Lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ lãnh đạo trường: Không cần đợi dư luận xấu mới làm

20/03/2023 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc này có thể giúp cơ quan quản lý sớm loại bỏ mầm mống tiêu cực, thiếu ý chí, thiếu uy tín của cán bộ quản lý, đây là điểm rất quan trọng cần được ghi nhận.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, đề xuất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những trường hợp cán bộ quản lý trong thời gian công tác có giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục

Đề xuất này của của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thu hút được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận và hy vọng, nếu đề xuất này được áp dụng vào thực tế sẽ tạo ra sự thành công và lan toả, góp phần tạo dựng được đội ngũ lãnh đạo nhà trường thực sự có tâm, có tầm trong tương lai.

Về việc này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện sớm hơn so với thời gian như trước đây theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là cần làm, nên ủng hộ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: T.D

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: T.D

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế chia sẻ thêm: "Tôi thấy việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá về lãnh đạo nhà trường, không hẳn khi phải có dư luận xấu mới làm mà nên làm thường xuyên nếu điều kiện cho phép.

Vấn đề quan trọng nhất trong việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vẫn là làm sao để nó đảm bảo tính khách quan. Thậm chí, nếu làm không khéo, nó không chỉ không phản ánh đúng thực chất mà ngược lại nó còn tăng thêm mâu thuẫn trong đơn vị.

Tôi cho rằng, ý tưởng này của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chính là đang hướng đến việc loại bỏ các yếu tố chi phối đến chất lượng của lá phiếu tín nhiệm. Đây là việc nên làm, nên ủng hộ và mở rộng với nhiều địa phương khác để cùng tạo ra môi trường công bằng, tiến bộ, tránh bệnh hình thức, tiêu cực".

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế cũng nêu quan điểm, nếu lãnh đạo nhà trường làm việc bằng tâm huyết, có cống hiến thì họ không hề quan ngại việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm nào.

Điều đó khiến cho lãnh đạo vững tâm, không phải lo "chạy chọt" cấp trên, vận động hành lang với cấp dưới, tạo ra nhóm lợi ích nhóm gây ra sự xáo trộn trong nội bộ đơn vị.

Từ quan điểm trên, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: "Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta cũng có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm nếu thực hiện vào giữa nhiệm kỳ đối với lãnh đạo nhà trường có những điểm mạnh nhất định.

Đặc biệt, nó có thể giúp cơ quan quản lý sớm loại bỏ mầm mống tiêu cực, thiếu ý chí, thiếu uy tín của cán bộ quản lý. Đây là điểm rất quan trọng cần được ghi nhận nếu đưa vào áp dụng thực tế.

Trong việc này, khi thực hiện trong thời điểm sớm hơn so với cách làm như trước đây, nếu lãnh đạo đó mới "dính" vào tiêu cực, suy thoái thì chúng ta có thêm thời gian để lãnh đạo đó sửa đổi để tiếp tục điều hành đơn vị tốt hơn.

Còn với lãnh đạo nào đã quá "lún sâu", uy tín đã mất đối với đồng nghiệp, gây trì trệ trong sự phát triển của tập thể thì cơ quan quản lý cũng có thêm thời gian để xem xét và bố trí lãnh đạo khác thay thế, vực tập thể ấy tiến bộ trở lại.

Bởi lẽ, có nhiều trường hợp, lãnh đạo có uy tín thấp, không làm được việc nhưng vẫn để làm hết nhiệm kỳ mà không có sự xem xét, theo dõi của cơ quan quản lý. Sau khi lãnh đạo đó được luân chuyển, không ít nơi trường học dưới thời của các lãnh đạo đó rơi vào tình cảnh thê thảm".

Cùng quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) ủng hộ với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cho rằng việc làm này là hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Thạc sĩ Thoan nhấn mạnh: “Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo nhà trường không chỉ là thực hiện vào giữa nhiệm kỳ mà bất kể lúc nào có dư luận xấu, nếu cấp quản lý thấy cần thiết cũng nên tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm.

Bởi lẽ, việc lấy phiếu tín nhiệm nó cũng là một trong những kênh để cơ quan quản lý có thể nắm bắt được về uy tín của lãnh đạo đó như thế nào. Điều này cũng có thể hạn chế hoặc chấm dứt được dư luận theo dạng tin đồn về lãnh đạo của trường đó.

Ý kiến dư luận thì có tốt, có xấu, thậm chí bản chất lãnh đạo đó là tốt nhưng có dư luận còn được một nhóm người tạo dựng lên nhằm hạ uy tín của lãnh đạo nhà trường. Nếu không dùng việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá thì cơ quan quản lý khó có thể đưa ra căn cứ xác thực về mức độ uy tín thực sự của người đó. Điều này gây ra sự ngờ vực, bàn tán không đáng có trong cơ quan, còn bản thân lãnh đạo đó thì luôn trong tâm trạng suy nghĩ, hoang mang không tập trung cao độ cho công việc chuyên môn được.

Trên thực tế, một cán bộ nếu có năng lực, có thái độ ứng xử đúng mực và “được lòng” đồng nghiệp thì họ không ngại gì việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm nào cả. Thậm chí qua lần lấy phiếu tín nhiệm có đánh giá cao uy tín của lãnh đạo đó còn được nâng lên gấp bội”.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Thoan cũng nêu lên một số quan điểm cho rằng, khi xác định việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ lãnh đạo thì việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ áp dụng với lãnh đạo lâu năm mà cần phổ rộng với tất cả các đối tượng.

Thậm chí, đối với lãnh đạo mới làm nhiệm kỳ đầu hoặc mới thuyên chuyển về cơ sở mới nhưng có biểu hiện suy thoái, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tập thể thì có thể không cần truy xét rằng lãnh đạo đó đã làm đủ nửa thời gian của nhiệm kỳ hay chưa. Với trường hợp như vậy thì cần thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm mà không cần chờ đến thời điểm để chấm dứt dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín chung của tập thể nhà trường đó.

“Đã là lãnh đạo của một trường học thì trong mọi thời gian, thời điểm người đó phải luôn có sự tu dưỡng, phấn đấu cho quyền lợi chung của toàn trường. Trong môi trường giáo dục, nếu cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín thì nên có phương án thay thế.

Phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý cho người đó có tiếp tục được lãnh đạo, điều hành tập thể đó nữa hay không. Vì vậy, nếu để cho người uy tín thấp, không giải quyết được khâu đoàn kết nội bộ, không đưa được tập thể đó tiến bộ hơn thì việc chờ đến đủ thời gian mới lấy phiếu tín nhiệm, có khi lúc đó tập thể ấy cũng trở thành một mớ hỗn độn.

Để làm tốt được điều này tôi nghĩ cấp quản lý nên thường xuyên cập nhật về tình hình của các lãnh đạo nhà trường. Đồng thời, nên tạo ra các kênh thăm dò ý kiến từ phía giáo viên, cấp dưới của lãnh đạo đó để kịp thời chấn chỉnh và thay đổi lãnh đạo nhà trường trong điều kiện thích hợp”, Thạc sĩ Thoan chia sẻ thêm.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Ngoài ra, vị này cũng đưa ra nhận định rằng, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một cách khách quan, công tâm thì khi thực hiện sớm hơn so với cách làm “truyền thống” có thể sớm ngăn chặn được tình trạng suy thoái tư tưởng, phẩm chất của lãnh đạo nhà trường.

Thạc sĩ Thoan cho rằng, khi lãnh đạo nhà trường đã có dư luận xấu ảnh hưởng, thậm chí nếu giáo viên trường đó có đơn từ đủ chứng minh sự suy thoái của lãnh đạo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn “thông lệ” là một tác nhân lớn để sớm ổn định tình hình của nhà trường.

Thạc sĩ Thoan cũng nêu lên một số giải pháp để có thể đảm bảo tính khách quan khi thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, cho dù là thực hiện ở giữa hay cuối nhiệm kỳ.

Theo đó, vị Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ cho rằng: “Trước hết, khi thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo nhà trường, cấp quản lý của đơn vị đó cần thông tin rộng rãi về kế hoạch lấy phiếu để mọi người có liên quan đến việc này có thể nắm bắt.

Thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm nên được thực hiện thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn, nhiều đơn vị có liên quan đến lãnh đạo đó. Đồng thời, nên thực hiện bỏ phiếu kín và không ghi rõ đích danh người bỏ phiếu.

Hơn nữa, trên mỗi lá phiếu nên hạn chế việc viết chữ bằng tay, thay vào đó ban tổ chức có thể đưa ra các bộ câu hỏi và người bỏ phiếu chỉ việc đánh dấu tích và cùng một màu mực. Điều này là để người bỏ phiếu yên tâm, không lo sợ việc bày tỏ thẳng thắn ý kiến cá nhân mà sợ bị trù dập. Có như vậy mới mong hạn chế được tiêu cực, đảm bảo được sự khách quan, phản ánh đúng thực tế trong mỗi phiếu”.

Trung Dũng