Khách nước ngoài bật khóc khi xem màn xiếc thú "dã man" ở Tuần Châu

29/07/2012 06:52
Độc giả Alice Chen
(GDVN) - "... Nếu con khỉ nào mà không nghe lời thì sẽ bị huấn luyện viên xiết chặt dây quấn vào cổ và tôi thấy cơ thể của những con khỉ đáng thương đó giật giật lên mấy cái. Điều đó đã làm tôi bật khóc và có cảm giác như chính mình bị xiết chặt cổ vậy....", độc giả Alice Chen chia sẻ.
Trong một lần đến Tuần Châu (Quảng Ninh), sau khi tham quan những thắng cảnh trên đảo, đoàn khách nước ngoài đã tỏ ra rất thích thú với vẻ đẹp và không gian trong lành nơi đây. Nhưng khi được mục kích buổi biểu thú, tiết mục nằm trong lịch trình chuyến tham quan, dường như ấn tượng về một Tuần Châu xinh đẹp đã phai nhạt trong cảm nhận của đoàn du khách này. Để hiểu rõ hơn, báo điện tử GDVN xin trích dẫn nguyên văn bức thư của độc giả Alice Chen từ địa chỉ email happyyogi54@...

Kính gửi ban lãnh đạo Tuần Châu và cơ quan báo chí!
Thứ 3 ngày 24/7 qua, tôi cùng 16 khách nước ngoài tới tham quan đảo Tuần Châu. Ngoài những phong cảnh đẹp còn có buổi biểu diễn thú dưới nước như hải cẩu và cá heo. 

Một con voi đang diễn xiếc (Ảnh minh họa: internet)
Một con voi đang diễn xiếc (Ảnh minh họa: internet)


Chúng phối hợp và cộng tác với các huấn luyện viên một cách hài hòa, khiến người xem cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái. Tôi thấy khâm phục cả huấn luyện viên và những con thú. Sau khi kết thúc tôi đã cảm thấy vui vẻ và mong muốn được xem lại lần nữa.
Tiếp đó, chúng tôi xem buổi biểu diễn xiếc của khỉ và cá sấu. Đó không phải là buổi biểu diễn mà là buổi tra tấn khách xem thì đúng hơn.
Những con khỉ bị bắt buộc biểu diễn một cách gượng ép và huấn luyện viên mặt mày thì cau có, dữ tợn. Chúng tôi thấy rõ nét sợ hãi hiện trên khuôn mặt từng con khỉ. Chúng tôi thấy chúng vừa biểu diễn vừa nhìn người huấn luyện viên một cách sợ sệt. Điều này khiến chúng tôi lo lắng rằng sau khi vào bên trong chúng sẽ bị hành hạ. Tôi còn thấy nếu con khỉ nào mà không nghe lời thì sẽ bị huấn luyện viên xiết chặt dây quấn vào cổ và tôi thấy cơ thể của những con khỉ đáng thương đó giật giật lên mấy cái. Điều đó đã làm tôi bật khóc và có cảm giác như chính mình bị xiết chặt cổ vậy.
Có một con khỉ nhỏ không hề hợp tác với người huấn luyện viên một chút nào. Điều này thể hiện người huấn luyện viên không có khả năng huấn luyện và nhất là không quan tâm chăm sóc tới nó.
Chúng tôi thiết nghĩ, nếu huấn luyện viên biết quan tâm chăm sóc cho những con khỉ ấy như người bạn thì chúng tôi tin rằng chúng sẽ hợp tác và biểu diễn tuyệt vời như những con cá heo và hải cẩu. 
Sau khi biểu diễn xong, một người khác xách dây buộc cổ những con khỉ một cách vô tình mà không biết đến nỗi đau của chúng. Vì dây quá ngắn nên con nào con nấy phải giữ chặt dây kéo để cổ khỏi bị nghẹn. Thử hỏi nếu là chúng, liệu chúng ta có thể chịu nổi điều đó không?
Tiếp theo là tiết mục biểu diễn cá sấu. Không có con cá sấu nào muốn biểu diễn cả. Huấn luyện viên phải chọc chọc vào người  chúng, chúng phải chạy trốn.  Nếu chẳng may vớ được chú nào thì chú đó phải biểu diễn. Họ lôi xềnh xệch con cá sấu vào giữa sân và bắt đầu dùng gậy để đánh lên khuôn mặt con vật vô tội. Theo chúng tôi thì đó là một hình thức thôi miên.
Chúng tôi không thấy cá sấu biểu diễn ở đâu mà chỉ thấy mấy huấn luyện viên làm mấy động tác gõ lên mặt cá sấu là nhiều, rồi cạo vào họng nó nữa. Thật là tội nghiệp.
Chúng tôi bỏ tiền ra mua vé để được xem sự biểu diễn tình nguyện chứ không phải sự ép buộc gượng gạo như vậy. Đó không phải là biểu diễn mà là sự lừa bịp,  không tôn trọng khán giả. Đó không chỉ là tra tấn động vật mà còn là tra tấn người xem chứ không phải là biểu diễn.

Không phân biệt to nhỏ, những con khỉ này đều bị ép buộc mua vui cho con người (Ảnh minh họa: Internet)
Không phân biệt to nhỏ, những con khỉ này đều bị ép buộc mua vui cho con người (Ảnh minh họa: Internet)

Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, chúng tôi bước ra khỏi cổng mà không ai nói với ai điều gì. Ngồi trên xe mà mọi người im lặng và trầm ngâm, suy nghĩ mãi về buổi biểu diễn thiếu văn hóa và thiếu sự văn minh này.
Nếu chúng ta vẫn cứ tồn tại kiểu biểu diễn đó, liệu khách nước ngoài còn đến để xem không? Nếu có, họ cũng sẽ ghi băng lại và đưa lên Facebook hay Youtube và nói là: “Hãy đến Việt Nam để xem người ta hành hạ động vật trước mặt mọi người”.
Tôi và cả đoàn khách đó rất mong ban lãnh đạo cho ngừng lại những buổi biểu diễn như trên và kiểm điểm lại, nên làm thế nào để người đến xem có cảm giác đang theo dõi một buổi biểu diễn xiếc thú thật sự và nhất là không còn cảm giác nặng nề khi xem xong.
Tôi cũng mong nhận được sự cải thiện về điều này của ban lãnh đạo và mong cơ quan báo chí đăng tải những lời tâm sự chân thành này của tôi và 16 người khách nước ngoài kia, để sau này khi khách nước ngoài đến đó thăm quan sẽ không bị lặp lại cảm giác như chúng tôi đã trải qua.
Xin chân thành cám ơn ban lãnh đạo đảo Tuần Châu và cơ quan báo chí đã đăng tải bài viết này.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY. Tòa soạn sẽ đăng tải ý kiến và phản hồi ngay với độc giả.

Có thể bạn quan tâm
> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn

> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông
Độc giả Alice Chen