Lãnh đạo trường ĐH ở TP.HCM chia sẻ cách thu hút, giữ chân GV, nhà khoa học giỏi

09/07/2023 06:37
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm thu hút các giảng viên giỏi, có trình độ về trường mình giảng dạy.

Hiện nay, câu chuyện để thu hút, giữ chân được các giảng viên, nhà khoa học giỏi đang thực sự là vấn đề nan giải với nhiều trường đại học, nhất là trong bối cảnh một số trường vẫn đang loay hoay với vấn đề tự chủ.

Đây thực sự là bài toán khó cho cơ sở giáo dục đại học, nhất là khi trong tình hình hiện nay, nguồn đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, còn cơ chế tự chủ, nhất là vấn đề tài chính chưa thực sự mở để các trường tạo được đa dạng nguồn thu ngoài học phí.

Giảng viên có học hàm giáo sư được hỗ trợ 150 triệu đồng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (HUIT) đã chia sẻ những kinh nghiệm của nhà trường trong việc thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn, sau 8 năm HUIT được tự chủ hoàn toàn, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư, số lượng giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên tăng lên đáng kể.

Hiện tính trên tổng số giảng viên, HUIT đã đạt 32% tổng số giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên, trong đó giảng viên có học hàm từ phó giáo sư, giáo sư là 29 người.

Nhà trường luôn khuyến khích các cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ học tập, xem đó như là một nhiệm vụ bình thường, công việc hàng ngày của tất cả mọi người.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: HUIT)

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: HUIT)

Bất kể giảng viên của trường, hay người từ bên ngoài về trường công tác, nếu đạt trình độ tiến sĩ sẽ được nhà trường hỗ trợ 75 triệu đồng, học hàm phó giáo sư được hỗ trợ 100 triệu và giáo sư được hỗ trợ 150 triệu đồng, không phân biệt là học ở trong nước hay nước ngoài.

Đồng thời nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cán bộ, giảng viên có thể nghiên cứu khoa học, phát huy tốt nhất các thế mạnh của mình. Đặc biệt, thầy cô nào có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus sẽ được thưởng ngay 75 triệu đồng/bài.

Nhằm hỗ trợ cho các thầy cô giáo, nhất là đối với giảng viên có thế mạnh về nghiên cứu khoa học, viết bài báo, HUIT sẵn sàng giảm 50% định mức giờ dạy tiêu chuẩn, có nghĩa là thầy cô chỉ cần dạy 150 tiết/năm thay vì 300 tiết như bình thường, mà tiền thưởng cho các bài báo khoa học không thay đổi.

Giảng viên của HUIT luôn xem nâng cao trình độ là một nhiệm vụ thường xuyên của mình (ảnh: HUIT)

Giảng viên của HUIT luôn xem nâng cao trình độ là một nhiệm vụ thường xuyên của mình (ảnh: HUIT)

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh, nhờ cơ chế tự chủ hoàn toàn, hiện lương giảng viên của nhà trường tối thiểu đạt 25 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản tiền dạy thêm giờ.

Nhờ những chính sách, cơ chế thiết thực như vậy đã cơ bản đảm bảo được đời sống, giữ chân được các giảng viên, nhà khoa học giỏi đến cộng tác, làm việc tại trường.

15 năm, nhà khoa học về trường tăng gấp hơn 6 lần

Theo Phó Giáo sư Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay, trường đã áp dụng, phối hợp nhiều chính sách để thu hút các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học có thời gian nghiên cứu, học tập, làm việc ở các nước phát triển về trường làm việc.

Là một ngôi trường có sứ mệnh đào tạo môi trường quốc tế, trong đó dùng tiếng Anh để giảng dạy, nên các chính sách để thu hút nhà khoa học, giảng viên giỏi về trường làm việc luôn được chú trọng.

Từ năm 2008 cho đến nay, chế độ lương của trường luôn thu hút được người mới, giữ chân được các giảng viên đang gắn bó với trường.

Phó Giáo sư Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: B.N)

Phó Giáo sư Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: B.N)

Ngoài ra, cơ sở vật chất, máy móc, đầu tư về mặt nghiên cứu, học thuật cũng phải đúng với sở nguyện của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, nên họ luôn yên tâm công tác tại trường.

Sau 15 năm, với con số đội ngũ nhà khoa học ban đầu của trường chỉ có 40 người, đến nay, trường đã thu hút được 250 nhà khoa học có uy tín của trong và ngoài nước, là một minh chứng đúng đắn cho các chính sách thu hút người tài mà trường đặt ra.

Đội ngũ các nhà khoa học này không chỉ làm công tác giảng dạy, là giảng viên hay trợ giảng, là các nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu viên, chuyên viên phòng thí nghiệm. Tất cả đều phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học ngày càng có chất lượng của nhà trường.

Song song đó, trường còn áp dụng chính sách thưởng trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy tốt. Những phần thưởng vượt định mức cũng kích thích các giảng viên, nhà khoa học nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, trường tiến hành đào tạo nguồn nhân tài, chính từ các sinh viên giỏi của trường. Số sinh viên này sẽ được các giảng viên, nhà khoa học phát hiện, tìm ra ngay từ khi các em là sinh viên của năm nhất, năm hai, rồi bồi dưỡng để các em được đưa vào nhóm nghiên cứu của các thầy cô, làm quen dần với việc nghiên cứu, viết báo khoa học, sớm có những công bố.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: B.N)

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: B.N)

Không chỉ vậy, trường còn cố gắng giới thiệu các loại hình học bổng đến với sinh viên để người học có thể tự tìm được học bổng từ chính phủ của các nước phát triển, hay từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Những sinh viên này có thể học tiếp lên cao học, nghiên cứu sinh và sau đó trở về nước, trở lại trường để phục vụ, trở thành đội ngũ cán bộ trẻ, giỏi.

Trường còn thu hút được nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu từ nước ngoài về công tác, làm việc. Đó là những nhà khoa học có uy tín tại Hoa Kỳ, Úc, các nước châu Âu, châu Á…trở về Việt Nam, lựa chọn Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để cống hiến để từ đó mở ra nhiều ngành học mới, hướng nghiên cứu mới cho Việt Nam.

Có thể kể đến như Giáo sư Võ Văn Tới của ngành Kỹ thuật Y sinh, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học với ngành Khoa học Sinh sản.

Được biết, tính đến năm 2023, nhà trường đã có 68% tổng số giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Phần lớn các giảng viên của nhà trường đều được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng ở những nước phát triển.

Tóm lại, Phó Giáo sư Trần Tiến Khoa nhấn mạnh, chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi muốn thực hiện trọn vẹn thì ngoài chế độ lương thưởng hợp lý thì còn cần phải có môi trường cho các nhân sự này làm việc, có cơ sở vật chất phù hợp với ngành nghề họ nghiên cứu.

Chính sách linh hoạt, thưởng 100 triệu đồng cho bài báo quốc tế

Là một trường đại học ngoài công lập, từ nhiều năm nay, Trường Đại học Hoa Sen cũng là nơi thu hút được rất đông đội ngũ các giảng viên, nhà khoa học giỏi về tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (HSU) cho hay, các chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học về với trường luôn linh hoạt, không áp dụng một cách cứng nhắc, cố định.

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy giải thích, tiến sĩ hiện tại ở HSU có hai dạng, hoặc là chuyên về nghiên cứu hoặc là tiến sĩ đến từ các doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, giảng viên ở HSU cũng có chuyên về nghiên cứu khoa học hoặc là chuyên về giảng dạy. Cả tiến sĩ hay giảng viên đều phải đảm bảo đủ giờ giảng dạy theo quy đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (ảnh: HSU)

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (ảnh: HSU)

Khi vượt quy định giờ giảng dạy này, các giảng viên sẽ được tính tiền phụ trội. Nếu giảng viên, tiến sĩ có nghiên cứu khoa học, bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thì có thể được thưởng đến 100 triệu đồng.

Nếu giảng viên đã có học vị tiến sĩ, những có nhu cầu làm nghiên cứu để được có học hàm phó giáo sư, trường sẽ cân nhắc giảm KPI về giờ dạy, các hoạt động.

Những chính sách này sẽ linh hoạt, giải quyết từng trường hợp một, có ưu tiên cho giảng viên muốn nâng lên học hàm phó giáo sư hay giáo sư.

Các giảng viên khi đã có học hàm, cần phải cam kết gắn bó tiếp tục với nhà trường trong một thời gian nhất định, không đạt được yêu cầu này có thể phải đền bù, do đây là các chính sách linh hoạt, không nằm trong chính sách chung của nhà trường, và khi đề xuất thì giảng viên sẽ được thỏa thuận với nhà trường.

Người đứng đầu HSU nói rằng, trường phấn đấu trong 2 năm nữa, HSU sẽ có khoảng 35% tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20% tổng số giảng viên có học hàm phó giáo sư hay giáo sư.

Theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, nếu chỉ tập trung thưởng cho các tiến sĩ có các nghiên cứu khoa học theo hướng hàn lâm thì sẽ không thu hút được các tiến sĩ có xuất thân từ doanh nghiệp.

“Tất nhiên, doanh nhân họ sẽ e ngại việc phải đảm bảo về mặt nghiên cứu, xuất bản bài báo khoa học. Chính vì thế, là trường đại học đào tạo theo định hướng ứng dụng, HSU sẽ luôn áp dụng các chính sách linh hoạt, có nghĩa là vẫn đảm bảo đủ giờ dạy, giờ nghiên cứu khoa học, nhưng linh hoạt theo hướng họ đăng ký” – Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy khẳng định.

Việt Dũng