Kiến nghị nâng thu nhập cho tiến sĩ, PGS, GS để tránh "chảy máu chất xám"

17/07/2023 06:34
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần có cơ chế đột phá trong đãi ngộ, tạo ra quỹ hỗ trợ nhân tài để nâng cao thu nhập cho các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trước 30 tuổi…

Trường đại học khó giữ chân các giảng viên đã và đang đào tạo trở về với chính sách hiện nay

Trong bối cảnh thực hiện tự chủ như hiện nay cùng nguồn ngân sách hạn hẹp, nhiều trường đại học công lập của nước ta đang gặp khó khăn trong việc giữ chân các giảng viên đã và đang đi học nâng cao trình độ quay trở lại.

Trước tình hình đó, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế bày tỏ, là cơ sở giáo dục đại học luôn chú trọng phát triển chất lượng và đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội nên dù trong hoàn cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, nhà trường vẫn rất nỗ lực trong việc hỗ trợ cán bộ học tập, làm nghiên cứu sinh nâng cao trình độ.

Cụ thể, trong hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nghiên cứu sinh của nhà trường được miễn giảm phí thực hiện từ 100% (đối với người làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài) cho đến 90% (đối với người làm nghiên cứu sinh trong nước).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (ngoài cùng bên trái) tại Lễ trao bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ năm 2023 của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Ảnh: Website nhà trường).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (ngoài cùng bên trái) tại Lễ trao bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ năm 2023 của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Ảnh: Website nhà trường).

Với hoạt động nghiên cứu khoa học, Nhà trường cũng ưu tiên xét duyệt cho nghiên cứu sinh đề tài cấp cơ sở và cấp Đại học Huế với mức kinh phí có thể lên đến 150 triệu đồng tuỳ loại đề tài.

Hàng năm, theo qui định thu chi nội bộ của Nhà trường, mỗi nghiên cứu sinh nhận được tiền hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng (tuỳ vào địa điểm làm nghiên cứu sinh). Không những vậy, các nghiên cứu sinh bảo vệ đúng hạn hoặc trước hạn đều có kinh phí khen thưởng, hỗ trợ với mức chi trên 10 triệu đồng.

Những nghiên cứu sinh bảo vệ trước hạn, đúng hạn, bảo vệ ở nước ngoài về công tác đều được khen thưởng với các danh hiệu thi đua, bằng khen, ưu tiên xét nâng lương trước thời hạn, quy hoạch nhân sự vào các vị trí lãnh đạo trong tương lai.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã luôn nỗ lực tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học, giảng dạy dân chủ, liêm chính, đối thoại.

Theo đó, các nhà khoa học, giảng viên giỏi luôn được đối xử tôn trọng, được tham gia xây dựng các quyết sách quan trọng của trường. Nhà trường cũng quan tâm hỗ trợ thể hiện bằng việc giao cho họ những công trình đề tài nghiên cứu lớn, những danh hiệu khen thưởng, tôn vinh trang trọng.

Hơn nữa, Nhà trường cũng hỗ trợ tối đa cho giảng viên trong hoạt động thi nâng ngạch viên chức, làm hồ sơ học hàm, nâng lương trước hạn… để họ an tâm công tác, cống hiến lâu dài.

Tuy nhiên, theo thầy Tùng, với chính sách hiện nay là hết sức khó khăn cho nhà trường trong việc giữ chân các giảng viên giỏi đã và đang đào tạo quay trở về. Do vậy, để nâng cao chất lượng cần xây dựng cơ chế sử dụng nhân tài phù hợp, đặc biệt là đối những người đã tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài quay về lại đơn vị công tác.

"Thực tiễn đã chỉ ra rằng, bề mặt thu nhập viên chức giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay rất thấp. Điều này khiến đội ngũ chất lượng, trình độ cao, nhất là những người tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài trở về không an tâm công tác, đặc biệt là một số người có hoàn cảnh khó khăn không thể hỗ trợ gia đình.

Từ đó, xu hướng “chảy máu chất xám”, xin nghỉ việc, chuyển việc, định cư nước ngoài đã diễn ra mà Trường Đại học Khoa học cũng như nhiều cơ sở giáo dục đại công lập nói chung rất khó giải quyết", thầy Tùng cho hay.

Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đột phá trong đãi ngộ, có thể tạo ra quỹ hỗ trợ nhân tài (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã tốt nghiệp ở nước ngoài, tiến sĩ trước 30 tuổi…) nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ này.

Hơn nữa, mỗi đại học/trường đại học công lập khi thu hút được một tiến sĩ trở lên, tuỳ theo trình độ cần có một mức chi phù hợp để hỗ trợ, động viên họ an tâm công tác.

Cũng chia sẻ về thực trạng trên, Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, nhìn từ thực tế, mức thu nhập cho giảng viên của các trường đại học công hiện nay không thể cao bằng các trường tư, đặc biệt là các trường đại học địa phương cũng không thể bằng được các trường đại học công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Do vậy, Trường Đại học Khánh Hòa luôn cố gắng tạo môi trường tốt nhất có thể để thu hút, giữ chân những giảng viên, nhà khoa học giỏi. Năm học vừa qua, trường đã thu hút được một số giảng viên có trình độ thạc sĩ và 2 giảng viên có trình độ tiến sĩ về trường.

Tiến sĩ Phan Phiến cho hay, hàng năm, đối với những giảng viên đi học nghiên cứu sinh, ngoài kinh phí nhà nước, trường đều hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/năm cùng nhiều khoản phí khác kinh phí học tiếng Anh,...; địa phương cũng có những chính sách thu hút nhân tài cũng như hỗ trợ kinh phí về luận án cho các nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, trường cũng đang kiến nghị với tỉnh để sắp tới cho chính sách, chủ trương nhằm thu hút thêm 24 giảng viên có trình độ tiến sĩ, đảm bảo việc đào tạo chất lượng cao.

Mặt khác, theo thầy Phan Phiến, nguồn thu của hầu hết các trường đại học hiện nay chủ yếu đến từ học phí, và để tăng thu nhập cho giảng viên, nhà khoa học giỏi, tỉ trọng của nguồn thu cũng phải tăng.

Tuy nhiên, đối với những cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính như Trường Đại học Khánh Hòa có mức trần học phí chưa cao, nên mức thu học phí của sinh viên còn thấp.

Do vậy, vừa qua, Trường đã hoàn thành kiểm định đánh giá ngoài chương trình đào tạo vào tháng 5/2023 để có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh, từ đó mới tăng được nguồn thu.

Tiến sĩ Phan Phiến cũng chỉ ra rằng, để tăng thêm nguồn thu, từ đó mới có thể tăng thu nhập cho giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ, cơ sở vật chất, phương pháp quản lý, các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn.

Bởi, khi tự chủ hoàn toàn, chứng tỏ tiềm lực của trường đủ mạnh, theo đó, các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh gọn hơn nên sẽ giải quyết các chế độ chính sách, hỗ trợ cho giảng viên được kịp thời.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cũng mong rằng, nhà nước nên tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ hoàn toàn có cơ chế tự chủ về chỉ tiêu, về tuyển sinh để đảm bảo nguồn thu chính cho trường.

Khánh An