Hướng dẫn của Bộ GD về chuyển tổ hợp môn khó khả thi, 4 vướng mắc nảy sinh

12/01/2023 06:38
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyện vọng chuyển môn học của học sinh là chính đáng nhưng khi kiểm tra không đạt năng lực của môn mới cần chuyển đổi thì sẽ giải quyết như thế nào?

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới cho khối lớp 10. Theo đó, bên cạnh các môn bắt buộc thì các trường phải xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn để học sinh lựa chọn theo sở thích, năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp của các em.

Các em học lớp 10 ngoài các môn bắt buộc còn phải lựa chọn 1 tổ hợp chọn môn, chọn 04 môn trong 09 môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Học sinh mong sớm có hướng dẫn cụ thể việc chuyển môn học tự chọn - ảnh minh họa Phạm Linh

Học sinh mong sớm có hướng dẫn cụ thể việc chuyển môn học tự chọn - ảnh minh họa Phạm Linh

Qua 1 học kỳ triển khai đã có nhiều học sinh bối rối vì chọn nhầm môn, chọn nhầm tổ hợp chọn môn, cả học sinh, phụ huynh và nhà trường đều bối rối với các trường hợp xin chuyển tổ hợp chọn môn vì chưa có hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ cho phép học sinh chuyển tổ hợp chọn môn cuối mỗi năm học

Sau một thời gian chờ đợi, ngày 06/01, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.

Theo nội dung công văn, Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Theo nội dung Công văn này, có thể hiểu đơn giản là học sinh muốn chuyển tổ hợp môn phải làm đơn có xác nhận đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ và phải cam kết tự bổ sung kiến thức hay nói đúng hơn là phải tự học để đủ năng lực học tiếp ở môn học mới.

Nhà trường có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ và đánh giá học sinh có đủ năng lực học môn mới hay không.

Chuyển tổ hợp môn theo Công văn 68 của Bộ rất khó khả thi

Người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất cầu thị trong việc ban hành Công văn mới về việc chuyển tổ hợp môn, cũng cho phép trường hợp đặc biệt được chuyển tổ hợp môn.

Nhưng người viết cho rằng, với hướng dẫn này, các trường chưa thể thực hiện việc đổi tổ hợp môn cho học sinh vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, trường hợp đặc biệt là trường hợp nào?

Trong công văn của Bộ nêu việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Người viết không hiểu trường hợp đặc biệt là trường hợp nào được đổi tổ hợp chọn môn, nếu hướng dẫn thế này các địa phương, các trường không thể quy định trường hợp cụ thể cho học sinh được đổi tổ hợp chọn môn vào cuối năm học.

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành cụ thể các trường hợp cụ thể được chuyển tổ hợp chọn môn.

Thứ hai, học sinh tự học như thế nào để tự đảm bảo kiến thức, năng lực của các môn chưa học.

Theo công văn của Bộ hướng dẫn học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó.

Ví dụ học sinh lớp 10 năm nay, chọn tổ hợp mới có 2 môn hoàn toàn mới chưa được học ở lớp 10 thì chỉ vỏn vẹn 2 tháng hè, học sinh làm sao có thể tự học để đảm bảo kiến thức, năng lực của môn tiếp theo và học sinh tự học bằng hình thức gì, ai sẽ là người hướng dẫn,…?

Thứ ba, giáo viên nào sẽ hướng dẫn cho học sinh bù đắp kiến thức?

Theo công văn, nhà trường phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Tuy nhiên, giải pháp phù hợp là giải pháp gì chưa được nêu rõ, giáo viên có phải dạy kiến thức cả năm học cho học sinh hay không? Nếu dạy thì có được chi trả tiền tăng giờ, cách tính như thế nào?

Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra, đánh giá kiến thức như thế nào để học sinh được chuyển tổ hợp chọn môn cũng chưa được quy định cụ thể.

Nguyện vọng chuyển tổ hợp môn của học sinh là chính đáng nhưng khi kiểm tra không đạt năng lực của môn mới cần chuyển đổi thì sẽ giải quyết như thế nào?

Thứ tư, học sinh được chuyển 1, 2 môn hay cả tổ hợp?

Thực tế do điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất các trường chỉ xây dựng khoảng 4 -5 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.

Ví dụ tại một trường Trung học phổ thông xây dựng 4 tổ hợp chọn môn gồm:

Tổ hợp 1: Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học;

Tổ hợp 2: Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật;

Tổ hợp 3: Hóa học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ

Tổ hợp 4: Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học.

Có thể thấy với việc xây dựng tổ hợp môn kiểu này, học sinh sẽ vô cùng khó chuyển tổ hợp chọn môn, khi học sinh chọn 1 tổ hợp chọn môn có thể học sau một thời gian phát hiện 1, 2 môn trong tổ hợp không phù hợp và chỉ cần đổi 1, 2 môn mà không phải chuyển cả tổ hợp chọn môn.

Tuy nhiên, với cách xây dựng tổ hợp môn này, học sinh muốn chuyển phải chuyển cả tổ hợp chọn môn (chuyển sang lớp khác), trong đó sẽ có 2,3 môn khác với tổ hợp ban đầu, sẽ rất khó khăn bù đắp kiến thức khi học với 2,3 môn mới.

Bên cạnh đó, việc học sinh chuyển tổ hợp chọn môn còn xuất hiện rắc rối phát sinh như học sinh ở lại lớp, học sinh chuyển trường,…cũng cần được hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên