Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đề tài khoa học công nghệ "Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang”.
Theo đó, Đại học này khảo sát hơn 12.500 giáo viên tại 3 địa phương trên trong hai tháng 9, 10/2024 và phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho biết, hiện nay giáo viên chịu áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh học sinh. Cụ thể, có 70,21% giáo viên đang bị áp lực hoặc rất áp lực và 40,63% giáo viên từng có ý định chuyển nghề do bị bạo lực tinh thần đến từ phía phụ huynh.
Kết quả từ cuộc khảo sát cũng cho thấy, có 71,83% giáo viên bị quá tải trong công việc, trong đó bậc mầm non là 87,65%. Gần 70% giáo viên mầm non không có thời gian hoạt động thể dục thể thao, giải trí và 46% giáo viên ở các bậc học khác dành dưới 10% thời gian trong ngày cho hoạt động này.
Đặc biệt, giáo viên chỉ có 15,81% quỹ thời gian dành cho việc chăm sóc gia đình. [1]
Người viết là giáo viên nhận thấy, giáo viên mầm non và phổ thông đang chịu nhiều áp lực vì một số nguyên nhân chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, giáo viên bậc mầm non và tiểu học hiện nay chịu nhiều vất vả so với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông vì thời gian dạy học kéo dài trong ngày.
Chẳng hạn, Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định đối với giáo viên mầm non dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Quy định là như vậy, nhưng thực tế hầu hết giáo viên mầm non vẫn phải làm việc vất vả hơn rất nhiều. Buổi sáng, giáo viên phải có mặt ở trường từ 6 giờ 30 để dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị đón học sinh. Buổi trưa, giáo viên phải trực cho các cháu ngủ; buổi chiều họ về muộn vì sau giờ tan làm phụ huynh mới đến đón con về.
Vì vậy, nhiều giáo viên mầm non rất chạnh lòng, bởi vì họ chăm lo cho học sinh ở trường rất tốt nhưng lại không có thời gian lo cho con của mình. Con cái của nhiều giáo viên mầm non phải nhờ ông bà đưa đón, cho ăn uống và cả thuốc thang khi con ốm đau.
Đáng nói, dư luận xã hội hiện nay đang rất nóng về nạn bạo hành trẻ em, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non vừa chịu áp lực từ việc giảng dạy và giữ trẻ vừa áp lực phải tạo tâm lý an tâm cho phụ huynh.
Còn định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.
Tuy vậy, đối với giáo viên tiểu học, bên cạnh việc dạy học, quản lí học sinh (giáo viên chủ nhiệm) thì thầy cô còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như: khai báo sức khỏe học sinh; tiêm ngừa của học sinh; tư vấn tâm lý học sinh,…
Một số giáo viên tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, cuối tuần họ vẫn không được nghỉ. Cứ đến thứ Sáu hàng tuần là việc ra đề kiểm tra, chấm bài lại dồn, phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật vì các ngày trong tuần giáo viên bận dạy, rồi nghe điện thoại, trả lời tin nhắn phụ huynh đã hết thời gian.
Cũng có giáo viên trải lòng, nhiều phụ huynh đòi hỏi thầy cô phải quan tâm kỹ lưỡng đến từng học sinh, chăm sóc các em không chỉ trong giờ học mà còn trong từng bữa ăn, giấc ngủ, kể cả việc nhắc các em uống thuốc ở lớp, ở trường dẫn đến thầy cô giáo phải chịu nhiều áp lực.
Thứ hai, việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên phổ thông phải bổ túc kiến thức; liên tục cập nhật, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; bồi dưỡng thường xuyên hàng loạt mô-đun,... khiến áp lực đè nặng lên thầy cô nhiều hơn.
Người viết lấy ví dụ, để dạy học có hiệu quả, giáo viên bậc phổ thông phải đọc cả 3 bộ sách giáo khoa; đi kèm với đó là 3 bộ sách chuyên đề; 3 bộ sách giáo viên và nhiều tài liệu tham khác có liên quan đến chuyên môn.
Cùng với đó, giáo viên liên tục liên tục phải tập huấn về việc ra đề kiểm tra. Ví dụ, vừa qua người viết được tập huấn về việc xây dựng ma trận, bản đặc tả và ra đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông với tài liệu tham khảo dài 100 trang.
Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng thường xuyên các mô-đun cũng chiếm hết thời gian của giáo viên. Ví dụ, Mô-đun 07 - Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong trường trung học phổ thông, giáo viên trung học phổ thông phải hoàn thành trong tháng 12/2024.
Để hoàn thành mô-đun này, giáo viên phải đọc lí thuyết, xem các video bài giảng và cuối cùng phải làm các bài tập trắc nghiệm, tự luận với rất nhiều câu hỏi. Thời gian hoàn thành 1 mô-đun trung bình từ 1-2 ngày; nếu bài làm không đạt thì giáo viên phải học lại.
Ngoài ra, việc ra đề kiểm tra, chấm bài các môn tự luận cũng khiến giáo viên mất rất nhiều thời gian. Thầy cô phải làm những việc này vào buổi tối, cả thứ Bảy, Chủ nhật mới kịp tiến độ.
Ví dụ, kì kiểm tra cuối kì, giáo viên bậc trung học phổ thông dạy môn Ngữ văn trung bình phải chấm khoảng 200 bài kiểm tra. Thời gian chấm bài, vào điểm thường kéo dài khoảng 5 ngày. Riêng giáo viên ra đề kiểm tra thì phải mất 1-2 ngày mới xong được 1 đề và đáp án.
Thứ ba, giáo viên dạy những lớp cuối cấp, cụ thể lớp 9, lớp 12 thường chịu rất nhiều áp lực vì liên quan đến kì thi tuyển sinh, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Sau mỗi kì thi, thông thường cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) đều có thống kê tỉ lệ điểm thi, tỉ lệ học sinh được vào lớp 10 công lập hoặc đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông làm cho giáo viên rất căng thẳng.
Học sinh lớp 9, lớp 12 thi hỏng hoặc thi điểm thấp, tỉ lệ không đạt so với chỉ tiêu thì thầy cô chịu nhiều tròng áp lực đến từ phụ huynh; học sinh; Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo nhà trường và cả đồng nghiệp cùng trường, khác trường nữa.
Sau mỗi kì thi, giáo viên nào có điểm thi đạt tỉ lệ cao thì được nhà trường xướng tên khen thưởng. Điều này làm cho giáo viên có nhiều học sinh thi điểm thấp, tỉ lệ không đạt (chủ yếu là do các em có lực học yếu) rất xấu hổ với lãnh đạo, với đồng nghiệp, áp lực vì thế tăng lên gấp bội phần.
Thứ tư, những trường lạm thu thường bị phụ huynh rất coi thường, kéo theo họ cũng ghét lây giáo viên, cho dù thầy thầy cô hầu như "vô can" vì họ không có quyền hành, không hề liên quan đến chuyện công khai nguồn thu - đây là việc của hiệu trưởng.
Trường nào lạm thu thì giáo viên chủ nhiệm trường đó rất áp lực, căng thẳng với phụ huynh, học sinh và cả dư luận xã hội.
Vậy nên, nhiều phụ huynh cứ nghe nhà trường phát thư mời họp là họ rất sợ. Họ sợ lạm thu quỹ trường, quỹ lớp, rồi những khoản thu thiếu minh bạch như tiền tin nhắn điện tử; tiền điện máy điều hoà nhiệt độ;...
Giáo viên theo chỉ đạo của hiệu trưởng chỉ biết giải thích các khoản đóng góp cho xong chuyện, còn phụ huynh thì không đồng tình, và thế là sinh ra cãi vả. Có phụ huynh mặt nặng mày nhẹ, thậm chí nặng lời với cả thầy cô giáo trước hàng chục phụ huynh khác đang tham gia cuộc họp.
Thiết nghĩ, để góp phần giảm thiểu áp lực cho giáo viên thì trước hết cơ quan quản lý giáo dục và hiệu trưởng cần làm đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật để giáo viên có thời gian, công sức tập trung vào công tác chuyên môn.
Tiếp đến, phụ huynh hãy hợp tác với giáo viên, cùng đứng về một phía với thầy cô giáo để kết hợp giáo dục học sinh được tốt, tất cả dựa trên tinh thần chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau.
Sau cùng, việc xây dựng trường học hạnh phúc là giải pháp căn cơ làm giảm áp lực cho giáo viên. Muốn vậy, hiệu trưởng phải là người có tâm, có tầm và cần xây dựng được môi trường dân chủ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/hon-4063-gv-tung-co-y-dinh-chuyen-nghe-do-bao-luc-tinh-than-tu-phu-huynh-post247124.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.