Họp hội đồng chỉ hiệu trưởng "đơn ca" có phải do lãnh đạo giỏi?

02/03/2023 06:36
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phát biểu quan điểm cá nhân của giáo viên nói riêng, người lao động nói chung trong hội họp, thể hiện sự dân chủ, bình đẳng, thẳng thắn cùng lãnh đạo vì cái chung

"Họp hội đồng không giáo viên nào phát biểu có phải do hiệu trưởng giỏi?". Đó là câu hỏi được một giáo viên viết trên một diễn đàn của mạng xã hội, câu hỏi đã nhận được sự đồng cảm và bình luận của nhiều giáo viên.

Thấy giáo Ngô An công tác tại một tỉnh phía Nam cho rằng: “Họp hội đồng không giáo viên nào phát biểu, là rất bất bình thường.

Cũng có thể, có một thực tế, giáo viên nào phát biểu trái ý hiệu trưởng sẽ bị để ý trên mức bình thường, nên giáo viên rút kinh nghiệm, im lặng là vàng.

Tôi từng chứng kiến, khi giáo viên phản biện, chất vấn hiệu trưởng về tăng thu nhập cuối năm, đã bị hiệu trưởng lên kế hoạch thanh tra. Khi thanh tra, dự giờ tiết dạy, còn ghi âm, ghi hình, mổ xẻ, chẳng khác gì chẻ tư sợi tóc.

Vì thế, cuộc họp hội đồng nào của đơn vị cũng ngắn gọn đến bất ngờ, không ai phát biểu, đúng là hiệu trưởng “giỏi””.

Thầy Nguyễn Sĩ Trung giáo viên có thâm niên hơn 25 năm làm cán bộ quản lý lại nêu quan điểm: “Nhìn vào cuộc họp hội đồng nhà trường, biết ngay trường học có dân chủ hay không, giáo viên hạnh phúc hay không.

Hiệu trưởng mà thực sự vì học sinh thân yêu sẽ khuyến khích giáo viên phản biện, nghe giáo viên phát biểu, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện hoàn chỉnh, phù hợp thực tế hơn, tính khả thi cao hơn.

Họp hội đồng mà chỉ hiệu trưởng “đơn ca”, chắc chắn chẳng ai khen hay, chẳng ai nghe, giáo viên chỉ làm đối phó, làm cho có chuyện, chất lượng giáo dục khó thật được.

Cũng không thiếu trường hợp dù bản thân mình đã gợi mở, đề nghị, khuyến khích, nhưng không ít giáo viên ngại phát biểu, ngại thể hiện quan điểm cá nhân, chỉ thích "người khác sao mình vậy".

Chẳng cần thanh tra, kiểm định gì nhiều, cứ giở sổ biên bản họp hội đồng là biết ngay có dân chủ thật sự không, trường học có hạnh phúc không”.

Thực tế, khi nhà trường tổ chức họp toàn thể giáo viên, công nhân viên, giáo viên thường gọi đó là họp hội đồng hay họp hội đồng sư phạm.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Trong trường học có hội đồng sư phạm không?

Các hội đồng trong trường học được pháp luật quy định, không phải thích thì đặt tên, thích thì thành lập. Các hội đồng trong trường học được quy định bởi Điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 8 Thông tư Số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cơ cấu tổ chức của trường mầm non Cơ cấu tổ chức của nhà trường gồm: hội đồng trường, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn, tổ văn phòng; các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

Điều 9 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cơ cấu tổ chức của trường tiểu học Cơ cấu tổ chức trường tiểu học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học sinh.

Điều 9 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cơ cấu tổ chức của trường trung học

Cơ cấu tổ chức trường trung học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỷ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học; tổ phục vụ các hoạt động giáo dục đặc thù của trường chuyên biệt.

Như vậy, không có văn bản nào quy định hội đồng sư phạm có trong cơ cấu tổ chức trường học ở nước ta.

Thực tế, hội đồng sư phạm thường được giáo viên hiểu là toàn thể lãnh đạo, giáo viên, công nhân viên trong trường học.

Những cuộc họp toàn thể lãnh đạo, giáo viên, công nhân viên trong trường học, thường được coi là họp hội đồng sư phạm, giáo viên thường gọi là họp hội đồng. Trong các cuộc họp hội đồng, thường có thư ký hội đồng ghi biên bản cuộc họp trong Sổ họp hội đồng.

Trong hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục có sổ họp hội đồng không? Người viết lấy Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT làm ví dụ.

Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục

Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm:

1. Đối với nhà trường:

a) Sổ đăng bộ.

b) Học bạ học sinh.

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học).

d) Hồ sơ giáo dục đối với học sinh khuyết tật (nếu có).

đ) Kế hoạch giáo dục của nhà trường (theo năm học).

e) Sổ ghi đầu bài.

g) Sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

h) Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến.

i) Hồ sơ quản lý thiết bị giáo dục, thư viện.

k) Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính.

l) Hồ sơ kiểm tra, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên.

m) Hồ sơ theo dõi sức khoẻ học sinh.

n) Hồ sơ khen thưởng, kỷ luật học sinh.

o) Hồ sơ phổ cập giáo dục (đối với cấp trung học cơ sở).

Như vậy, trong hồ sơ nhà trường cũng không có Sổ họp hội đồng, hay nói cách khác, hội đồng sư phạm chỉ là cách gọi theo thói quen của giáo viên.

Trong thực tế, thực tiễn đã và đang xảy ra tại các cơ sở giáo dục, khi thông báo kết quả của các cuộc họp hội đồng trường, hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật, hội đồng tư vấn, hiệu trưởng thường tổ chức cuộc họp toàn thể người lao động trong đơn vị.

Cuộc họp toàn thể người lao động trong đơn vị (họp hội đồng) cũng là dịp giáo viên được phát biểu trực tiếp quan điểm cá nhân của mình về các hoạt động của trường học.

Việc phát biểu quan điểm cá nhân của giáo viên nói riêng, người lao động nói chung, thể hiện sự dân chủ, bình đẳng, sự lắng nghe của lãnh đạo.

Nếu giáo viên không phát biểu, không phản biện, không xây dựng trong cuộc họp hội đồng nói riêng, hội họp nói chung, chưa hẳn là hiệu trưởng giỏi, mà có thể trường đó đang có “vua con” ngự trị.

Theo quan điểm của người viết, để tránh các hiệu trưởng là "vua con" trong trường học, cần thay đổi cách lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. Thông thường, trong trường học chỉ lấy phiếu tín nhiệm cuối nhiệm kì nên nếu hiệu trưởng độc đoán có thể "yên vị" 5 năm.

Để xóa bớt các "vua con" trong trường học, để giáo viên mỗi ngày đến trường là một ngày vui, cần thay đổi thời gian lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó như hiện nay.

Hàng năm đều lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó, với tiêu chí rõ ràng, minh bạch, nếu phiếu tín nhiệm đạt dưới 60% là miễn nhiệm chức vụ, chắc chắn sẽ không có "vua con" trong trường học.

Người viết cũng chứng kiến có không ít giáo viên cả đời đi dạy chưa từng một lần phát biểu trong cuộc họp nào, hoặc là không dám thể hiện chính kiến, hoặc là an phận thủ thường, hoặc là năng lực hạn chế, nên cũng có những cuộc họp hội đồng chẳng có giáo viên nào phát biểu dù hiệu trưởng vận động, khuyến khích.

Thầy cô hạnh phúc, đơn giản nhất là thầy cô được và dám phát biểu quan điểm của mình trong hội họp, được lãnh đạo lắng nghe và chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-52-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-Truong-mam-non-469795.aspx

[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-28-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-tieu-hoc-190610-d1.html

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai