Sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Việt Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng và yêu cầu ngày càng cao của ngành, nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không chú trọng đổi mới chương trình và ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy. Điều này nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hàng không.
Cơ sở giáo dục cải tiến chương trình đào tạo để bắt kịp xu thế phát triển của ngành
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Văn Thuần - Trưởng khoa, Khoa Kỹ thuật Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tại trường đã có nhiều điều chỉnh và đổi mới để bắt kịp sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không trong nước và quốc tế.
Trước hết, nội dung đào tạo của trường được cập nhật theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế như Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), giúp sinh viên tốt nghiệp có nền tảng vững chắc khi làm việc trong môi trường hàng không toàn cầu.
Nhà trường triển khai chương trình đào tạo tích hợp chứng chỉ nghề ATO (Approved Training Organization) được CAAV công nhận, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có lợi thế lớn khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp bảo dưỡng và vận hành hàng không.
Trường cũng tăng cường đào tạo thực hành thông qua việc đầu tư vào phòng thí nghiệm, xưởng bảo dưỡng máy bay, các mô hình mô phỏng tiên tiến. Đặc biệt, ứng dụng thực tế ảo (VR) được ứng dụng trong đào tạo bảo dưỡng, cho phép sinh viên thực hành trong môi trường kỹ thuật số trước khi tiếp xúc với hệ thống thực tế.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không được thiết kế linh hoạt hơn, bổ sung các môn học về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo trì máy bay, tự động hóa trong hàng không và kỹ thuật vật liệu tiên tiến.
Ngoài ra, xu hướng số hóa trong đào tạo cũng được đẩy mạnh với các phần mềm mô phỏng kỹ thuật, hệ thống e-learning trong bảo trì và giám sát máy bay, giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn. Những đổi mới này không chỉ giúp chương trình đào tạo theo kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên tốt nghiệp khi bước vào thị trường lao động.
Đồng thời, nhà trường đã mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đào tạo kỹ thuật hàng không tại Pháp và Trung Quốc như: Trường kỹ thuật ESTACA (Pháp), Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp - ENAC, Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAFUC). Những chương trình hợp tác này giúp sinh viên tiếp cận các phương pháp đào tạo tiên tiến, tham gia dự án nghiên cứu chung và có cơ hội trao đổi học tập với các nước có nền hàng không phát triển.

Theo Tiến sĩ Lưu Văn Thuần, Học viện Hàng không Việt Nam có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm hangar, 4 tàu bay thực hành, xưởng động cơ, mô phỏng bảo dưỡng, giúp sinh viên có điều kiện học tập thực tế.
Mặt khác, đội ngũ giảng viên ngành Kỹ thuật Hàng không của trường được đào tạo ở nước ngoài, nhiều người từng làm việc tại các hãng hàng không và trung tâm bảo trì tàu bay giúp sinh viên được tiếp cận kiến thức thực tiễn, kỹ năng nghề nghiệp sát với yêu cầu doanh nghiệp và xu hướng của ngành công nghiệp hàng không hiện đại.
Ngoài ra, học viện có mạng lưới hợp tác rộng lớn với các doanh nghiệp hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ thuật Máy bay (VAECO), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Máy bay Hồng Kông (HAECO), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các sân bay lớn như sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất nhằm tạo cơ hội thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên.
Học viện còn hợp tác với CTUAV, thành viên của Tập đoàn CT Group, là một trong những đơn vị tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực máy bay không người lái, mở ra cơ hội nghiên cứu và ứng dụng UAV trong lĩnh vực hàng không dân dụng và quốc phòng.
Tuy nhiên, nhà trường cũng đang đối mặt với không ít thách thức, trong đó có sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các chương trình đào tạo quốc tế và yêu cầu nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, năm 2023 đánh dấu giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không, thu hút sự quan tâm trở lại từ học sinh và các doanh nghiệp đối tác đối với nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này.
Công nghiệp hàng không giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam liên tục nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không cao nhất thế giới. Việc đầu tư xây dựng các cảng hàng không quốc tế như sân bay Long Thành, mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất... là minh chứng rõ nét cho nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hàng không.
Trên cơ sở đó, Trường Đại học Văn Lang xác định phát triển mạnh mẽ các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có lĩnh vực hàng không. Năm 2023, trường đã mở và tuyển sinh ngành Kỹ thuật Hàng không. Nhà trường đã chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực để đầu tư bài bản, từng bước nâng cao năng lực đào tạo trong lĩnh vực mũi nhọn này.
Ngành Kỹ thuật Hàng không tận dụng được nhiều ưu thế về hệ sinh thái khoa học công nghệ của trường như hệ thống phòng thí nghiệm về cơ điện tử, điện - điện tử, kỹ thuật cơ khí, mô hình máy bay, động cơ và các công nghệ hiện đại, đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm thực tế ảo...
Ngay từ năm nhất, sinh viên đã được tiếp cận thực hành tại các phòng lab với thiết bị hiện đại và phần mềm mô phỏng chuyên dụng. Công nghệ thực tế ảo mang đến trải nghiệm học tập trực quan, giúp sinh viên quan sát chi tiết và tương tác với toàn bộ hệ thống của một chiếc máy bay, thậm chí có thể “bước ra ngoài không gian” để khám phá cấu trúc và cơ chế hoạt động của một trạm vũ trụ. Đây là một bước tiến trong đào tạo, tạo tiền đề vững chắc cho người học trước khi tiếp cận thực tế tại các doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tại nhà trường có hai định hướng chuyên sâu, bao gồm Bảo dưỡng hàng không (cử nhân) và Khoa học hàng không (kỹ sư).
Với định hướng chuyên sâu về Bảo dưỡng hàng không, trường đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo về bảo dưỡng được cấp phép để đào tạo các chứng chỉ năng định được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn. Điều này giúp sinh viên trong khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học có thể rút ngắn thời gian học thêm các chứng chỉ năng định, có điều kiện tốt hơn để mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, Kỹ thuật Hàng không là ngành học liên quan đến nhiều lĩnh vực như khí động học, động cơ, vật liệu, hệ thống điều khiển, an toàn bay… Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường đã tận dụng lợi thế đang đào tạo nhiều ngành công nghệ và kỹ thuật liên quan để thiết kế một lộ trình học tích hợp, giúp sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không được tiếp cận kiến thức đa lĩnh vực. Đồng thời, chương trình vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chí và tiêu chuẩn quốc tế, nhằm trang bị cho sinh viên nền tảng vững chắc để có thể làm việc cả môi trường trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, nhà trường cũng mời các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo về hàng không tham gia phát triển ngành.
Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, cũng như bất kỳ ngành học nào khi mới ra đời ở các cơ sở giáo dục, ngành Kỹ thuật Hàng không tại nhà trường cũng gặp không ít thách thức trong việc thu hút người học. Do đó, nhà trường chú trọng công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp để đưa thông tin đầy đủ, rõ ràng nhất đến với thí sinh.
Đặc biệt, khối ngành công nghệ - kỹ thuật vốn là một trong những khối ngành khó học, nhà trường tuyển sinh thường ít hơn các ngành và lĩnh vực khác. Ngành Kỹ thuật Hàng không lại càng khó hơn do tính chất chuyên môn cao và yêu cầu khắt khe về kiến thức, kỹ năng.
Mặt khác, yêu cầu đối với giảng viên và chuyên gia đào tạo trong ngành này phải có trình độ cao. Đội ngũ này không chỉ cần có nền tảng lý thuyết vững chắc mà còn phải có kinh nghiệm thực tế trong ngành hàng không.

Cơ hội làm việc đa quốc gia, nhưng cần chú trọng ngoại ngữ
Trưởng khoa, Khoa Kỹ thuật Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam cho hay, mức lương của cử nhân ngành Kỹ thuật Hàng không phụ thuộc vào vị trí công việc, kinh nghiệm và chứng chỉ nghề nghiệp.
Tại Việt Nam, mức lương khởi điểm của kỹ sư bảo dưỡng tàu bay hoặc kỹ sư kỹ thuật tại các hãng hàng không, trung tâm bảo trì dao động từ 12 - 20 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 3 - 5 năm làm việc, thu nhập có thể tăng lên mức 25 - 40 triệu đồng/tháng. Đối với những kỹ sư làm việc tại các hãng hàng không quốc tế hoặc tập đoàn lớn như Boeing, Airbus, mức lương có thể lên tới 50 - 100 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn tùy năng lực và vị trí đảm nhiệm.
Để làm tốt công việc trong lĩnh vực này, sinh viên cần có tính kỷ luật cao, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh chóng và khả năng làm việc nhóm. Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành là yếu tố quan trọng giúp sinh viên tiếp cận tài liệu quốc tế và làm việc trong môi trường đa quốc gia.
Ngoài ra, tinh thần học hỏi liên tục và khả năng thích nghi với công nghệ mới sẽ giúp sinh viên bắt kịp xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành hàng không.
Để trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết, ngoài các chương trình thực tập, nhà trường cũng tổ chức hội thảo chuyên ngành, các buổi nói chuyện với chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, giúp sinh viên cập nhật công nghệ mới và kết nối với nhà tuyển dụng tiềm năng. Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên tham gia những cuộc thi nghiên cứu khoa học và dự án công nghệ, qua đó rèn luyện kỹ năng thực hành và làm việc nhóm.

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho hay, Kỹ thuật Hàng không là một ngành kỹ thuật công nghệ điển hình, yêu cầu cần có là sinh viên cần cảm thấy hứng thú, thoải mái khi học khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Khoa học công nghệ, Công nghệ thông tin… Đồng thời, những bạn yêu thích việc thao tác với máy móc, mô hình, đam mê khám phá công nghệ và thiết bị mới sẽ có lợi thế khi theo đuổi ngành này.
Ngành Kỹ thuật Hàng không sẽ trang bị cho người học nền tảng kiến thức rộng và toàn diện về kỹ thuật, bao gồm các chuyên môn về khí động lực học, vật liệu và kết cấu, cơ học bay và điều khiển, hệ thống lực đẩy, động cơ và tư duy thiết kế kỹ thuật.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết, ngành Kỹ thuật Hàng không là lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và định hướng phát triển dài hạn. Trong tương lai, Trường Đại học Văn Lang xác định hai hướng phát triển song song cho ngành học này. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm (lab) tiên tiến, đồng bộ nhằm trang bị cho sinh viên khả năng tiếp cận các công nghệ hiện đại, kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu kỷ nguyên số.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc sớm với môi trường làm việc thực tế. Qua đó, người học được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
Anh Đào Đức Hải Ninh - cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không (khóa 3), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, hiện đang là kỹ sư bảo dưỡng tàu bay tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ thuật Máy bay chia sẻ: “Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, tỷ lệ cạnh tranh việc làm trong lĩnh vực Kỹ thuật Hàng không hiện nay cũng ngày càng tăng.
Theo tôi tìm hiểu, trước đây, sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật vẫn có thể ứng tuyển vào vị trí công việc kỹ thuật trong ngành hàng không. Tuy nhiên, với sự mở rộng của nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về hàng không của trường đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hàng không cũng gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ sinh viên các ngành kỹ thuật mà ngay cả cử nhân/kỹ sư ngành Kỹ thuật Hàng không cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh cao để có vị trí việc làm tốt trong ngành hàng không”.

Theo anh Hải Ninh, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không có mức lương khởi điểm khá hấp dẫn so với các ngành kỹ thuật khác. Tuy nhiên, để đạt được mức lương này, người học phải trải qua quá trình đào tạo không hề dễ dàng. Hàng không là một ngành đặc thù, yêu cầu người học, người làm việc trong lĩnh vực này không chỉ học lý thuyết mà còn phải thực hành và thi để đạt được các chứng chỉ.
Đặc biệt, mỗi chứng chỉ là một yếu tố quan trọng trong công việc, quyết định trực tiếp đến mức lương. Nếu không duy trì được chứng chỉ, người học sẽ phải học lại, trong một số trường hợp đặc biệt, người học có thể không được cấp lại chứng chỉ đó nữa.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không sẽ được trang bị một nền tảng kiến thức vững chắc trong quá trình học đại học. Tuy nhiên, những kiến thức này đôi khi vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế công việc của doanh nghiệp. Để đáp ứng được công việc, người học cần liên tục học hỏi và cập nhật thêm những kiến thức chuyên sâu về sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay khi gia nhập ngành.
Ngoài ra, để thích ứng với ngành Kỹ thuật Hàng không nói riêng và hay các ngành học khác nói chung, người học cần có tư duy cầu tiến và thái độ nghiêm túc với công việc. Ngành Kỹ thuật Hàng không đặc biệt yêu cầu sự học hỏi liên tục, vì vậy nếu chưa sẵn sàng và không duy trì tinh thần cầu tiến xuyên suốt, người học sẽ khó có thể theo kịp với những yêu cầu ngày càng cao của công việc cũng như ngành hàng không.