Kiến nghị có tiêu chí chấm thi riêng cho cấp THCS trong Hội thi KHKT

02/12/2023 06:25
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiệu trưởng Trường THCS Đưng K’Nớ ý kiến: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có Bộ tiêu chí chấm thi phân chia theo cấp học”.

Sau hơn 10 năm tổ chức, tuy được đánh giá là sân chơi giúp học sinh bậc trung học thỏa mãn đam mê, phát triển khả năng nghiên cứu, nhưng Cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học cũng nhận lại nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến các bất cập.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm thay thế cho Thông tư hiện hành.

Quy định mới giảm tải sự hỗ trợ của các chuyên gia

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Dự thảo Thông tư mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý này đã có nhiều điểm mới nhằm hoàn thiện quy chế thi.

Theo ông Tuấn: “Hiện nay, trong Thông tư Quy chế hiện hành có quy định về mục đích, yêu cầu của cuộc thi là “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học”.

Quy định này đã thể hiện sự cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân tham gia tư vấn, cố vấn, giúp các em học sinh trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Vì thế, khi học sinh nghiên cứu đã có sự định hướng, giúp đỡ, cố vấn từ các chuyên gia.

Điều đó khiến có một số dự án khi học sinh mang đi thi thường vấp phải các ý kiến cho rằng đó là những đề tài quá lớn, không phù hợp với lứa tuổi học sinh…”.

Ảnh minh họa: M.T.

Ảnh minh họa: M.T.

Vì vậy, Dự thảo Thông tư đã lược bỏ phần mục đích này đi; thay vào đó là quy định bằng mục đích “Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học”.

Ông Đinh Trung Tuấn nhận định, việc thay đổi theo hướng thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp giữa năng lực học sinh với các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảm thiểu những bất cập của cuộc thi. Đặc biệt, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Bên cạnh nội dung về mục đích, qua những chia sẻ với phóng viên, đa phần ý kiến của thầy/cô giáo, lãnh đạo các trường trung học đều cho rằng nội dung về việc giảm tải số lượng lĩnh vực thi là hoàn toàn hợp lí. Do đây đều là những lĩnh quá sức với học sinh khi mới tập dượt nghiên cứu khoa học.

Theo quan điểm của lãnh đạo một trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Dự thảo thông tư đã có nhiều yêu cầu mới, rõ ràng và hợp lý hơn. Trong đó, đặc biệt là việc giảm tải số lĩnh vực dự thi từ 22 xuống còn 08 lĩnh vực (tức là đã giảm tải 14 lĩnh vực như Y Sinh và Khoa học Sức khỏe; Kỹ thuật Y Sinh; Sinh học tế bào và phân tử,...).

“Trên thực tế, 14 lĩnh vực đã được giảm tải này đều là những lĩnh vực “mơ hồ” trong nghiên cứu đối với học sinh trung học, nhất là với học sinh trung học cơ sở, càng quá xa vời.

Để học sinh tự nghiên cứu được những lĩnh vực đó là khó vô cùng. Muốn được giải cao, các em sẽ phải đầu tư thời gian, công sức rất lớn, ngoài việc có giáo viên hướng dẫn, học sinh còn cần cả sự hỗ trợ của các chuyên gia” - vị này cho biết.

Nên có bộ tiêu chí chấm thi cho từng cấp học

Về nội dung này, thầy Trần Minh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung, Bình Phước bày tỏ quan điểm: “Việc giảm tải lĩnh vực theo tôi thấy là hợp lí. Bởi ở Thông tư hiện hành có những lĩnh vực quá cao mà học sinh một trường trung học khó nghiên cứu đạt được. Có những đề tài đòi hỏi phải làm thí nghiệm chuyên sâu, sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn”.

“Trên thực tế, khi đi chấm thi, các giám khảo cũng phần nào nhẹ nhàng hơn với các dự án của học sinh khối trung học cơ sở. Nhưng hiện tại bộ tiêu chí chấm thi vẫn là của chung, nên ít nhiều sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Nếu có được bộ tiêu chí đánh giá riêng cho hai cấp học sẽ là tốt nhất. Yêu cầu đối với cấp trung học cơ sở cũng nên nhẹ hơn so với cấp trung học phổ thông để các em có thể đạt giải.

Đây cũng là ý kiến của Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước góp ý cho Dự thảo Thông tư này” - vị Phó Hiệu trưởng thông tin thêm.

Thầy Trần Minh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung, Bình Phước. Ảnh: CLB Truyền thông CQT.

Thầy Trần Minh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung, Bình Phước. Ảnh: CLB Truyền thông CQT.

Chia sẻ thêm về suy nghĩ của mình, vị lãnh đạo trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An này còn cho biết, băn khoăn lớn nhất đối với Hội thi này là sự khác biệt về đối tượng dự thi.

“Đối với học sinh trung học phổ thông, phần nào các em đã có sự trưởng thành hơn về mặt nhận thức, kỹ năng… Trong khi đó, trung học cơ sở lại là cấp học thấp hơn, việc tiếp cận kiến thức của các em mới chỉ ở mức sơ đẳng. Để làm được các dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, bên cạnh sự sáng tạo, còn cần thêm sự hiểu biết rộng rãi, kiến thức chuyên sâu. Vì vậy, phải chăng khi tổ chức hội thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên suy nghĩ đến việc nên giảm bớt tiêu chí đánh giá cho học sinh trung học cơ sở?”, vị này nêu.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, cô Bùi Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đưng K’Nớ, tỉnh Lâm Đồng có ý kiến: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có Bộ tiêu chí chấm thi phân chia theo cấp học.

Bởi nếu để hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thi cùng một bộ tiêu chí sẽ rất thiệt thòi cho học sinh trung học cơ sở. Khi các em không đủ năng lực thực hiện dự án sẽ cần sự giúp đỡ từ các nguồn lực khác, dẫn đến những hậu quả khôn lường như cuộc “chạy đua” thành tích hay thiếu trung thực trong nghiên cứu...

Thực trạng ấy sẽ làm cho Hội thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dần mất đi bản chất tốt đẹp vốn có của nó”.

Bên cạnh những ý kiến nêu trên, nhằm hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu còn có một số đề xuất. Cụ thể:

“Với mục đích nuôi dưỡng đam mê, giúp học sinh trung học tập dượt nghiên cứu khoa học, cần phải quy định rõ hơn về Tiêu chí đánh giá Dự án dự thi (phần phụ lục của Dự thảo) ở những điểm sau:

Thứ nhất, cần quy định thêm nội dung trong tiêu chí đánh giá về “tính toàn vẹn của vấn đề nghiên cứu”. Khi học sinh thực hiện đề tài một cách trọn vẹn (từ nêu vấn đề/giả thiết, phương pháp nghiên cứu, kết luận,…) thì cần có điểm khi chấm Dự án dự thi.

Thứ hai, cần cụ thể hóa điểm a, Khoản 1, Điều 2 mục tiêu: “Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn” và nội dung quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 2: “Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông” trong Tiêu chí đánh giá dự án dự thi.

Ngoài quy chế Hội thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần tập huấn cho đội ngũ các bộ giáo viên các tỉnh cách hướng dẫn học sinh nghiên cứu, cách thức tổ chức Hội thi, quy trình thi… để Hội thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Tuấn nêu.

Kim Minh Châu