Học sinh lớp 1 đi học trở lại, có thầy cô không biết phải dạy từ đâu

19/02/2022 07:11
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau tất cả nỗ lực của cả trường, giáo viên cũng cần biết chấp nhận thực tại để không đòi hỏi quá cao ở học sinh, sẽ tạo ra áp lực cho chính mình và chính các em.

Sau niềm vui háo hức được trở lại trường, giáo viên đặc biệt là những thầy cô giáo lớp 1 phải đối mặt với khá nhiều áp lực vì chất lượng học tập của học sinh thật sự giảm sút.

Giáo viên bất ngờ với chất lượng thật

Sau những giây phút làm quen giữa cô và trò, giáo viên bắt đầu thực hiện bài khảo sát nhỏ để đánh giá chất lượng và phân loại học sinh giúp cho việc dạy và phụ đạo trực tiếp đạt hiệu quả hơn.

Giáo viên lớp 1 luôn là người vất vả nhất (Ảnh do tác giả cung cấp)

Giáo viên lớp 1 luôn là người vất vả nhất (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cô giáo Thiên Trang, giáo viên một trường tiểu học tại thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) nói rằng, lớp mình hiện có những em không biết đọc, đến một số âm vần cũng không nắm được nên không biết phải dạy thế nào.

Cô giáo Minh Anh tại thị xã La Gi cũng chia sẻ, điều ngạc nhiên là những clip gia đình quay gửi cô, lúc nào cũng thấy các bé đọc trơn tru, đọc vanh vách. Có bé viết khá đẹp. Tuy nhiên, vào dạy trực tiếp mới phát hiện rằng, có bé chủ yếu là đọc vẹt. Phải là người có kinh nghiệm mới nhìn ra.

Còn cô giáo Yến Nhi thì cho biết, có học sinh cứ đòi cô cho về nhà viết mà nhất định không chịu viết trên lớp. Tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ, bé đưa nét bút chưa vững nên chữ viết nguệch ngoạc, khác xa với những bài viết mà gia đình chụp ảnh gửi cho cô trước đó.

Có đôi chút phân vân, tò mò, cô giáo hỏi học sinh, vì sao lúc trước con viết đẹp mà bây giờ lại viết xấu thế?. Cô giáo khá bất ngờ với câu trả lời của học trò, viết bài ở nhà, con luôn được mẹ cầm tay.

Không biết phải dạy bắt đầu từ đâu?

Mặc dù học sinh lớp 1 tại nhiều trường học ở Bình Thuận đã học hết tuần 16 nhưng không ít giáo viên cho biết, ngay tại thời điểm này, không biết phải dạy học sinh bắt đầu từ đâu.

Có giáo viên giải thích, dạy lại từ đầu cũng khó mà dạy tiếp kiến thức cũng không xong. Trong lớp, đâu chỉ dạy những học sinh này mà còn vài chục học sinh khác.

Dạy lại kiến thức, những học sinh đã đọc thông viết thạo ngồi nghe sẽ rất chán và không muốn học. Mà dạy tiếp kiến thức, học sinh yếu kém sẽ chẳng biết gì.

Với học sinh yếu, khi dạy giáo viên phải ngồi gần bên hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên mới mong tiến bộ.

Trước thực trạng trên, một số đồng nghiệp của người viết nói rằng, không biết phải dạy bắt đầu từ đâu?

Kiến thức lớp 1 nặng, nhiều học sinh tiếp thu bài rất khó khăn

Năm học 2021-2022 là năm học thứ 2 học sinh lớp 1 học theo chương trình mới. Chương trình và sách giáo khoa lớp 1 đã được đánh giá nặng hơn chương trình và sách giáo khoa năm 2000.

Do kiến thức nặng nên học sinh lớp 1 đã tiếp thu khá khó khăn. Ngoài việc học 2 buổi trên trường, tối về nhiều phụ huynh vẫn phải tìm giáo viên dạy phụ đạo cho con mới mong tiếp thu được kiến thức.

Dạy và học trực tiếp còn thế, vậy mà gần học kỳ 1 năm học này, học sinh lớp 1 không được đến trường.

Mặc dù nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp giảng dạy như dạy online, dạy trên zalo, gửi bài qua tin nhắn, photo tài liệu gửi về nhà… nhưng chất lượng học tập của học sinh lớp 1 hiện nay thật sự đáng lo ngại.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, lứa học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 (học chương trình và sách giáo khoa mới) là những đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi trong học tập nhất.

Giải pháp nào giúp học sinh lớp 1 lấp lỗ hổng kiến thức?

Thứ nhất, giáo viên phân loại học sinh theo lực học một cách cụ thể. Ví như học sinh A. yếu môn Tiếng Việt, học sinh B. lại yếu về môn Toán.

Buổi học chính khóa, những học sinh yếu kém vẫn học chung với cả lớp. Giáo viên thực hiện việc dạy phân hóa theo nhóm các đối tượng.

Thứ hai, tổ chức dạy học sinh riêng cho học sinh yếu kém vào những tiết dạy tăng thêm (chú ý đến môn học yếu). Được học chung với những bạn có trình độ như mình, những học sinh này sẽ bớt mặc cảm mà tự tin hơn trong việc học.

Thứ ba, trao đổi với phụ huynh về lực học của các em và yêu cầu sự phối hợp giáo dục.

Thứ tư, sự vào cuộc của nhà trường trong việc vận động giáo viên nghỉ tiết dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh.

Sau tất cả sự nỗ lực của cả trường, giáo viên cũng cần biết chấp nhận thực tại để không đòi hỏi quá cao ở học sinh, sẽ tạo ra áp lực cho chính mình và chính các em.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết