LTS: Bày tỏ suy nghĩ trước thông tin học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 đạt loại giỏi mới được xét tuyển vào ngành y, nhà giáo Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 tại tỉnh Tây Ninh mới đây, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra thông tin về quy chế tuyển sinh năm 2019 nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề:
Căn cứ kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xác định ngưỡng xét tuyển. Và, xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Trước thông tin trên, nhiều học sinh có lực học khá đang có ý định thi ngành y rất hoang mang, thất vọng.
Nhiều người lo lắng trước thông tin có học lực lớp 12 loại giỏi mới được xét tuyển ngành y (Ảnh minh họa: sggp.org.vn). |
Nhiều thầy cô giáo cũng lo lắng cho ngành y (ngành chữa bệnh cứu người) sẽ không tuyển được những học sinh giỏi nhất như từ trước tới nay họ vẫn tuyển.
Nếu yêu cầu này được thông qua sẽ là một sai lầm lớn
Một số ý kiến của chính giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết, nếu tuyển học sinh có lực học giỏi vào ngành y sẽ không công bằng cho các em.
Đưa ra thông tin học sinh giỏi lớp 12 mới được xét tuyển ngành y là bất cập. Y là giỏi chuyên môn chứ đâu phải giỏi hết các môn?
Có giáo viên cho biết, tôi đã đi dạy được 20 năm, tôi không nhất trí với đề xuất này vì: có nhiều học sinh xếp loại khá nhưng lực học tốt hơn học sinh giỏi.
Có nhiều em tổng kết trung bình 8.5 nhưng chỉ vì 1 môn nào đó được 6.4 điểm em đó đã bị xếp loại khá rồi. Nhưng có em điểm trung bình chỉ 8.0 mà được xếp loại giỏi.
Có người còn khẳng định, học sinh giỏi chưa chắc đã làm được bác sĩ giỏi. Cùng một bộ não, nhưng một học sinh giỏi 3 môn với giỏi 10 môn chắc ai cũng hiểu là độ sâu kiến thức là hoàn toàn khác nhau.
Tại sao những học sinh giỏi cứ đổ xô đi học ngành y hay công an, quân đội? |
Ngành Y rất cần tính chuyên môn đặc thù, vì vậy chúng tôi rất mong ngành giáo dục đừng đưa ra đề xuất phải là học sinh giỏi mới được xét tuyển ngành Y.
Tôi tin chắc nếu căn cứ vào điều kiện phải là học sinh giỏi lớp 12 thì khi vào ngành Y đến lúc ra trường còn lại chưa được 50% học sinh tốt nghiệp.
Nói chuyện này lại nhớ cô bé học trò cũ tên Uyên, 12 năm liền em đạt học sinh giỏi.
Kì thi đại học vừa qua, em không tự tin thi vào Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh mà đăng kí thi Đại học Y Cần Thơ. Tổng cộng 3 môn thi Toán, Hóa, Sinh em đạt 21 điểm.
Trong khi cậu học trò tên Lâm cùng lớp luôn xếp học lực Trung bình hoặc Khá, thế nhưng 3 môn thi đại học đạt 28.5 điểm đỗ thẳng Trường Đại học Y Dược thành phố.
Chẳng nói lý do ai cũng biết, cô bé kia môn nào cũng tổng kết trên 8.5, có những môn như Thể dục, An ninh quốc phòng, Tin học tổng kết 9.5.
Một số môn thuộc bài như Sử, Địa, Giáo dục công dân có môn tổng kết gần 10 chấm. Nhưng ba môn Toán, Hóa Sinh chỉ đạt 8.0 - 8.2 điểm tổng kết.
Ngược lại, cậu học trò tên Lâm, ngoài 3 môn Toán, Hóa Sinh đạt điểm gần tuyệt đối 9.8; 9.9 và 10 thì những môn còn lại ngấp nghé điểm yếu như môn Sử, Địa chỉ đạt 5.0, môn An ninh quốc phòng chỉ đạt 6.0.
Lâm luôn nói với mọi người chỉ đầu tư công sức thời gian học thật giỏi 3 môn thi đại học. Những môn còn lại chỉ học để khỏi bị điểm liệt.
Thầy Lê Quốc Trung - Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang cho biết:
“Việc học là cả một quá trình phấn đấu. Ai bảo lớp 1 học lực khá thì vào đại học dù là y khoa không đạt kết quả tốt?
Học sinh xếp loại khá nhưng 3 môn Toán, Hóa, Sinh là giỏi hoàn toàn có thể đỗ y khoa và học tốt. Ngược lại, việc học giỏi 3 môn Toán, Hóa, Sinh còn chưa chắc đảm bảo là một bác sĩ giỏi.
Quan trọng là chất lượng giảng dạy ở đại học, đánh giá, kiểm tra trong quá trình, siết chất lượng đầu ra chứ không phải chỉ ra cái văn bản hành chính siết đầu vào chỉ để hạn chế số lượng.
Ngoài ra, khi quy định này thông qua, học sinh có lực học giỏi mới vào trường y, lúc đó một hệ lụy tiêu cực sẽ xảy ra.
Nhà trường và các cấp quản lý sẽ chạy đua vũ trang, tạo điểm số lỏng…cho con em địa phương mình loại giỏi.
Lúc đó, có khi nông thôn sẽ loại giỏi nhiều hơn thành thị, trường làng sẽ nhiều loại giỏi hơn trường chuyên. Và sẽ có quá nhiều trò giỏi…dởm được tuyển”.
Một quy định hành chính sẽ tác động đến nhiều người. Quy định tốt sẽ làm nhiều con người hạnh phúc, thành công, làm xã hội thêm văn minh, tiến bộ…và ngược lại, quy định sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả, có khi giết chết nhiều ước mơ và khát vọng của nhiều người.