HUTECH: Hơn 90% nguồn thu đến từ học phí, liên tục mở ngành đào tạo

11/01/2024 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 cho thấy, tổng nguồn thu của trường là 1.145 tỷ đồng.

Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 26/4/1995 theo quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 2128/QĐ-GDĐT.

Theo phần giới thiệu trên website, tầm nhìn của HUTECH là trường đào tạo đa ngành các bậc học từ trình độ đại học đến tiến sĩ với các chương trình đào tạo và hệ thống quản lý tiên tiến, lấy người học làm trung tâm, nhằm đạt mục tiêu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và được quốc tế công nhận.

Hiện tại, Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng là Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc là Hiệu trưởng.

Năm 2023, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 59 ngành đào tạo (tổng số mã ngành qua các năm của trường nhiều hơn, song, đã có một số ngành ngừng tuyển sinh), tức là, trong 5 năm trường tăng số ngành tuyển sinh từ 42 mã ngành lên thành 59 mã ngành đào tạo, tương đương tăng 17 mã ngành.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Nguồn thu từ học phí chiếm trên 90%

Từ báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020 của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) cho thấy trường có 1.538 giảng viên cơ hữu, trong đó có 14 giáo sư, 33 phó giáo sư, 203 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 1.014 thạc sĩ và 274 giảng viên có trình độ đại học.

Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thống kê, trường có 2.117 giảng viên cơ hữu, trong đó có 19 giáo sư, 84 phó giáo sư, có 454 giảng viên trình độ tiến sĩ, 1.406 thạc sĩ và 154 giảng viên trình độ đại học.

Cơ cấu giảng viên qua các năm học chi tiết như sau:

Nhìn vào bảng số liệu này, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tăng dần qua từng năm và tăng thêm 579 người (tương đương tăng hơn 37,6%).

Trong đó, tăng 5 giáo sư (tăng 37,1%); thêm 51 phó giáo sư (tương đương tăng 154,5%); tăng 251 tiến sĩ (tương đương hơn 123,6%).

Biểu đồ: Ngân Chi.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng giảng viên cơ hữu của trường là 1.924 giảng viên, trong đó gồm 17 giáo sư, 57 phó giáo sư, 288 tiến sĩ khoa học - tiến sĩ, 1.409 thạc sĩ, 153 giảng viên trình độ đại học.

Số lượng giảng viên năm học 2022-2023 được thống kê theo lượt giảng viên tham gia giảng dạy từng ngành. Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non “Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo”.

Sự tăng trưởng số lượng giảng viên này là để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường. Việc mở rộng các ngành, chuyên ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tăng số lượng tuyển sinh đòi hỏi HUTECH phải có một đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Đối với nhà trường, con người chính là một yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo, mang đến sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, nhà trường liên tục có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài về trường công tác.

Nhà trường luôn khuyến khích, ủng hộ tài chính, tạo điều kiện sắp xếp công tác tại trường để cho các cán bộ - giảng viên trẻ của trường học tập nâng cao trình độ, chẳng hạn đối với các cán bộ - giảng viên trẻ khi học các bậc học cao hơn tại trường sẽ được ưu đãi học phí lên đến 50%.

Ngoài ra, sau khi hoàn thành chương trình học và đạt được kết quả tốt, nhà trường cũng có những chính sách thưởng, tăng lương tương xứng, phù hợp với trình độ. Chính những chính sách thiết thực trên đã khiến cho các cán bộ - giảng viên trẻ của trường có thể yên tâm giảng dạy, nghiên cứu cũng như thu hút được đội ngũ nhân sự chất lượng”.

Về tài chính, theo báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2018 của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh là 915 tỷ đồng.

Con số này tăng dần qua các năm. Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 cho thấy, tổng nguồn thu của trường là 1.145 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng so với năm học 2019-2020 (tương đương tăng hơn 25%).

Chi tiết tổng nguồn thu hợp pháp của HUTECH qua báo cáo công khai tài chính.

Chi tiết tổng nguồn thu hợp pháp của HUTECH qua báo cáo công khai tài chính.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Biểu đồ: Ngân Chi.

Đại diện Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm: "Tổng thu năm học 2018-2019 là 783 tỷ đồng; tổng thu năm học 2019-2020 là 915 tỷ đồng; tổng thu năm học 2020-2021 là 989 tỷ đồng; tổng thu năm học 2021-2022 là 1.044 tỷ đồng; tổng thu năm học 2022-2023 là 1.145 tỷ đồng.

Tổng thu này đến từ các nguồn chính gồm học phí, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên vào Quỹ phát triển HUTECH.

Trong đó, nguồn thu từ học phí chiếm trên 90%, các nguồn thu từ khoa học công nghệ chiếm phần còn lại".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ thêm: “Học phí là nguồn thu chủ yếu. HUTECH là trường đại học đa ngành có quy mô đào tạo lớn (khoảng 60 ngành đào tạo, từ cử nhân/kỹ sư/dược sĩ/kiến trúc sư đến thạc sĩ, tiến sĩ).

Trong 05 năm qua, trường không ngừng mở rộng ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo song song với đảm bảo chất lượng đào tạo, trở thành một địa chỉ học tập được đông đảo sinh viên, học viên lựa chọn. Quy mô này mang lại nguồn thu học phí ổn định cho nhà trường”.

Trao đổi thêm về nguồn thu tài chính, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ: “Nguồn thu chính của nhà trường là từ học phí. Tuy nhiên tổng thu cao không đến từ việc thu học phí cao. Xác định quyền lợi và trách nhiệm khi tự chủ đại học, nhà trường chủ động xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với các nguồn thu chi liên quan để đạt hiệu quả tối đa.

Để có nguồn thu cao cần có sự đầu tư tương xứng. Chỉ số quan trọng nhất quyết định đến nguồn thu chính là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường. Trường xác định chiến lược đầu tư toàn diện cho “sản phẩm đào tạo” - tức sinh viên. Sinh viên chọn và học tập, tốt nghiệp tại trường và là những đại sứ mang chất lượng của nhà trường bước ra với xã hội; sinh viên chất lượng là trường đào tạo hiệu quả.

Để có được hiệu quả này, trường xác định không ngại đầu tư thu hút nhân tài cho đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu cũng như đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Người học ngày nay là những “người thụ hưởng” thông minh, có rất nhiều lựa chọn học tập và rất nhạy bén với thông tin. Con đường phát triển bền vững nhất của một trường đại học - bao gồm phát triển về nguồn thu - phải là con đường đầu tư cho chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sinh viên theo học.

Trong những năm tiếp theo, nhà trường sẽ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế, triển khai các dự án thương mại hóa vào thực tiễn sản xuất nhằm tăng nguồn thu về mảng khoa học công nghệ cho trường”.

Mức học phí đại học chính quy năm học 2023-2024 từ 40-50 triệu đồng/năm học

Theo báo cáo công khai tài chính từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, học phí hệ đại học chính quy tăng từ 30-36 triệu đồng lên 33-40 triệu đồng sau 4 năm.

Chi tiết học phí theo báo cáo công khai tài chính các năm qua:

Về nội dung này, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Trường công bố học phí công khai trước năm học và giữ ổn định trong suốt năm học, đảm bảo cung cấp chất lượng đào tạo tương xứng cho sinh viên, đồng thời chủ trương đáp ứng được nhu cầu học đại học của đại đa số sinh viên.

Mức học phí này nếu có dao động điều chỉnh vào năm sau nhưng sẽ không vượt quá 7%/năm.

Đối với chương trình đại học chính quy, mức học phí các ngành của trường trong năm học 2023-2024 dao động khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ (mỗi năm có 03 học kỳ), tính ra mức học phí trung bình sẽ khoảng 40-50 triệu đồng/năm học.

Riêng ngành Dược có học phí khoảng 18-20 triệu đồng/học kỳ, còn một số ngành được tài trợ Học bổng Doanh nghiệp có học phí bình quân khoảng 11-12 triệu đồng/học kỳ”.

Quy định “siết” chất lượng khiến nhu cầu học thạc sĩ, tiến sĩ sụt giảm

Theo khảo sát, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo sau đại học của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh giảm rõ rệt.

Cụ thể, đối với đào tạo tiến sĩ, giảm từ 59 xuống 7 người (giảm hơn 88,1%); đào tạo thạc sĩ giảm từ 827 xuống 676 học viên (giảm gần 18,3%).

Về sự sụt giảm quy mô đào tạo sau đại học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung lý giải: “Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo sau đại học của nhà trường có xu hướng giảm, cụ thể tiến sĩ giảm 88,1%, thạc sĩ giảm 18,3%.

Điều này xuất phát từ nguyên nhân do một số quy định của việc xét tuyển đầu vào nghiên cứu sinh có thay đổi theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến số lượng ứng viên nghiên cứu sinh trong những năm gần đây cũng thay đổi đáp ứng theo các quy định của Bộ.

Tương tự như nghiên cứu sinh, quy định về tuyển sinh và chuẩn đầu ra tiếng Anh của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ cũng yêu cầu cao hơn. Do đó, dẫn đến việc giảm số lượng học viên và quy mô đào tạo đối với trình độ này”.

Ngân Chi