“Học là là mặt đất nhưng thi như làm xiếc trên không”, câu nói của nhiều người làm chúng tôi cứ suy nghĩ mãi.
Nhiều năm trước đây, bậc tiểu học, học sinh học gì thi nấy. Khi ra đề kiểm tra giữa và cuối học kỳ, giáo viên hệ thống những kiến thức trọng tâm đã học để kiểm tra học sinh.
Mặc dù thế, để phân loại thầy cô cũng lưu ý một vài câu hỏi (khoảng 2 câu là nhiều) khá khó dành cho học sinh giỏi.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Mạnh Linh / TTXVN. |
Những học sinh trung bình sẽ đạt mức 5-6 điểm, học sinh khá đạt 7-8 điểm. Học sinh giỏi thật sự sẽ đạt từ 9-10 điểm.
Vài năm trở lại đây, ngành giáo dục áp dụng ra đề theo Thông tư 22 /2016/TT-BGDĐT thì việc học của học sinh tiểu học trở nên áp lực hơn nhiều. Tại yêu cầu ra đề theo Thông tư 22 quá cao hay tại cách hiểu của nhiều thầy cô giáo nên mới dẫn đến tình trạng gây áp lực lớn cho học sinh đến thế?
Thông tư 22 /2016/TT-BGDĐT quy định đề kiểm tra ra theo 4 mức độ
Thông tư 22 bổ sung quy định ra đề kiểm tra định kỳ kết quả học tập các môn học trên đây căn cứ vào yêu cầu môn học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng theo bốn mức độ thay vì ba mức độ như Thông tư 30. Cụ thể:
Đề kiểm tra định kỳ phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:
- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kỹ năng đã học.
- Mức 2: Hiểu kiến thức, kỹ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân
-Mức 3: Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống.
Mức 4: Vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sông một cách linh hoạt.
Từng cấp độ quy định thế nào?
Nhận biết (Biết): Nhận biết có thể được hiểu là học sinh nêu hoặc nhận ra các khái niệm, nội dung, vấn đề đã học khi được yêu cầu.
(Tóm lại học sinh nhận thức được những kiến thức đã nêu trong sách giáo khoa)
Thông hiểu (Hiểu): Học sinh hiểu các khái niệm cơ bản, có khả năng diễn đạt được kiến thức đã học theo ý hiểu của mình và có thể sử dụng khi câu hỏi được đặt ra tương tự hoặc gần với các ví dụ học sinh đã được học trên lớp.
Vận dụng(Vận dụng trực tiếp): Học sinh vượt qua cấp độ hiểu đơn thuần và có thể sử dụng, xử lý các khái niệm của chủ đề trong các tình huống tương tự nhưng không hoàn toàn giống như tình huống đã gặp trên lớp.
Vận dụng ở mức độ cao hơn: Học sinh có khả năng sử dụng các khái niệm cơ bản để giải quyết một vấn đề mới hoặc không quen thuộc chưa từng được học hoặc trải nghiệm trước đây, nhưng có thể giải quyết bằng các kỹ năng và kiến thức đã được dạy ở mức độ tương đương.
Những căn cứ để xác định mức độ nhận thức
Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình tiểu học:
Kiến thức nào trong chuẩn ghi là biết được thì xác định ở mức độ “biết”;
Kiến thức nào trong chuẩn ghi là “hiểu được” và có yêu cầu giải thích, phân biệt, so sánh,… dựa trên các kiến thức trong sách giáo khoa thì được xác định ở mức độ “Hiểu”
Kiến thức nào trong chuẩn ghi ở phần kĩ năng hoặc yêu cầu rút ra kết luận, bài học…thì xác định là mức độ “vận dụng”.
Những kiến thức, kỹ năng kết hợp giữa phần “hiểu được” và phần “kỹ năng” được thiết kế, xây dựng,… trong những hoàn cảnh mới thì được xác định ở mức độ “ vận dụng nâng cao”.
Lưu ý: Kiến thức nào trong chuẩn ghi là “hiểu được” nhưng chỉ yêu cầu nêu, kể lại, nói ra… ở mức độ nhớ, thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa thì vẫn xác định ở mức độ “Biết”;
Những kiến thức, kĩ năng kết hợp giữa phần “biết được” và phần “kĩ năng” làm được… thì có thể được xác định ở mức độ “vận dụng”.
Thông tư 22 quy định rõ ràng từng mức độ như thế nhưng kiến thức vẫn không vượt ra ngoài Chuẩn kiến thức kĩ năng. Phải chăng tạo áp lực cho học sinh lại chính là các thầy cô đang hiểu sai những quy định của thông tư?
Giáo viên có hiểu sai tinh thần chỉ đạo của Thông tư 22 và quan trọng hóa vấn đề?
Ví dụ đề kiểm tra cuối năm lớp 1:
Đề mẫu minh họa của Thông tư 22 cho mức 3 và mức 4 chỉ thế này:
Mức 3: Câu 7 (1,0 điểm). Viết các số 51 011; 51 110; 51 101; 51 001 theo thứ tự từ bé đến lớn là:
Câu 8 (1,0 điểm). Bảy bạn học sinh được thưởng 56 quyển vở. Biết mỗi học sinh đều được thưởng bằng nhau. Hỏi 23 bạn học sinh thì được thưởng bao nhiêu quyển vở?
Câu 9 (1,0 điểm). Viết tiếp vào chỗ chấm cho thích hợp:
Một miếng bìa hình chữ nhật có chiều rộng 8cm, chiều dài gấp 3 lần chiều rộng. Tính diện tích miếng bìa đó.
Trả lời. Miếng bìa có diện tích là:...................................
Mức 4: Câu 10 (1,0 điểm). Ba đội công nhân có tất cả 472 người. Đội 1 và đội 2 có tất cả 290 người. Đội 2 và đội 3 có tất cả 336 người. Tính số người của đội 1 và đội 3 ?
Thế nhưng khi ra đề kiểm tra cuối năm lớp 3 có trường đã ra thế này:
Mức 3: Câu 7: Viết biểu sau thành tích 2 thừa số rồi tính giá trị của biểu thức đó:
a) 15 x 5 + 3 x 5 + 5 x 2 – 10 x 5; b) (24 + 6 x 5 + 6 ) – (12 + 6 x 3)
Câu 8: Bạn An viết dãy số: 1, 0, 0, 1, 0, 0, 1, 0, 0, 1... (Bắt đầu là số 1, tiếp đến 2 số 0 rồi lại đến số 1, ...) Hỏi:
a. Số hạng thứ 31 là số 1 hay số 0?
b. Khi viết đến số hạng thứ 100 thì ta viết bao nhiêu số 1, bao nhiêu số 0?
Mức 4: Câu 4: Một quãng đường AB dài 102 km. Ở A có cột mốc ghi số 0 km là cột mốc thứ nhất và cứ sau 1 km lại có một cột mốc lần lượt ghi 1km, 2km ... đến B cây cột mốc ghi số 102 km. Hỏi có bao nhiêu cột mốc trên quãng đường AB? Cột mốc chính giữa quãng đường AB là cột mốc thứ mấy và ghi số nào?
Có trường còn ra nhiều bài toán khó hơn thế nữa.
Vì sao đề khó nhưng nhiều học sinh làm được?
Theo chỉ đạo, giáo viên phải dạy toán nâng cao lồng ghép trong các tiết toán chính khóa và các tiết toán bổ sung. Giáo viên làm mẫu, giảng đi giảng lại nhiều lần. Học chán ở trường, tối về đi học thêm để được học lại, làm lại.
Ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần kia đến thuộc lòng cách làm. Thế nên khi ra đề kiểm tra gặp những dạng này nhiều em đã làm một cách chính xác nhưng nếu hỏi vì sao lại làm thế sẽ chẳng nhiều em trả lời được.
Đây cũng chính là nguyên nhân để học sinh phải học ngày không đủ tranh thủ học đêm. Học đến mệt lử chẳng còn thời gian nào để thư giãn nữa.
Giảm áp lực học tập cho học sinh, đã đến lúc cần thống nhất lại cách ra đề theo Thông tư 22 ở các trường, các địa phương tránh tình trạng học dưới mặt đất thi vọt lên trời gân khó cho học sinh như hiện nay.