Kiểm tra âm nhạc qua tranh vẽ, cô giáo chiếm trọn trái tim học trò

08/03/2022 10:41
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuổi trẻ đầy ước mơ, hoài bão, có nhiều lời mời, cơ hội để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thế nhưng em rất yêu nghề giáo, em dạy học bằng cả trái tim mình.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang mong mỏi được trải nghiệm cuộc thi “Nguyễn An Ninh Got Talent” năm 2022 do nhà trường tổ chức.

Cuộc thi “Nguyễn An Ninh Got Talent” là một hoạt động được học sinh chờ đón trong thời gian qua, có công đóng góp rất lớn của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa - là giáo viên Âm nhạc của trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ: “Em thích ca hát từ nhỏ, đang là sinh viên em đã tham gia cuộc thi tiếng hát truyền hình do đài truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, đạt giải Nhì.

Trong năm học 2005-2006 đầu tiên của nghề giáo, em tham gia thi Tiếng hát giáo viên do ngành giáo dục tổ chức, may mắn, em đạt Huy chương Vàng cấp quốc gia, với cuộc thi “Tiếng hát Thanh niên toàn quốc” tại Huế đạt giải Nhì toàn đoàn.

Tuổi trẻ đầy ước mơ, hoài bão, có nhiều lời mời, cơ hội để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thế nhưng em rất yêu nghề giáo, em dạy học bằng cả trái tim mình.

Được tiếp xúc hàng ngày với những ánh mắt thơ ngây của học trò, em thấy thanh thản và yêu đời, yêu nghề giáo hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu (Ảnh NVCC)

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu (Ảnh NVCC)

Cô giáo dạy Âm nhạc bằng kiến thức … liên môn

Nói về kinh nghiệm dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ: “Một số môn học kiến thức còn chồng chéo lên nhau. Do đó, để có một tiết học đạt kết quả cao và để tạo hứng thú cho học sinh trong tiết học Âm nhạc, giáo viên phải tạo cho các em niềm say mê, hứng thú trong học tập, nắm vững được nội dung bài học, phải dùng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau.

Giáo viên chỉ nên đưa ra các yêu cầu tương đối – không đòi hỏi cao, chỉ thực hiện các nội dung bài học và các động tác vận động minh họa không quá khó để học sinh có thể thực hiện tốt.

Trong quá trình học tập học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng, vui vẻ. Có như vậy nội dung học tập sẽ bớt đơn điệu và gây hứng thú học tập cho học sinh. Đồng thời phải tạo sự hưng phấn trong tiết học và đảm bảo tốt chất lượng môn học.

Việc vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết một vấn đề không phải là câu chuyện hoàn toàn mới, nó đã được nhắc đến được thực hiện từ rất lâu.

Những giáo viên có kinh nghiệm vẫn đang làm, học sinh khá – giỏi các em cũng đang làm. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để đại bộ phận giáo viên và tất cả học sinh cùng hưởng ứng, cùng làm.

Trong Âm nhạc có Văn, trong Văn có Sử, trong Sử có Địa, trong Địa có văn hóa - có âm nhạc - có hội họa - có tư tưởng - có giá trị thẩm mỹ...

Làm thế nào để một tiết dạy lung linh tỏa sáng, thấm ngấm vào tâm hồn mỗi học sinh, để các em không chỉ hiểu mà còn biết sống đẹp là vấn đề đặt ra với em nói riêng và giáo viên dạy Âm nhạc nói chung.

Do đó tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy các tiết học âm nhạc không còn là vấn đề đơn thuần nữa mà nó trở thành nhiệm vụ của mỗi giáo viên, đang và sẽ là giáo viên dạy Âm nhạc trong mỗi nhà trường.

Từ đó em áp dụng đổi mới phương pháp theo chủ đề gồm các hoạt động trong giờ âm nhạc sẽ tạo hứng thú cho học sinh khi học âm nhạc, lôi cuốn các em tham gia học tập tích cực và hăng hái.

Có như thế giờ học âm nhạc mới đạt kết quả cao và công tác giáo dục âm nhạc sẽ thực hiện được chức năng và nhiệm vụ của mình đó là học sinh được trải nghiệm và phát triển các năng lực thẩm mĩ đặc thù ở môn học”.

Cô giáo dạy cảm thụ âm nhạc bằng hình ảnh sáng tạo

Để tạo hứng thú với các hoạt động sáng tạo hình ảnh lồng ghép trong tiết Âm nhạc, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa tiến hành dưới các hình thức:

Nghe nhạc và cảm nhận hình ảnh trong tác phẩm, yêu cầu học sinh tái hiện lại nội dung bằng các nét vẽ sáng tạo của bản thân.

Nghe đoạn nhạc vẽ một hình ảnh liên quan đến nội dung đoạn nhạc. Nghe bài hát vẽ một bức tranh liên quan đến nội dung bài hát.

Từ hoạt động này học sinh có thể ghi nhớ sâu hơn về nội dung bài hát vừa học thông qua việc vẽ lại những hình ảnh mang nội dung của bài hát.

Hình ảnh học sinh vẽ lại sau khi nghe một bài hát (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh học sinh vẽ lại sau khi nghe một bài hát (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ: “Môn Âm nhạc và Mỹ thuật, không phải mục đích đào tạo các em trở thành ca sỹ, nhạc sỹ hay họa sỹ mà chủ yếu thông qua các môn học này giúp các em lĩnh hội những kiến thức ban đầu về Âm nhạc và Mỹ thuật.

Đặc biệt là trang bị cho các em một thế giới tinh thần phong phú, góp phần phát triển sự sáng tạo, hình thành nhân cách, bồi dưỡng tình cảm đạo đức, trí tuệ, giúp các em phát triển hài hòa, toàn diện hơn, đồng thời mang lại sự hứng thú, niềm phấn khởi trong học tập, giúp các em hòa mình vào tập thể, càng thêm yêu trường, lớp, thầy cô, bạn bè.

Chính vì thế, việc sử dụng lồng ghép kỹ năng vẽ quá trình dạy hát có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn. Có tác dụng lớn trong việc phát huy khả năng sáng tạo và gây sự hứng thú cho các em học sinh.

Theo đó, giáo viên có vai trò lớn và quyết định trong việc định hướng, bồi dưỡng và nâng cao khả năng sáng tạo tư duy hình ảnh, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh thông qua tiết dạy”.

Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh, vui vẻ nói về đồng nghiệp của mình: “Cứ gặp cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa, giáo viên hay học sinh đều nhận được sự vui vẻ, nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng tích cực.

Chính nhờ tiếng hát, lời ca của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa nói riêng, tổ Âm nhạc nói chung, tạo nên không khí nhà trường vui vẻ, hạnh phúc.

Học sinh yêu cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, yêu ca hát, mong chờ đến cuộc thi “Nguyễn An Ninh Got Talent” hàng năm, chính nhờ những hoạt động ngoại khóa âm nhạc như thế này, áp lực học tập của học sinh giảm rõ rệt, học sinh có thêm sân chơi bổ ích, phát huy được năng lực phẩm chất của mình”.

Ngoài 03 lần đạt Huy chương Vàng cuộc thi Tiếng hát giáo viên toàn quốc lần II, III, IV, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, thi an toàn giao thông cấp thành phố đạt giải Nhất, được Công đoàn Giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng Bằng khen.

Nhiều năm liền Nguyễn Thị Thanh Hoa đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

“Âm nhạc là một món quà kỳ diệu của cuộc sống vì sau sự im lặng, thứ thể hiện được nhất điều không thể diễn tả chính là âm nhạc”, chúc cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa giữ mãi niềm say mê nghề nghiệp, truyền thật nhiều cảm hứng cho học trò và đồng nghiệp.

Sơn Quang Huyến