Từ năm học 2023-2024, việc thực hiện đánh giá, xếp loại viên chức sẽ căn cứ theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 và Văn bản hợp nhất số 3/VBHN-BNV ngày 03/8/2023 của Bộ Nội.
Theo đó, tỷ lệ được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hướng dẫn như sau: “Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng...”.
Tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm do Ban Tổ chức Trung ương ban hành đã hướng dẫn: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.
Chính vì thế, không chỉ đánh giá, xếp loại viên chức đối với giáo viên, nhân viên ở các nhà trường căng thẳng mà ngay cả khi cấp trên đánh giá, xếp loại viên chức đối với các nhà giáo đang đảm nhận vai trò quản lý ở các nhà trường cũng đang gặp rất nhiều khó bởi tỉ lệ xếp ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ được tối đa 20% mà thôi.
Cơ quan nào đánh giá, xếp loại viên chức các thành viên Ban giám hiệu nhà trường?
Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại viên chức đối với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, sau khi thực hiện các bước theo quy định, hiệu trưởng là người cuối cùng đánh giá và ra quyết định công nhận xếp loại viên chức trong năm học theo các mức khác nhau cho tất cả các viên chức không đảm nhận chức vụ trong nhà trường.
Đối với các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường, bao gồm: hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở sẽ do Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét đề xuất mức đánh giá, xếp loại chất lượng, tổng hợp báo cáo đến Ủy ban nhân dân huyện để xem xét, quyết định.
Đối với hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông; giáo dục thường xuyên; các trường chuyên biệt trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý thì Sở sẽ xem xét đề xuất mức đánh giá, xếp loại chất lượng, tổng hợp báo cáo đến Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định.
Việc đánh giá hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng các nhà trường sẽ căn cứ vào bản tự đánh giá của các cá nhân. Đồng thời, sẽ xem xét mức độ hoàn thành công việc quản lý của từng người ở từng vị trí qua các công việc cụ thể. Đó là: quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể. Thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học…
Nhìn chung, phần lớn các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường sẽ tự đánh giá viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi thực hiện xong bản tự đánh giá thì Ban giám hiệu nhà trường sẽ được lấy ý kiến ở các tổ chuyên môn. Nhà trường sẽ tổng hợp ý kiến và các biểu mẫu đánh giá, xếp loại viên chức đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng gửi lên cấp trên.
Cấp Phòng hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ có thể xem xét đề xuất mức đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức đối với các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thuộc các trường trực thuộc cấp quản lý tối đa 20% số lượng để Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh ra quyết định công nhận.
Thế nhưng, mỗi huyện có hàng trăm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở nên lãnh đạo Phòng cũng gặp khó khăn khi xét ai ở mức Hoàn thành xuất sắc, ai Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học.
Vì thế, có nơi lãnh đạo Phòng giáo dục phải điện thoại về trường yêu cầu mỗi trường chỉ giới thiệu 1 người xếp ở mức xuất sắc để thuận lợi cho việc xem xét, đề xuất. Tuy nhiên, năm học đã kết thúc gần 1 tháng trời nhưng vẫn có nhiều địa phương chưa ra quyết định về việc đánh giá, xếp loại viên chức đối với cán bộ quản lý ở các nhà trường.
Rõ ràng, việc khống chế tỉ lệ viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “không quá 20%” đang dẫn đến nhiều khó khăn không chỉ với nhà trường mà ngay cả Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo khi đánh giá, xếp loại viên chức thuộc quyền quản lý của mình.
Xét ai, loại ai là cả một vấn đề nan giải
Khi chia sẻ với chúng tôi, nữ hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở chia sẻ: “Đơn vị tôi là trường loại I và là trường thuộc khu vực đô thị nên nhìn chung giáo viên, nhân viên của nhà trường có nhiều áp lực hơn. Nhưng, cũng vì thế mà những phong trào, hội thi của ngành phát động thì giáo viên, nhân viên tham gia rất tích cực.
Chính vì tham gia tích cực nên nhiều thầy cô giáo và nhân viên trong trường đạt được nhiều thành tích cho trường và cá nhân. Thế nhưng, cuối năm học khi đánh giá, xếp loại viên chức chỉ được xét tối đa 20% Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xét ai, loại ai là cả một vấn đề nan giải.
Có nhiều viên chức xứng đáng xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng vì bị khống chế tỉ lệ nên trước khi ra quyết định công nhận xếp loại viên chức của nhà trường, bản thân tôi đã rất cân nhắc và thận trọng.
Vậy nhưng, khi ban hành Thông báo kết quả xếp loại viên chức năm học thì vẫn có một số thầy cô lên thắc mắc, so sánh. Mặc dù phải giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc của giáo viên nhưng những thị phi vẫn còn dai dẳng”.
Vị hiệu trưởng này còn chia sẻ thêm: “Với vai trò là hiệu trưởng nhà trường- người có quyết định quan trọng nhất và ban hành quyết định xếp loại viên chức trong nhà trường, trong đó có 20% viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng, bản thân tôi cũng chỉ tự đề nghị ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng vì việc khống chế tỉ lệ.
Bởi lẽ, đa phần, các cán bộ, quản lý các trường học từ Mầm non đến Trung học cơ sở đều tự xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lên Phòng Giáo dục và Đào tạo thì lãnh đạo cũng gặp khó. Mình là hiệu trưởng nên hiểu được khó khăn của lãnh đạo nên tôi đã giới thiệu 1 phó hiệu trưởng Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thế nhưng, dù mỗi trường giới thiệu 1 người nhưng cũng chưa chắc đã được vì không được lựa chọn quá 20% xuất sắc trong tổng số cán bộ, quản lý nhà trường trên địa bàn quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo”.
Từ những chia sẻ của vị hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở cho thấy ngay cả bản thân hiệu trưởng- người cao nhất trong đơn vị, ra quyết định công nhận nhiều viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng bản thân họ cũng chấp nhận tự xếp loại ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ cho thấy những căng thẳng, khó khăn khi đánh giá, xếp loại viên chức.
Và tất nhiên, cũng có cán bộ quản lý ở trường học khá "tâm tư" khi bản thân họ cố gắng, đơn vị họ quản lý có nhiều thành tích nhưng bản thân họ được cấp trên xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ vì tỉ lệ bị khống chế.
Tuy nhiên, cũng từ việc khắt khe trong xếp loại viên chức đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường sẽ giúp cho các viên chức phải cố gắng nhiều hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công- nếu muốn được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các năm học sau này.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.