Hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho cơ sở giáo dục ĐH, người học hưởng lợi

01/07/2024 06:41
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hợp tác quốc tế không chỉ giúp trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu mà còn mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa với các đối tác quốc tế.

Năm 1992, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận ngày 1/7 là Ngày Quốc tế hợp tác, đánh dấu sự phát triển của phong trào hợp tác quốc tế trên toàn cầu.

Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các trường đại học hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu mà còn mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thể đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.

lac-hong-2.jpg
Hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học. (Ảnh: Trường Đại học Lạc Hồng cung cấp)

Nguyên nhân khiến nhiều cơ sở giáo dục chưa thể đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (UED) cho rằng: Hiện nay một số cơ sở giáo dục chưa đạt được hiệu quả như mong đợi trong hợp tác quốc tế. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này có thể do:

Chiến lược và mức độ đầu tư cho hợp tác quốc tế chưa phù hợp và chưa đúng mức;

Tiềm năng và nguồn lực trong phát triển hợp tác quốc tế có thể chưa đạt được sự kỳ vọng của đối tác và yêu cầu thực tiễn của đơn vị khi thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế;

Đầu tư chưa có trọng điểm. Hợp tác quốc tế là trụ cột lớn của các cơ sở giáo dục đại học. Với nguồn lực chưa cho phép, các cơ sở giáo dục chưa đầu tư có trọng điểm để đạt đến hiệu quả mà chủ yếu còn nhấn mạnh vào công tác kết nối;

Đầu tư nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất chưa tương xứng. Hợp tác quốc tế đòi hỏi phải đầu tư lớn về tài chính và đầu tư lâu dài. Điều kiện phục vụ đáp ứng cho hợp tác quốc tế về cơ sở vật chất cũng cần được quan tâm. Trong khi đó, nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục còn cần phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nên cũng hạn chế nguồn kinh phí đầu tư cho sự phát triển trong hợp tác quốc tế.

z5336692522159_2fabfb515a05aabda1ddf3ebe92f959f (1).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) khẳng định: Một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thể thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế có thể do một số nguyên nhân như:

Thiếu nguồn lực: Tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất còn hạn chế.

Thiếu thông tin: Chưa nắm bắt được thông tin về các cơ hội hợp tác, các đối tác tiềm năng.

Rào cản ngôn ngữ, văn hóa: Khó khăn trong việc giao tiếp, hiểu biết văn hóa của đối tác nên khó khăn trong việc tiếp cận và đàm phán các dự án hợp tác quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho trường đại học, sinh viên hưởng lợi

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Bởi hoạt động này mở ra nhiều cơ hội cho nhà trường cũng như giúp người học được thụ hưởng nhiều giá trị.

"Hợp tác quốc tế giữ vai trò quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, sự phù hợp của các chủ trương, chính sách của các các sở giáo dục với chuẩn mực quốc tế hay định hướng chung của giáo dục toàn cầu.

Đồng thời, hợp tác quốc tế là điều kiện để thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội cho giảng viên, người học và nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đào tạo, năng lực ngoại ngữ, kết nối mở rộng mạng lưới hợp tác, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hợp tác quốc tế được xem một cánh cửa để cộng đồng quốc tế biết đến, hợp tác và cùng phát triển với các cơ sở giáo dục đại học. Nó góp phần thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học cải tiến các chương trình đào tạo, mở các chương trình đào tạo mới phục vụ nhu cầu của sinh viên Việt Nam và quốc tế, cải tiến các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ người học, đầu tư các nguồn lực về con người, từ đó mang lại sự thay đổi toàn diện cho cơ sở giáo dục.

Hơn nữa, thông qua những đề tài, dự án, chương trình liên kết, hợp tác giữa các bên trong các chương trình hợp tác quốc tế, những lĩnh vực khác của cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ có những chuyển biến tích cực. Từ đó mang đến lợi ích về thương hiệu, uy tín, tài chính và vị thế của cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục đất nước, khu vực và toàn cầu", thầy Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực của các trường đại học.

z5181812076370_e9bce4588f2f6807ecb7e40d02ef28d2.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Trước hết, trường đại học có thể tiếp cận chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy tiên tiến từ các đối tác. Qua đó nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế. Ngoài ra, sinh viên sẽ được thụ hưởng giá trị giáo dục ưu việt, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau thông qua các chương trình trao đổi học tập hoặc liên kết đào tạo.

Sinh viên có thể được nhận bằng cấp từ trường đại học nước ngoài, có giá trị quốc tế, mở rộng triển vọng nghề nghiệp tại các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước. Đồng thời, các trường cũng có thể thu hút sinh viên quốc tế đến học tập để tạo môi trường giáo dục đa văn hóa và năng động, hiện đại. Tỷ lệ sinh viên quốc tế cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xếp hạng đại học.

Việc kết nối với các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua hợp tác quốc tế cũng tạo điều kiện để giảng viên - nghiên cứu viên của trường đại học có thêm cơ hội hợp tác nghiên cứu hoặc tiếp cận các nguồn tài trợ triển vọng trong nghiên cứu khoa học. Qua đó vừa mang đến những dự án khoa học công nghệ chất lượng hơn, đồng thời tăng khả năng công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế nhằm nâng cao vị thế khoa học của trường.

Các hoạt động hợp tác giữa trường đại học với các doanh nghiệp quốc tế cũng có ý nghĩa tăng cường cơ hội thực tập hay việc làm cho sinh viên, giúp người học trang bị thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn.

Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: Nhà trường xem việc hợp tác quốc tế là một trong những chiến lược trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển nghiên cứu khoa học; mở rộng mạng lưới đối tác; nâng cao uy tín và thương hiệu.

thac-si-oanh.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo cô Oanh, kết quả của hợp tác quốc tế tại LHU được thể hiện qua các chương trình đào tạo quốc tế; trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

"Chỉ riêng trong năm 2023, nhà trường đã có 30 lượt giảng viên, sinh viên đi học tập trao đổi, thi đấu tại Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đa phần các chương trình mà giảng viên và sinh viên trao đổi đều được miễn học phí, ký túc xá, thậm chí là được hỗ trợ tiền vé máy bay.

Nhà trường tích cực hợp tác với các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc, Nhật Bản để đưa sinh viên đi ra nước ngoài thực tập. Ví dụ như Nhật Bản, riêng trong năm học 2023-2024 đã có gần 100 sinh viên của các ngành Nhật Bản học, Cơ điện - điện tử, Công nghệ thông tin đi Internship tại Nhật Bản, mức lương sau khi trừ tất cả các khoản sinh hoạt cá nhân của các bạn dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng", cô Oanh thông tin.

Làm thế nào để các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hợp tác quốc tế?

Từ việc hợp tác quốc tế tại trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình đẩy mạnh hoạt động này. Theo đó, nhà trường xác định hợp tác quốc tế là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài, toàn diện và hiệu quả. Đồng thời, trường xác định xây dựng đối tác chiến lược trong hợp tác quốc tế. Trên thực tế nhà trường có quan hệ hợp tác rộng mở với các đối tác quốc tế trên thế giới, nhưng mục tiêu trung tâm là chiến lược quay trở lại châu Á, coi các đối tác láng giềng, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á là các khu vực chiến lược hàng đầu trong xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác;

Xác định các nội dung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở thực tế tiềm năng của trường. Hiện nay, trường có thế mạnh trong ba nhóm lĩnh vực là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục. Trong hợp tác quốc tế, nhà trường xác định hợp tác trong đào tạo tiếng Việt, ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, trong giáo dục là các lĩnh vực trọng tâm để đầu tư, phát triển.

Bên cạnh đó, thay đổi trong cách thu hút, hỗ trợ các đối tác quốc tế và người học. Nhà trường thường xuyên cấp học bổng cho sinh viên quốc tế ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Đồng thời phối hợp với địa phương tổ chức và tham gia các chương trình: Người mẹ thứ hai, Homestay ở nhà dân, một sinh viên Việt Nam hỗ trợ 1 sinh viên nước ngoài, các ngày hội sinh viên quốc tế để sinh viên quốc tế yên tâm học tập tại trường;

Hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện dạy học cho giảng viên có ngoại ngữ giỏi, kinh nghiệm làm việc với người nước ngoài để hướng dẫn sinh viên quốc tế;

Phát triển hệ thống kết nối thông qua các diễn đàn, sự kiện, câu lạc bộ cựu sinh viên quốc tế, các giảng viên của trường đi học ở nước ngoài.

Picture7.png
Hoạt động thực tế ngôn ngữ văn hoá của sinh viên quốc tế Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tại Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: NTCC)

Trong thời gian sắp tới, thầy Hiếu cho biết, nhà trường dự định: Tiếp tục đầu tư về mọi nguồn lực cho công tác hợp tác quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững;

Mở rộng các lĩnh vực, thu hút các khoa, phòng và đơn vị của nhà trường đều tham gia vào công tác hợp tác quốc tế;

Đầu tư hình thành Trung tâm tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam làm tiền đề cho Trung tâm phát triển hợp tác quốc tế nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế của trường. Đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ, trải nghiệm, học tập thực tế cho sinh viên.

Picture10.png
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đạt giải Nhì trong Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài vòng sơ khảo khu vực Miền Trung. (Ảnh: NTCC)

Trong khi đó, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, kinh nghiệm của LHU trong việc hợp tác quốc tế là luôn chủ động tìm kiếm và thiết lập mối quan hệ với các đối tác tiềm năng, đồng thời xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể, rõ ràng và phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường. Cũng theo cô Oanh, để thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng:

Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế rõ ràng: Xác định mục tiêu, đối tượng, lĩnh vực hợp tác cụ thể. Điều này nhằm phục vụ cho định hướng quốc tế hóa, xây dựng nhà trường trở thành một hình mẫu trong công tác hợp tác quốc tế.

Tăng cường quảng bá hình ảnh: Tổ chức các hội thảo du học, định hướng nghề nghiệp quốc tế, hội nghị quốc tế, tham gia các chương trình trao đổi, học bổng do các đối tác cung cấp,... Các kênh thông tin liên quan đến hợp tác quốc tế được xây dựng đồng bộ trên các kênh mạng xã hội, website chính thức của trường.

Đầu tư nguồn lực: Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo hướng dẫn về kỹ năng nghiệp vụ ngoại giao, giúp giảng viên và sinh viên toàn trường hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước về ngoại giao, cải thiện, nâng cao trình độ đội ngũ làm quan hệ quốc tế qua các hoạt động thăm hỏi, tham vấn với các đồng sự quốc tế.

lac-hong-2-2.jpg
Hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội giao lưu học thuật cho các trường đại học. (Ảnh: Trường Đại học Lạc Hồng cung cấp)

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho rằng để hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả, nhà trường chú trọng quản lý hoạt động này chặt chẽ, tránh tình trạng hợp tác quá nhiều song không mang lại hiệu quả do sự bất tương đồng trong định hướng phát triển của hai bên. HUTECH cũng rất quan tâm phát triển tối đa nguồn lực, đầu tư về cả cơ sở vật chất lẫn chất lượng đào tạo để tạo dựng được uy tín và có cơ sở để các đơn vị quốc tế tin tưởng và lựa chọn trường làm đối tác.

Cũng theo cô Dung, hợp tác quốc tế là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nỗ lực dài hơi và trong quá trình triển khai có thể không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Đó có thể là chiến lược hợp tác quốc tế chưa được xác định rõ ràng, chưa có đầy đủ thông tin về các cơ hội hợp tác quốc tế dẫn đến bỏ lỡ những thông tin tiềm năng. Để khắc phục vấn đề này cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và chủ động thiết lập các chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế đạt hiệu quả cao hơn.

Trong thời gian sắp tới, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng mở rộng mạng lưới đối tác các trường đại học uy tín trên thế giới để đa dạng hóa chương trình chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi học tập, các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm mang đến nhiều sự lựa chọn học tập và việc làm cho sinh viên.

73A08687.jpg
Hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm. (Ảnh: Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp).

Ngoài ra, trường cũng chú ý đến kết nối với các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua các diễn đàn khoa học quốc tế hay dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm mang đến những sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng, giàu tính ứng dụng hơn để phục vụ cộng đồng. Đồng thời tăng khả năng công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế nhằm nâng cao vị thế khoa học của trường.

Việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế cũng sẽ được nhà trường đặc biệt quan tâm để mang đến nhiều hơn nữa cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên, đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp trong môi trường doanh nghiệp nước ngoài, đa quốc gia.

Nhật Lệ