Kế toán trường sư phạm tham gia hội đồng xét bồi hoàn SV diện NĐ 116 có khả thi?

17/01/2024 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo TS Lê Đông Phương, Hội đồng xem xét bồi hoàn kinh phí với sinh viên diện hưởng NĐ 116 không nhất thiết phải có chủ tịch huyện, kế toán trường.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tiến sỹ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sỹ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trong văn bản có một số nội dung đáng chú ý như Hội đồng xét bồi hoàn gồm Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng cơ sở đào tạo giáo viên (với trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học); Hoặc Hiệu trưởng cơ sở giáo dục và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (với trường hợp đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác tối thiểu (8 năm);

Hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (trường hợp đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp).

Trong Hội đồng xét bồi hoàn trên, cũng có nêu, Ủy viên là Trưởng bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan chi trả các khoản chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng làm ủy viên.

Về nội dung trên, có ý kiến cho rằng, danh sách thành phần nêu trên có phần "cồng kềnh", có thể cắt giảm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương đã có những chia sẻ xoay quay nội dung trên.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, Hội đồng xét bồi hoàn không cần có đại diện của đơn vị đào tạo sinh viên, chỉ cần đơn vị đào tạo có xác nhận bằng văn bản về việc theo học của sinh viên tại nhà trường.

"Nhà trường chỉ cần có văn bản xác nhận sinh viên đã hoàn thành hay không hoàn thành/kết quả/thời điểm đổi ngành đào tạo, cũng như xác nhận khoản kinh phí đào tạo và hỗ trợ sinh hoạt phí sinh viên đã nhận từ nhà trường...", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng cho rằng, đại diện các cấp chính quyền cũng không cần thiết, vì họ không trực tiếp quản lý sinh viên tốt nghiệp, thay vào đó chỉ cần có xác nhận về thời gian phục vụ (chưa đủ theo yêu cầu) của trường học.

Theo đó, thành phần quan trọng hơn là đại diện Sở tài chính vì đó là đơn vị chuyên môn giúp việc cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh theo dõi việc chi và sử dụng kinh phí.

"Chỉ cần Sở Tài chính đưa ra các minh chứng về chi trả cho Trường và Trường đã chi trả cho sinh viên là đủ", Tiến sĩ Phương nói.

Chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, thành phần ủy viên trong Hội đồng xét bồi hoàn là Trưởng bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan chi trả các khoản chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng là bất khả thi vì các trường sư phạm/đại học có đào tạo giáo viên không thể cử người về tỉnh để họp được.

Về việc nhà trường phải theo dõi việc làm của sinh viên trong 8 năm (kể từ khi sinh viên tốt nghiệp), liệu có khó với Hội đồng xét bồi hoàn?

Trả lời câu hỏi trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết, việc giám sát/xác minh việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp trong 8 năm, không phải là quá khó trong điều kiện hiện nay nếu khi có ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều này có lẽ chỉ hiện thực nếu sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các trường công lập hoặc các cơ quan nghiên cứu/quản lý về giáo dục của nhà nước.

Nếu sinh viên làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (theo Nghị định 116, sinh viên vẫn đáp ứng quy định công tác giáo dục) sẽ khó tra cứu được thông tin.

Trách nhiệm với sinh viên sư phạm làm tại trường tư thục sẽ được quy định cho đơn vị quản lý trực tiếp người lao động.

"Đơn vị quản lý trực tiếp người lao động (sinh viên tốt nghiệp sư phạm) sẽ phải chịu trách nhiệm về công việc của sinh viên tốt nghiệp, các yêu cầu khác như đối với khu vực công lập", Tiến sĩ Phương chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng băn khoăn về việc, ngoài đối tượng "đặt hàng - giao nhiệm vụ - đào tạo theo nhu cầu xã hội" của địa phương, còn có đối tượng được hỗ trợ qua ngân sách Trung ương (do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu), vậy cơ quan nào sẽ giám sát và ra quyết định thu hồi ngân sách với sinh viên sư phạm diện nhận hỗ trợ này sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh ủy quyền để đặt hàng đào tạo giáo viên với Trường Đại học Đồng Tháp.

Vì vậy, kể từ năm 2024, sinh viên có hộ khẩu thường trú trong tỉnh được đăng ký nhận hỗ trợ Nghị định 116. Trước đó, địa phương cũng còn nhiều băn khoăn nên chưa triển khai nội dung trên.

Trước quan điểm cho rằng không cần có Kế toán, Hiệu trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân cấp huyện trong Hội đồng xét bồi hoàn, ông Hòa hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

"Theo tôi, Hội đồng xét bồi hoàn chỉ cần có Sở Giáo dục, Sở Tài chính và sự chủ trì của Ủy ban Nhân dân tỉnh", ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng cho rằng, với sinh viên sư phạm không trúng tuyển viên chức giáo viên trong hai năm sau khi tốt nghiệp, chúng ta cũng nên có cơ chế "gỡ khó" cho các em, bởi khi này các em phải đền bù số tiền chi phí sinh hoạt, học phí trong bốn năm là không hề nhỏ.

Mạnh Đoàn