Chiều nay, ngày 8/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Tham dự Hội thảo có bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội;
Ông Phạm Xuân Hậu, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Đào Hồng Cường đại diện vụ pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Bà Khiếu Thị Nhàn, Chánh văn phòng chương trình khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Kim Dung Ban tư vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt, có sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư giáo dục, lãnh đạo các trường giáo dục tư thục ở Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh…
Ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ảnh Tùng Dương). |
Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Xã hội hóa giáo dục là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sức dân chung tay xây dựng sự nghiệp giáo dục, giảm gánh nặng biên chế và ngân sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nhờ cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng về giáo dục của nhân dân.
Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu ra từ Nghị quyết Đại hội VIII và liên tục được nhắc lại, nhấn mạnh trong nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, ưu đãi, khuyến khích, đầu tư và phát triển giáo dục tư thục, Luật Giáo dục hiện hành (2005) có hẳn Mục 4.
Chính sách đối với trường dân lập, trường tư thục với các Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 68 hết sức cụ thể, phù hợp.
Nhà đầu tư lo bị tước quyền điều hành nhà trường vì dự thảo Luật giáo dục |
Trên cơ sở các quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và một số lĩnh vực khác, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chính nhờ vào chủ trương, chính sách đúng đắn nêu trên, giáo dục tư thục đã vươn lên và phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, biên chế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân và nâng cao chất lượng nhờ cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở.
Riêng trên địa bàn thủ đô Hà Nội, tính đến tháng Sáu năm 2018, bậc mầm non có 320 trường tư thục với 20.659 lớp và nhóm lớp với 566.944 học sinh; bậc tiểu học có 40 trường tư thục, tổng số 678.776 học sinh;
Bậc trung học cơ sở có 22 trường tư thục chưa kể 30 trường liên cấp (trung học cơ sở và trung học phổ thông), tổng số có 11.074 lớp với 426.928 học sinh; bậc trung học phổ thông có 100 trường tư thục với 5.100 lớp và 196.469 học sinh.
Hội thảo là để các nhà đầu tư trình bày ý kiến, nguyện vọng và đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách giáo dục (ảnh Đỗ Công Tiến). |
Mỗi năm vào mùa tuyển sinh đầu cấp, đây đó vẫn còn rơi rớt những thông tin mang tính định kiến với khối tư thục như "Gần 23.000 học sinh lớp 9 ở Hà Nội sẽ trượt lớp 10 công lập" khi đề cập đến năng lực đáp ứng của các trường phổ thông.
Trong cuộc tọa đàm về giáo dục tư thục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Đại học Hồng Bàng ngày 6/5/2019, một vị đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã thốt lên:
“Chúng tôi biết ơn các trường tư thục, vì nếu không có họ, hàng chục ngàn học sinh của thành phố sẽ không có chỗ học!"
Những người không góp xu nào có được tham gia điều hành trường tư thục? |
Cùng một vấn đề, nhưng 2 góc nhìn trái ngược, thể hiện 2 thái cực nhận thức về vai trò của các trường tư thục. Nhận thức và ứng xử với trường tư thục như thế nào, kết quả giáo dục gặt hái sẽ như thế đó.
Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua, sẽ tác động và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục, trong đó có hệ thống trường tư thục.
Bên cạnh điểm sáng về quy định học phí trường tư thục, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng khiến không ít trường tư thục tâm tư, lo lắng, băn khoăn về một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu, quyền điều hành của nhà đầu tư đối với trường tư thục, việc thể chế hóa chính sách xã hội hóa giáo dục sáng suốt của Đảng và Nhà nước, cũng như việc quản lý nhà nước đối với trường tư thục.
Trước đề xuất của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Mục đích buổi hội thảo hôm nay là để các trường tư thục, các nhà đầu tư trình bày ý kiến, nguyện vọng và đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách về giáo dục;
Đồng thời đây cũng là cơ hội để các trường trực tiếp lắng nghe ý kiến chia sẻ từ phía ban soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngõ hầu tìm ra tiếng nói chung, thúc đẩy giáo dục tư thục phát triển lành mạnh, thực hiện thành công chủ trương Xã hội hóa giáo dục của Đảng.