Kiến nghị tổng kết mô hình đại học địa phương

17/02/2024 06:26
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Chuyên gia và lãnh đạo nhiều trường đại học kiến nghị Bộ GDĐT cần tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương, định hướng phát triển cho các trường.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và Lãnh đạo các trường đại học địa phương năm 2024 do Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức, các đại biểu tham dự đã có kiến nghị về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương theo hướng tái cấu trúc mô hình đại học địa phương, đảm bảo phân tầng giáo dục đại học được tốt và bền vững, trong đó coi trọng hệ thống giáo dục đại học địa phương như sứ mệnh của nó khi thành lập, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, mô hình đại học địa phương có sứ mệnh riêng, gắn với cộng đồng, với chính quyền địa phương về nhiều phương diện.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng hệ thống giáo dục đại học địa phương, xem giáo dục đại học địa phương là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, các trường đại học địa phương thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vì vậy, việc duy trì mô hình đại học địa phương là rất cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế là hoạt động của các trường đại học địa phương còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

“Đặc biệt, hiện nay, trường đại học địa phương chỉ được phép đào tạo trình độ từ đại học trở lên (trừ ngành cao đẳng Giáo dục Mầm non).

Điều này khiến đại học địa phương giống như các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học khác, dẫn đến thế mạnh của trường đại học địa phương đang bị hạn chế”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng nhận định.

Tiến sĩ Đặng Văn Định chia sẻ cần tổng kết mô hình đại học địa phương.

Tiến sĩ Đặng Văn Định chia sẻ cần tổng kết mô hình đại học địa phương.

Có những quan điểm tương đồng, Tiến sĩ Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Mô hình đại học địa phương đã xuất hiện trong hơn 1/4 thế kỷ. Đây là các trường đại học công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Về tổ chức đào tạo, ban đầu đại học địa phương có nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở xuống, nhằm đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động tại địa phương. Thế nhưng hiện nay, trường đại học địa phương chỉ được đào tạo từ trình độ đại học trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học như các đại học quốc gia, đại học vùng… Đây là thay đổi cơ bản khiến mô hình đại học địa phương không còn đảm nhiệm được sứ mệnh của nó”.

Khái quát thêm về hoạt động của trường đại học địa phương, Tiến sĩ Đặng Văn Định cho rằng, các cơ sở này cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo.

Cụ thể, về hoạt động tuyển sinh, các trường đại học địa phương đều xuất thân từ trường cao đẳng (thậm chí, có địa phương còn gộp cả trường trung cấp vào để thành lập đại học địa phương). Vì vậy, thế mạnh của các đơn vị này là đào tạo từ cao đẳng trở xuống. Tuy nhiên, hiện đại học địa phương đều đào tạo từ trình độ đại học trở lên.

Trừ các trường toạ lạc ở những thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết những trường còn lại đều ở địa bàn kinh tế - xã hội còn ít điều kiện phát triển, rất khó thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm nhiệm vụ quản lý, giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường.

Bên cạnh đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho cho giáo dục đại học địa phương đang giảm dần. Các trường đang nỗ lực tự bảo đảm thu chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xu thế thu học phí để “tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác...” cũng không loại trừ các trường đại học địa phương.

Chính vì vậy, các trường đại học địa phương cũng phải tham gia vào “cuộc đua” tuyển sinh, cạnh tranh với các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường đại học khác trong cả nước.

Chia sẻ thêm về những khó khăn mà các trường đại học địa phương đang gặp phải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho biết: “Trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng sâu rộng như hiện nay, dẫn đến nguy cơ nhiều cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các trường đại học địa phương thiếu nguồn lực, rơi vào tình trạng khó khăn.

Đặc biệt, nếu không có sự quan tâm sát sao, hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, rất dễ khiến một số trường đại học địa phương có nguy cơ không phát triển được. Thực tế đã chứng minh điều này, nếu đơn vị nào nhận được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp lãnh đạo tỉnh sẽ có nhiều động lực để phát triển.

Bên cạnh đó, khó khăn trong tuyển sinh cũng là một vấn đề cần phải quan tâm đối với các trường đại học địa phương. Bởi các trường đại học địa phương thường ít hấp dẫn đối với sinh viên, lại phải cạnh tranh với các trường đại học lớn của cả nước,… Điều này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ về việc sụt giảm nguồn thu, hay khó khăn trong việc đánh giá, kiểm định chất lượng các ngành đào tạo,…

Hiện nay, các trường đại học địa phương cũng gặp phải khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhất là khi Nghị định 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực, quy định đối tượng viên chức là giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng), đã khiến cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao này ở nhiều trường đại học địa phương đã thiếu nay còn thiếu hơn.

Trong khi đó, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư kế cận chưa có. Điều này khiến các trường thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu và không đủ điều kiện mở ngành và duy trì ngành đào tạo sau đại học”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình (website Trường Đại học Thái Bình)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình (website Trường Đại học Thái Bình)

Từ thực tiễn hoạt động của các trường đại học địa phương trong thời gian qua, các chuyên gia, lãnh đạo trường đại học địa phương đều có mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương theo hướng tái cấu trúc mô hình đại học địa phương, đảm bảo phân tầng giáo dục đại học được tốt và bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành rất ủng hộ việc tổ chức hội nghị tổng kết mô hình đại học địa phương.

"Tôi nghĩ hội nghị nên có sự tham gia của cả các cấp lãnh đạo tỉnh và các cơ sở giáo dục đại học lớn tới tham dự.

Bởi hội nghị này sẽ là diễn đàn hội tụ các cơ sở giáo dục địa phương, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị khác quan tâm hơn, nhìn nhận rõ hơn những thành quả đã làm được và còn những khó khăn còn tồn tại của các trường đại học địa phương; tìm ra nguyên nhân của những hạn chế đó và giải pháp khắc phục giúp các trường đại học địa phương ngày càng phát triển hơn nữa” - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình nêu quan điểm.

Từ thực tiễn hoạt động của một số trường đại học địa phương còn nhiều khó khăn, Phó giáo sư Thành cũng kiến nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh nên có sự hỗ trợ quan tâm hơn nữa đối với các cơ sở này. Đặc biệt là nên có sự đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, có các cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) về trường đại học địa phương làm việc, có các chính sách thu hút con em địa phương học tập tại chính địa phương mình…

Đồng thời, cần có chính sách cho phép các trường đại học địa phương tiếp tục được sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (giáo sư, phó giáo sư) tiếp tục làm giảng viên cơ hữu sau khi hết tuổi làm việc. Điều này giúp các trường đại học địa phương có thể tiếp tục mở ngành, duy trì ngành sau đại học; và hỗ trợ các trường đại học địa phương đào tạo đội ngũ nhân lực kế cận.

Bàn thêm về việc thực hiện Hội nghị tổng kết các trường đại học địa phương, Tiến sĩ Đặng Văn Định cho biết, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng vẫn đang tiếp tục được triển khai trong hơn 6 năm nay.

“Các trường đại học địa phương là đối tượng thực hiện cả hai nghị quyết quan trọng trên. Do vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương theo hướng tái cấu trúc mô hình đại học địa phương, đảm bảo phân tầng giáo dục đại học được tốt và bền vững.

Khi tổng kết sẽ thấy rõ được những ưu điểm, hạn chế để từ đó đưa ra phương án nên tái cấu trúc mô hình này như thế nào?” – Tiến sĩ Đặng Văn Định cho hay.

Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, Tiến sĩ Định cho rằng nên xem xét lại và duy trì mô hình trường đại học địa phương như ban đầu. Tức là, Nhà nước cần trao quyền, cho phép các trường đại học địa phương không chỉ đào tạo trình độ đại học trở lên mà còn được khôi phục lại việc đào tạo các trình độ cao đẳng và thấp hơn, trong đó chú trọng nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho địa phương.

Ý kiến trên cũng là mong muốn của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

thay-bau-6328.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hồng Đức, nên có cơ chế để lãnh đạo tỉnh tham gia vào hội đồng trường. Bởi đại học địa phương là nguồn lực của địa phương, gắn liền với sự phát triển của tỉnh. Khi lãnh đạo tỉnh tham gia vào hội đồng trường sẽ hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của các đơn vị này.

Từ đó, cấp lãnh đạo này sẽ cùng với nhà trường có sự quan tâm kịp thời, có những định hướng phù hợp để phát triển trường đại học địa phương, gắn liền với định hướng phát triển của tỉnh.

Ngoài ra, nên để các trường đại học địa phương thực hiện tự chủ. Cần lưu ý, tự chủ không chỉ nằm ở vấn đề về tài chính, mà nên có sự năng động ở mọi mặt như chuyên môn học thuật, tổ chức bộ máy,…

Bởi trong xu hướng hiện nay, việc thực hiện tự chủ giúp các trường trở nên năng động, sáng tạo nhanh chóng và ngày càng phát triển.

Kim Minh Châu