Làm hiệu trưởng, tôi thấy việc cho học sinh ở lại lớp là rất khó

04/07/2024 06:46
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cho học sinh ở lại lớp, hiệu trưởng sẽ là người phải chịu áp lực đầu tiên.

Cứ hết năm học, ở một số trường tiểu học, giáo viên lại tâm tư chuyện cho học sinh ở lại lớp hay cho học sinh lên lớp hết. Việc cho một học sinh lên lớp hay ở lại lớp chỉ cần căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá, tổng kết, vậy vì sao không ít thầy cô phải tâm tư. Thực tế, nhiều giáo viên, quản lý nhà trường chia sẻ thực lòng với người viết, rất khó để cho một học sinh được ở lại lớp.

Một hiệu trưởng chia sẻ: “Tôi đi dạy cũng hơn 20 năm, trong đó giữ cương vị hiệu trưởng đã sang nhiệm kì thứ ba, tôi thấy cho một học sinh ở lại lớp cũng rất khó.

Khi đang là giáo viên, tôi cũng nhiều lần cho học sinh ở lại lớp nhưng không qua được "cửa ải" của khối trưởng, phó hiệu trưởng rồi đến hiệu trưởng. Nhìn thấy học sinh "bị" mình đẩy lên lớp càng ngày càng sa sút ở lớp trên mà lương tâm cứ cắn rứt, tôi thấy lỗi mình trong đó.

Vì thế, khi làm giáo viên, tôi cố gắng dạy tận tâm hết sức có thể, giúp học sinh học tập tốt để cuối năm không có em nào phải ở lại lớp.

Trải qua vị trí giáo viên, rồi đến khối trưởng, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, tôi nhận thấy muốn nâng cao chất lượng giáo dục thật sự, biện pháp đơn giản nhất nhưng vô cùng khó làm, đó là cho học sinh được quyền ở lại lớp.

Tại sao tôi nói đơn giản nhất nhưng vô cùng khó làm, vì cho học sinh ở lại lớp, hiệu trưởng sẽ là người phải chịu áp lực đầu tiên".

Vị hiệu trưởng này chia sẻ về câu hỏi của cấp trên đối với ông khi ông về nhận công tác và trường có học sinh ở lại lớp. "Những năm trước người khác làm hiệu trưởng, tỷ lệ lên lớp của trường là 100%. Tại sao anh mới về một năm mà có hàng chục học sinh phải ở lại lớp? Đó là câu hỏi, nhưng cũng là câu phê bình của cấp trên với tôi.

Tôi đã có nhiều lần được chuyên viên phụ trách tiểu học của phòng mời lên trao đổi sau khi nộp báo cáo chất lượng cuối năm. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại phải giải trình … với những lý do mà người ta không muốn nghe, không muốn biết, nhưng không thể không chấp nhận, vì đó là thực tế.

Hậu quả đầu tiên mà tôi phải chịu là không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trường tôi phụ trách không được xếp loại hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt, mà chỉ là hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tế là vậy, cho học sinh ở lại lớp khó lắm chứ không phải hiệu trưởng nào cũng dám hy sinh quyền lợi, thành tích của mình để đồng ý với giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ở lại.

Tại sao tôi nói cho học sinh được quyền ở lại lớp mà không phải là buộc học sinh ở lại lớp, vì thực tế, học sinh ở lại lớp ở tiểu học không đáng kể, rất nhiều trường lên lớp 100%.

Học sinh lớp 1 chưa đạt yêu cầu nhưng bị “đẩy” lên lớp 2, cứ thế, đẩy ra khỏi trường, nên ở đâu đó mới có chuyện học sinh lớp 6 chỉ viết được tên mình như dư luận từng phản ánh".

Chia sẻ về việc làm sao cho học sinh ở lại lớp được, thầy hiệu trưởng chia sẻ: “Thật lòng mà nói, chất lượng giáo dục tiểu học chỉ có thầy cô dạy trực tiếp mới biết rõ nhất.

Khi tôi nhận nhiệm vụ ở trường nào, tôi cũng bắt đầu với việc thống nhất quan điểm với tất cả giáo viên, cán bộ trong đơn vị: vì học sinh thân yêu là đánh giá trung thực, chứ không phải có một nói hai ba, dẫn đến lớp dưới chưa đạt, đẩy lên lớp trên học sinh sẽ chán học, quậy phá trong lớp làm cho học sinh khác không học được.

Cả tập thể cùng thống nhất rồi, đầu năm sẽ đồng loạt rà soát chất lượng, nếu giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh lớp 2, 3, 4, 5 của mình chưa đạt, buổi sáng các em học lớp 2, 3, 4, 5 buổi chiều cho học lại lớp 1, 2, 3, 4.

Câu hỏi ai sẽ dạy lại cho đối tượng học sinh này? Tôi động viên chính giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp cũ phải giúp các em, nếu cần thì tôi, các phó hiệu trưởng khác cùng xắn tay vào làm.

Mình phải làm gương, mình phải làm thật, không chỉ hô khẩu hiệu, thấy mình làm thật, không ngại khó, không ngại khổ, giáo viên sẽ làm theo, làm thật, mình cống hiến mười thì ít ra họ cũng cống hiến được hai, ba, dần dần dần họ sẽ cống hiến nhiều hơn, dạy tâm huyết, nhiệt tình hơn.

nhung-buc-tranh-de-thuong-ve-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-990011a71d23442c90d1a446d9a1a139-8381-3275.jpg
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Khi thấy mình làm thật, nhà trường làm thật, giáo viên làm thật, sẽ lan tỏa đến phụ huynh, họ sẽ tranh thủ thời gian cùng học với con mình ở nhà, không còn khoán trắng cho nhà trường nữa.

Chính phụ huynh sẽ nói với con mình, không học là phải ở lại lớp chứ không được lên lớp đâu, thái độ học tập của học sinh đã thay đổi tích cực hơn, nghiêm túc hơn.

Đặc biệt, điều mà giáo viên nào cũng cảm nhận được, chính là sự nhìn nhận của phụ huynh, phụ huynh tôn trọng giáo viên hơn, có lời nói, thái độ tốt với giáo viên nhà trường".

Thầy kể, cuối năm thứ nhất thầy về trường, học sinh chưa đạt sau khi tổ chức bồi dưỡng trong hè, thầy kiên quyết đề nghị giáo viên chủ nhiệm cho ở lại lớp. Để phụ huynh không phản đối, vị hiệu trưởng này mời họ lên trao đổi thẳng thắn việc được, mất khi cho con họ ở lại hay lên lớp.

Vì thế, dù cho học sinh ở lại lớp, phụ huynh, giáo viên và cả lãnh đạo địa phương cũng đồng tình, ủng hộ. Nhưng một điều tiến bộ là số học sinh ở lại đã giảm dần, không ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới hay trường chuẩn quốc gia.

Chính việc cho học sinh ở lại lớp đã nâng cao chất lượng giáo dục cho trường cũng như địa phương, nhà trường dần tiến tới dạy thật, học thật, phụ huynh, học sinh đều cảm nhận được.

"Mấy năm đầu, mỗi khi đi dự tổng kết năm học ở Sở, khi Sở nhận xét địa phương mình có số học sinh ở lại lớp cao nhất trong tỉnh, nhiều người nhìn về phía tôi như trách móc, tôi biết, tôi vẫn kiên trì làm theo lương tâm của mình, cái mà mình cho là đúng, rồi người khác sẽ nhận ra thôi.

Sau một thời gian, chất lượng trường tôi nâng lên, cái nhìn về việc tôi cho học sinh ở lại lớp khác hơn, tôi đã được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trường tôi phụ trách được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vì thế, theo tôi, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải cho học sinh được ở lại lớp, cùng với đó là sự chia sẻ của thầy cô giáo với học sinh. Chúng ta đừng đổ lỗi cho ai khác đã áp đặt chỉ tiêu lên lớp, khi nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường là của chính thầy cô, lãnh đạo trường”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh