Học sinh lớp 9 vật vã học đuổi, phụ huynh xót con không dám kêu

08/05/2022 06:23
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học trễ đương nhiên phải kết thúc chương trình trễ, học trễ mà bắt buộc phải đúng tiến độ thời gian dự kiến ngay từ đầu năm thì chẳng khác gì bắt quả non chín ép.

“Má ơi!” cho con nghỉ học một buổi được không?”, ngạc nhiên vì yêu cầu của con, chị Lan có con đang học lớp 9 hỏi lại: “Con nghỉ học làm gì? Nay đang trong giai đoạn học tăng tốc để tốt nghiệp mà?”.

“Con nghỉ học để ngủ, con mệt mỏi lắm rồi, học suốt ngày còn học cả đêm, con sợ không trụ nỗi nữa!”.

Công văn cấp trên yêu cầu kết thúc chương trình đúng ngày 25/5 (Ảnh tác giả)

Công văn cấp trên yêu cầu kết thúc chương trình đúng ngày 25/5 (Ảnh tác giả)

Chị Lan nói, xót con thật nhưng cũng chỉ biết động viên con cố gắng. Nhiều bạn như thế chứ đâu riêng con mình?

Nói rồi chị kể, cả 3 tuần nay ngày nào con cũng phải học ngày 10 tiết trên trường. Tan học còn phải chạy sô 2 ca học thêm mà không kịp ăn, khi nào về đến nhà cũng 10 giờ đêm là nằm vật xuống giường ngủ lăn mà chẳng thiết ăn uống gì.

Thấy con học hành quá áp lực, gia đình có ý kiến lên nhà trường nhưng được giải thích là học chạy chương trình cho đúng thời gian xét tốt nghiệp của toàn tỉnh là 25/5.

Học sinh quay cuồng học tập chạy thời gian, giáo viên “mở đường” giảm áp lực việc học

Điều đáng nói ở chỗ, dù là học nguyên ngày hay học cả ngày thứ Bảy, nhiều em vẫn phải học thêm. Vì thế, học 10 tiết/ngày đã áp lực cộng với việc học thêm càng khiến học sinh mệt mỏi, thở không ra hơi.

Cũng phải nói thêm rằng, việc học thêm là không bắt buộc nhưng theo một số phụ huynh chia sẻ, họ tình nguyện gửi con đi học thêm 3 môn (Toán, Anh văn, Văn) để thi vào lớp 10 vì học đại trà trên lớp ít có tác dụng.

Anh Hùng một phụ huynh có con học lớp 9 trên địa bàn chia sẻ: “Nhìn con học mà thấy thương, học không có thời gian nghỉ.

Nếu nhà trường xếp lịch học 7 tiết/ngày còn đỡ, đằng này học tới 10 tiết một ngày thấy thương con quá. Xếp lịch học như vậy là vi phạm quy định về dạy 2 buổi của Bộ Giáo dục nhưng vì sợ con bị để ý, bản thân bức xúc nhưng không có ý kiến gì”.

Chị Kiều cũng có con học lớp 9 phàn nàn: “3 tuần nay con em học mỗi ngày 10 tiết còn phải đi học thêm buổi tối để ôn thi. Nó không kịp ăn luôn thấy thương quá! Học gì mà dữ vậy không biết. Định phản ánh mà sợ con bị đì nên thôi”.

Tin nhắn của phụ huynh

Tin nhắn của phụ huynh

Đâu riêng gì phụ huynh, học sinh bức xúc vì phải học nhiều, một số giáo viên cũng cho biết chính thầy cô cũng rất mệt mỏi, quay cuồng dạy suốt ngày mà đêm về còn phải chấm bài, vào điểm, ghi nhận xét…

Thương học sinh, một số giáo viên nói mình không nỡ tạo áp lực bằng việc kiểm tra bài cũ như bình thường. Có giáo viên còn “mở đường” dặn nhỏ kiểu khi nào kiểm tra cô (thầy) sẽ báo trước các em nhớ học bài còn bình thường dành thời gian cho các môn sẽ thi sắp tới.

Vì sao học sinh phải học chạy thời gian?

Nếu năm học mới bắt đầu từ đầu tháng 9 hàng năm thì kết thúc 35 tuần thực học ngày kết thúc chương trình sẽ đúng ngày 25/5, và ngày 31/5 học sinh các cấp sẽ chính thức nghỉ hè.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, học sinh bậc trung học cơ sở toàn tỉnh nhà phải vào học chậm so với quy định khoảng 3 tuần.

Nếu đúng thời gian, học sinh trung học cơ sở sẽ kết thúc năm học cũng sẽ chậm hơn dự kiến khoảng 3 tuần. Nghĩa là, không thể kết thúc năm học đúng ngày 25/5 mà phải sang nửa tháng 6.

Có lẽ không muốn dời lịch, phòng giáo dục địa phương đã yêu cầu các trường học phải hoàn thành chương trình cho học sinh lớp 9 đúng như dự kiến 25/5 nên trường nào cũng tăng tốc để chạy thời gian.

Trường đủ cơ sở vật chất, tổ chức cho học sinh học cả ngày nguyên tuần, mỗi ngày học 10 tiết. Trường không đủ cơ sở vật chất tổ chức cho học sinh lớp 9 học ngày thứ Bảy cũng 10 tiết.

Có nhất định phải ép thời gian kết thúc chương trình?

Học trễ đương nhiên phải kết thúc chương trình trễ, học trễ mà bắt buộc phải đạt đúng tiến độ thời gian dự kiến ngay từ đầu năm thì chẳng khác gì bắt quả non chín ép.

Việc ép thời gian học như phản ánh ở trên chỉ giải quyết được một điều, khung kế hoạch năm học được xây dựng từ đầu không bị xáo trộn. Tuy nhiên, điều mất lớn hơn là học sinh phải chịu áp lực học quá lớn dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng và chất lượng học tập cũng không được đảm bảo.

Khi tâm lý học tập thoải mái thì việc tiếp thu kiến thức của các em mới đạt hiệu quả. Nhưng nếu học hành trong trạng thái áp lực, căng thẳng và mệt mỏi đương nhiên kết quả học tập sẽ không cao, thậm chí còn xảy ra hiện tượng trầm cảm dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và có thể xảy ra những kết cục đau lòng như thời gian vừa qua chúng ta đã thấy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên