngành VI đạt tới 98,2%, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang thừa nhận số liệu này có sự nhầm lẫn trong quá trình nhà trường đăng tải lên website.

"Số liệu trong báo cáo chính thức là chính xác nhưng do quá trình chuyển dữ liệu lên trang website của trường bị lỗi format (nhầm cột) nên số liệu của cột sinh viên khá và giỏi bị nhầm sang cột xuất sắc và giỏi. Con số 98,2% thực tế là sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá và giỏi. Sau khi có phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhà trường đã cập nhật lại trên hệ thống đảm bảo chính xác và thống nhất với báo cáo gốc gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo", cô Trang thông tin.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 2/1/2024, Trường Đại học Y tế công cộng đã tiến hành điều chỉnh lại bảng số liệu về số sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường. Cụ thể, ở khối ngành V nhà trường có 100% sinh viên tốt nghiệp loại khá. Khối ngành VI nhà trường có 9,4% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; 88,88% sinh viên tốt nghiệp loại khá.

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Y tế công cộng như sau:

Khối ngành V: Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Khối ngành VI: Y tế công cộng, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng.

Khối ngành VII: Công tác xã hội.

Nhật Lệ