So với chương trình 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có điểm khác biệt cơ bản nhất đó là có nhiều sách giáo khoa khác nhau cho mỗi bộ môn, bởi vì sách giáo khoa được xem là tài liệu dạy học, không phải là pháp lệnh.
![Ảnh minh họa: Trần Văn Tâm Hình sách -.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/juznus/2025_02_06/hinh-sach-1988-1761.jpg)
Trước nhiều ý kiến đề xuất nên thống nhất một bộ sách giáo khoa cho mỗi môn, là giáo viên trung học phổ thông, tôi xin nêu ý kiến như sau:
Sách giáo khoa chỉ là tài liệu cụ thể hóa chương trình
Chương trình hiện hành, sách giáo khoa chỉ là tài liệu quan trọng trong dạy học nhưng không phải là căn cứ duy nhất. Một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa như hiện nay là đang thực hiện theo chủ trương đúng đắn.
Thứ nhất, trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo như sau: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.
Mục tiêu đổi mới “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh”.
Một trong các yếu tố cần đổi mới để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh là: “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”.
Thứ hai, trong Luật Giáo dục 2019, tại Điều 32, khoản 1, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau: “Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục”.
“Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13: “Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.
Theo đó, sách giáo khoa không phải là pháp lệnh, định hướng trong quản lý việc dạy và học mà chương trình mới là pháp lệnh định hướng mục tiêu giáo dục. Hiểu cơ bản, chương trình quyết định sách giáo khoa chứ sách giáo khoa không quyết định chương trình. Sách giáo khoa chỉ là tài liệu trình bày kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình mà học sinh cần lĩnh hội. Giáo viên thông qua sách giáo khoa để tổ chức, hướng dẫn học sinh khám phá, lĩnh hội kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng và qua đó phát triển năng lực học sinh.
Như vậy, khi dạy học, giáo viên xem sách giáo khoa như một tài liệu để hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Việc chọn bộ sách nào là do tổ chuyên môn nghiên cứu, lựa chọn, thống nhất và đề xuất với nhà trường. Những bộ sách còn lại là tài liệu tham khảo chính thống, đảm bảo nhiều tiêu chuẩn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
![Phụ huynh chọn mua sách. Ảnh: Mộc Hương sgk.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/edxwpcqdh/2025_02_06/sgk-9384-3515.jpg)
Đa dạng sách giáo khoa thuận lợi hơn trong dạy học
Hiện, môn Ngữ văn có ba bộ sách giáo khoa như Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh Diều. Ngữ liệu trong ba bộ sách giáo khoa là kho học liệu phong phú cần khai thác triệt để, phục vụ cho việc dạy và học hiệu quả hơn.
Thứ nhất, giáo viên dạy một bộ sách chính thức trên lớp, có quyền tham khảo hai bộ sách còn lại, lựa chọn các ngữ liệu thêm vào nội dung bài giảng phù hợp với học sinh của mình. Kiến thức trong những bộ sách giáo khoa bổ trợ nhau rất nhiều, giúp người học dễ hình thành kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, những tài liệu khác kèm theo bộ sách giáo khoa như sách giáo viên, sách bài tập… giúp người học mở rộng kiến thức.
Chẳng hạn, khi dạy thể loại thần thoại ở chương trình Ngữ văn lớp 10, sách Chân trời sáng tạo giới thiệu ba văn bản: Thần Trụ Trời, Rô-mê-tê và loài người, Cuộc tu bổ lại các giống vật. Trong sách có câu hỏi dẫn dắt: “Bạn biết những truyện thần thoại nào? Hãy chia sẻ với các bạn trong nhóm về những truyện thần thoại ấy”. Để trả lời câu hỏi này, giáo viên và học sinh đều có thể đọc những truyện thần thoại trong sách Ngữ văn lớp 10 bộ Cánh Diều như: Hê-cra-lét đi tìm táo vàng, Nữ Oa hoặc trong sách Ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống như: Thần Sét, Thần Gió, Tê-dê để mở rộng kiến thức.
Thứ hai, mỗi bộ sách triển khai theo cách tiếp cận và phương pháp riêng. Vì thế, mỗi bộ sách sẽ có những ưu điểm, tạo ra độ “mở” cho giáo viên trở thành người đồng thiết kế bài dạy cùng với tác giả sách giáo khoa miễn sao đạt được yêu cầu cần đạt của bài dạy.
Chẳng hạn, khi dạy về thể loại thơ, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài dạy, nếu thấy câu hỏi nào khó quá hoặc chưa phù hợp với yêu cầu cần đạt thì giáo viên có thể biên soạn lại câu hỏi cho phù hợp. Hoặc giáo viên có thể tham khảo hệ thống câu hỏi trong hai bộ sách khác để đặt câu hỏi tường minh, dễ hiểu hơn. Không giống như chương trình cũ, thầy cô phải tuyệt đối dạy giống trong sách giáo khoa, không dám dạy khác cho dù nội dung trong sách có thể không còn phù hợp với thực tiễn.
![Ảnh minh họa: Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) anh-2-7779.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/juznus/2025_02_06/anh-2-7779-6562-9659.jpg)
Thứ ba, đa dạng sách giáo khoa tạo ra nguồn học liệu phong phú để giáo viên chọn ngữ liệu thiết kế đề kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình mới, việc chọn ngữ liệu văn bản để thiết kế đề kiểm tra thật khó khăn với giáo viên nên ngữ liệu trong hai bộ sách đã giải quyết được nỗi lo cho thầy cô. Tuy nhiên, giáo viên chỉ sử dụng ngữ liệu, không nên sử dụng hệ thống câu hỏi đi kèm trong sách giáo khoa để đảm bảo kết quả kiểm tra đánh giá vẫn chính xác, khách quan, trung thực.
Thứ tư, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sẽ giúp cho học sinh tự nhận ra kiến thức là vô hạn, từ đó sẽ kích thích học sinh tìm tòi, khám phá. Đó chính là dạy học theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Chương trình mới hình thành cho học sinh phương pháp tự học, chủ động tìm tòi, khám phá và học tập suốt đời thì giáo viên cũng phải tự học nâng cao chuyên môn, năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của người thầy.
Thứ năm, nhiều bộ sách giáo khoa không gây khó cho học sinh khi thi đề chung dù cho học sinh đang học bộ sách giáo khoa nào. Minh chứng cho điều đó là đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đề thi không dựa vào bộ sách giáo khoa nào để biên soạn mà dựa vào chương trình. Học sinh học bộ sách nào cũng có thể đọc đề, hiểu đề và vận dụng tri thức ngữ văn, tri thức kiểu bài để giải quyết đề bài được. Điều đó cho thấy sự nhất quán của một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là xu hướng chung của giáo dục tiên tiến trên thế giới. Từ lâu, đã có nhiều quốc gia triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và đạt được nhiều thành tựu. Giáo dục của Việt Nam không thể đi ngược lại với giáo dục thế giới mà phải nhanh chóng hội nhập thế giới, thích ứng với yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.