Thời điểm này, học sinh phổ thông cả nước đang tiến hành thực học ở tuần 16 nên có một số trường học đã tổ chức kiểm tra học kỳ hoặc tuần 17 tới sẽ tiến hành cho học sinh kiểm tra. Điều đáng bàn là trên một số phương tiện thông tin đại chúng, trên một số trang mạng xã hội, thậm chí không ít kế hoạch của nhà trường vẫn gọi hoặc viết là “thi học kỳ”.
Không chỉ là những người ngoài ngành mà ngay cả một bộ phận giáo viên vẫn quen miệng gọi là thi học kỳ. Vì thế, dẫn đến học sinh cũng quen với cụm từ “thi học kỳ” hơn là “kiểm tra học kỳ”. Vậy, nên gọi cách nào cho đúng và khi nào gọi thi sẽ đúng, khi nào gọi kiểm tra học kỳ sẽ đúng.
Khi nào gọi là “thi” mới đúng
Hiện nay, ngành giáo dục có nhiều kỳ thi, cuộc thi khác nhau được bộ, sở, phòng giáo dục, nhà trường đứng ra tổ chức cho học sinh. Chẳng hạn, thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thi học sinh giỏi Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường; thi tìm hiểu về danh nhân, địa phương, lịch sử; thi viết thư UPU; thi văn nghệ…
Thông thường, khi có chữ “thi” sẽ đồng nghĩa với việc sẽ có giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích,…và trước khi thi, Ban tổ chức sẽ có kế hoạch thông báo đến các nhà trường, đối tượng dự thi về tỉ lệ xét giải rất cụ thể. Số, lượng, tỉ lệ giải đã được Ban tổ chức ấn định từ khi chưa thi.
Vì thế, phần lớn các kỳ thi, cuộc thi sẽ có tỉ lệ đậu, rớt và thường là tỉ lệ rớt cao hơn tỉ lệ đậu (đạt) giải, như thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; thi viết thư UPU; thi văn nghệ...
Riêng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với các địa phương tổ chức có khác với các kỳ thi khác. Kỳ thi này không có giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích,..và không trao giải, không ấn định số lượng học sinh đậu, rớt. Thí sinh nào đủ điều kiện sẽ được công nhận đậu tốt nghiệp và thí sinh sẽ lấy kết quả đó xét tuyển đại học.
Nhưng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông khác với kiểm tra học kỳ là quy mô tổ chức lớn và điều đặc biệt là nội dung kiến thi trong đề thi thường là kiến thức của nhiều năm học, thậm chí là kiến thức cả khóa học vì tiêu chí là đánh giá cả một quá trình học tập của học sinh trung học phổ thông.
Gọi là kiểm tra học kỳ mới đúng bản chất vấn đề
Khi học chương trình 2006, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, sau đó ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã hướng dẫn rất kĩ việc này. Học sinh chỉ có 2 loại bài kiểm tra là kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ.
Hiện nay, khi ngành giáo dục triển khai, thực hiện chương trình 2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông cũng chỉ có 2 hình thức là kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ.
Kiểm tra thường xuyên, bao gồm: được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập và được kiểm tra nhiều lần, giáo viên sẽ lấy điểm cao nhất để lấy điểm cho học sinh theo quy định số lần của từng môn theo số tiết quy định.
Bài kiểm tra thường xuyên thường nhẹ nhàng, ngắn thời gian và do giáo viên bộ môn tự thực hiện.
Bài kiểm tra, đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Kiểm tra định kỳ của mỗi học kỳ đối với từng môn học sẽ bao gồm bài kiểm tra giữa kỳ và bài kiểm tra cuối kỳ. Bài kiểm tra định kỳ thường kiểm tra tập trung và do nhà trường đứng ra tổ chức.
Điểm khác giữa kiểm tra học kỳ với thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay thi tuyển sinh 10 ở chỗ kiểm tra học kỳ chỉ đánh giá theo từng giai đoạn học tập.
Chẳng hạn, bài kiểm tra giữa kỳ I thì kiến thức trong đề kiểm tra chỉ được ra trong phạm vi học sinh đã học mấy tuần trước đó. Kiểm tra cuối học kỳ I chỉ được ra kiến thức trong phạm vi học kỳ I của lớp đó. Sang kỳ II, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ II cũng chỉ ra trong phạm vi đã học của học kỳ II. Nếu ra kiến thức của học kỳ I đề sẽ sai.
Hơn nữa, việc kiểm tra học kỳ không bị khống chế tỉ lệ đậu cao, đậu thấp mà các em đạt điểm thế nào sẽ tương ứng với việc xếp loại học tập của từng học kỳ, năm học. Khác hoàn toàn với các kỳ thi, cuộc thi khác.
Chính vì thế, bài kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra cuối kỳ không thể gọi là thi giữa kỳ, thi cuối học kỳ như một số người hoặc một số tờ báo đề cập. Bởi, bản chất của việc kiểm tra và thi hoàn toàn khác nhau.
Chỉ tiếc, một số người chưa nắm rõ bản chất hoặc thói quen nên vẫn gọi là thi học kỳ như chúng ta vẫn thấy trên báo chí, trong một số kế hoạch nhà trường, hoặc nghe được từ đồng nghiệp, học trò trong trường nói với nhau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.