Hơn 73% giảng viên của Học viện Phòng không - Không quân đạt trình độ thạc sĩ

30/09/2023 06:41
Thảo Ly
GDVN-Mấy năm gần đây chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Phòng không-Không quân có giảm; giảng viên trình độ đào tạo thạc sĩ chiếm hơn 73%.

Học viện Phòng không - Không quân (Kim Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) là một học viện quân sự thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân - Bộ Quốc phòng Việt Nam, chuyên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu phòng không-không quân bậc đại học, cao đẳng, kỹ sư hàng không và đào tạo sau đại học.

Với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ đại học và sau đại học chất lượng cao. Đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo quốc tế chuyên sâu trên các lĩnh vực phòng không và không quân của Quân đội, góp phần quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, xứng đáng với vị thế là trường trọng điểm của Quân đội.

Tầm nhìn đến năm 2030, Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực phòng không, không quân và các chuyên ngành gần trong nền kinh tế, xã hội đất nước, phấn đấu đạt chuẩn chất lượng của quốc gia và khu vực; tạo nguồn và dự trữ nhân lực Phòng không-Không quân chất lượng cao, theo đối tượng đào tạo cho quốc phòng an ninh và kinh tế xã hội; đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân hiện đại, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Học viện Phòng không - Không quân Việt chuyên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu phòng không-không quân bậc đại học, cao đẳng, kỹ sư hàng không và đào tạo sau đại học. Ảnh: website trường

Học viện Phòng không - Không quân Việt chuyên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu phòng không-không quân bậc đại học, cao đẳng, kỹ sư hàng không và đào tạo sau đại học. Ảnh: website trường

Hiện Học viện Phòng không - Không quân do Thiếu tướng, Tiến sĩ Hà Xuân Trường làm Giám đốc; 3 Phó Giám đốc Học viện là: Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hải; Đại tá Phan Văn Khang và Đại tá, Tiến sĩ Lê Công Thành.

Chỉ tiêu tuyển sinh có xu hướng giảm

Theo thống kê từ đề án tuyển sinh các năm (năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023) cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành trong 5 năm gần đây tại Học viện có biến động.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Phòng không-Không quân trong 5 năm gần nhất. Thống kê: Thảo Ly

Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Phòng không-Không quân trong 5 năm gần nhất. Thống kê: Thảo Ly

Từ bảng trên, có thể thấy, chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện giảm qua các năm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh các khối ngành của Học viện năm 2019 là 398 chỉ tiêu thì đến năm 2023 chỉ còn 235 chỉ tiêu.

Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Kỹ thuật hàng không năm 2022 là 50 chỉ tiêu (tức là 55 chỉ tiêu so với năm 2019). Đến năm 2023, Học viện không tuyển sinh ngành Kỹ thuật hàng không. Trước đó, ngành Kỹ thuật Hàng không giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh là 105 chỉ tiêu trong 4 năm liên tiếp (năm 2016, 2017, 2018 và 2019).

Khối ngành V của Học viện Phòng không-Không quân là ngành Kỹ thuật cơ khí động lực, ngành Kỹ thuật điều kiện và tự động hóa, ngành Kỹ thuật hàng không.

Khối ngành VII của Học viện Phòng không-Không quân là ngành Nghệ thuật quân sự, ngành Chỉ huy tham mưu Không quân, ngành Chỉ huy kỹ thuật Phòng không, ngành Chỉ huy kỹ thuật Tác chiến điện tử.

Được biết, Khoa Kỹ thuật Hàng không được thành lập ngày 15/02/1979, đào tạo các kỹ sư, thạc sĩ Kỹ thuật hàng không, từ năm 1998 đã đào tạo sau đại học. Học viện đã đào tạo được nhiều lớp kỹ sư, thạc sĩ Kỹ thuật Hàng không có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân chủng, quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước [1].

Riêng ngành Chỉ huy tham mưu Phòng không, Không quân và Tác chiến điện tử chỉ tiêu tuyển sinh giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh là 215, tức giảm 78 chỉ tiêu so với năm 2019 (có 293 chỉ tiêu). Đến năm 2023, Học viện tăng 20 chỉ tiêu, nâng tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 235 chỉ tiêu.

Giảng viên có trình độ Thạc sĩ chiếm 73,3%

Theo đề án tuyển sinh của Học viện, số lượng giảng viên có chức danh phó giáo sư, tiến sĩ/ phó giáo sư, tiến sĩ khoa học chỉ có 1 người ở khối ngành V (năm 2021). Song đến năm 2022, Học viện không có giảng viên có chức danh phó giáo sư, tiến sĩ/ phó giáo sư, tiến sĩ khoa học ở khối ngành V.

Còn, khối ngành VII không có giảng viên có chức danh phó giáo sư, tiến sĩ/ phó giáo sư, tiến sĩ khoa học trong 3 năm khảo sát (năm 2020, năm 2021 và năm 2022).

Giảng viên cơ hữu của Học viện Phòng không-Không quân năm 2020, 2021 và 2022. Thống kê: Thảo Ly

Giảng viên cơ hữu của Học viện Phòng không-Không quân năm 2020, 2021 và 2022. Thống kê: Thảo Ly

Hai năm 2020 và 2021, Học viện duy trì số lượng giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ là 41 người. Đến năm 2022, tăng thêm 4 giảng viên, nâng tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Học viện lên 45 người, chiếm 10%/ tổng số giảng viên toàn trường (450 giảng viên), không tính giảng viên các môn chung.

Trong khi đó, số lượng giảng viên có trình độ đào tạo thạc sĩ gấp tới 7 lần so với giảng viên trình độ tiến sĩ (năm 2022), chiếm 73,3% số lượng giảng viên toàn Học viện. Năm 2020 và năm 2021, số giảng viên có trình độ đào tạo thạc sĩ được duy trì là 303 người.

Số lượng giảng viên có trình độ đại học có xu hướng giảm. Năm 2020 và năm 2021, Học viện duy trì số giảng viên có trình độ đại học là 104 người, giảm xuống còn 75 người năm 2022.

Theo thống kê 3 năm (năm 2020, năm 2021, năm 2022) Học viện không có giảng viên có chức danh là Giáo sư tại 2 khối ngành V và VII.

Chưa kể, năm 2020 và năm 2021, Học viện Phòng không-Không quân không có giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy tại trường. Tuy nhiên, năm 2022, giảng viên thỉnh giảng của Học viên tăng lên 26 người, trong đó có 3 giảng viên có chức danh phó giáo sư, tiến sĩ/ Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học; 8 giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ; 5 giảng viên trình độ đào tạo thạc sĩ và 5 cử nhân.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cai-noi-dao-tao-nganh-ky-thuat-hang-khong-566294

Thảo Ly