Không tăng học phí: Khối trường Y Dược chật vật với bài toán thu chi

14/01/2023 06:42
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo nhiều trường đại học y dược cho rằng, kinh phí chủ yếu của các trường trông chờ vào học phí, không tăng học phí sẽ khó khăn về bài toán thu chi.

Theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì mức trần học phí với khối ngành y dược, đào tạo sức khỏe tại các đại học công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên là 24,5 triệu đồng một năm. Những trường đã tự chủ có thể thu cao hơn mức này 2-2,5 lần.

Vì vậy, giữa năm ngoái, nhiều trường y công bố tăng tới 70% học phí, so với mức phổ biến trước đó là 14,3 triệu đồng một năm.

Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 – 2023, yêu cầu các cơ sở giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022.

Trong bối cảnh tự chủ hiện nay, nguồn thu của trường đại học chủ yếu từ học phí, đặc biệt là với các trường y dược, chi phí đào tạo cao hơn so với những ngành đào tạo khác, nhiều trường cho rằng học phí không tăng đã gây khó khăn trong việc cân đối thu chi và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết, so với các khối ngành đào tạo khác, khối ngành sức khoẻ có thời gian đào tạo dài hơn, các chương trình đào tạo khối ngành sức khoẻ, bên cạnh dạy/học lý thuyết thì khối lượng dạy/học thực hành tại các phòng thực hành, thí nghiệm, thực tập tại cộng đồng và lâm sàng bệnh viện cũng rất lớn, cần được cung cấp và sử dụng rất nhiều vật tư, dụng cụ, hoá chất, sinh phẩm.

Ngoài nguồn kinh phí có hạn được cấp từ ngân sách Nhà nước hằng năm, kinh phí chủ yếu của các trường sẽ trông chờ vào học phí thu từ người học.

Nghị quyết 165 của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn với sinh viên, người học. Tuy nhiên, việc giữ nguyên mức thu học phí trong khi giá các mặt hàng phục vụ đào tạo tăng, nguồn ngân sách Nhà nước cấp có hạn thực sự đã đặt ra một bài toán khó khăn về thu-chi cho nhiều trường, đặc biệt với các trường chưa thực hiện việc tự chủ chi thường xuyên trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, việc chi trả lương cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, người lao động gián tiếp, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, phục vụ hoạt động của người học cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 2023, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên dự kiến tổng thu học phí (theo mức cũ) là 134,7 tỷ đồng. Dự kiến tổng chi là 132 tỷ đồng (gồm chi lương, tiền công; chi hoạt động chuyên môn; chi quản lý, chi bảo trì, bảo dưỡng tài sản thường xuyên, chi mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên từ nguồn kinh phí giao tự chủ).

Nhà trường không có kinh phí chi đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất trong khi hệ thống giảng đường tại trường và các bệnh viện thực hành của nhà trường, nhà làm việc của các đơn vị thuộc trường đang xuống cấp trầm trọng sau một thời gian dài không được sửa chữa, xây mới vì không được cấp kinh phí đầu tư.

Với dự kiến mức thu-chi như vậy thì giai đoạn 2023-2025, nhà trường đang đề nghị Đại học Thái Nguyên phê duyệt cho phép được tự chủ mức độ II (tự đảm bảo chi thường xuyên).

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Khuê – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, nhà trường đã có điều chỉnh học phí theo đúng tinh thần của Nghị quyết 165 của Chính phủ, học phí của trường đã được giảm về mức như ba năm trước, tức 14,3 triệu đồng mỗi năm.

Sinh viên của trường đã đóng học phí kỳ I nên phần chênh lệch sẽ được nhà trường khấu trừ vào học phí học kỳ II.

Theo Giáo sư Phạm Minh Khuê, khi học phí không tăng, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi, vì ngành y dược là ngành học đặc thù, chi phí đào tạo cao, nhà trường phải tìm cách duy trì tiền lương cho cán bộ giảng viên, nhân viên và triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo tính toán của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, đến tháng 7/2023, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và số tiền thực tế của trường là 24 tỷ đồng.

Có thể thấy, các trường y dược đang đứng trước áp lực rất lớn trước bài toán cân đối thu chi trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp và yêu cầu không tăng học phí.

Phạm Minh