Nhu cầu nhân lực ngành hàng không tăng cao, CSGDĐH tích cực cải tiến đào tạo

Nhu cầu nhân lực ngành hàng không tăng cao, CSGDĐH tích cực cải tiến đào tạo

07/12/2024 09:15
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhằm giải quyết vấn đề về nhân lực trong ngành hàng không cần triển khai chính sách đồng bộ, tập trung vào đào tạo, hợp tác quốc tế và kết nối doanh nghiệp.

Ngày 7/12 - ngày Hàng không Dân dụng Quốc tế, viết tắt là ICAD (International Civil Aviation Day) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố vào năm 1996. Mục đích của ngày này là công nhận được tầm quan trọng của ngành hàng không, đặc biệt là hàng không quốc tế.

Việt Nam là 1 trong những quốc gia đang phát triển mạnh mẽ về hàng không. Điều này cũng kéo theo đòi hỏi lớn về nguồn nhân lực.

Trong đó, có một số trường đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực hàng không như Học viện Hàng không Việt Nam; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đào tạo chuyên ngành Cơ khí hàng không; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không...

Nguồn nhân lực hàng không chưa đáp ứng được hoàn toàn tốc độ phát triển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy hoạch cảng hàng không sân bay được Chính phủ phê duyệt, số cảng hàng không sẽ tăng từ 22 lên 30 vào năm 2050. Điều này làm tăng nhu cầu nhân lực hàng không lên 50% so với hiện nay, từ khoảng 50.000 người lên 75.000 người vào năm 2027.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức của các đơn vị đào tạo, vì yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn lao động. Ngoài ra, ở Việt Nam không có nhiều trường đào tạo về hàng không, dẫn đến việc cung không đủ cầu.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): “Hàng loạt dự án mở rộng sản xuất và nâng cấp hạ tầng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều mảng thuộc lĩnh vực hàng không như kỹ thuật bảo dưỡng, quản lý vận hành, thiết kế và chế tạo linh kiện hàng không.

Mặc dù vậy, nguồn nhân lực trong nước chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng này. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư có tay nghề cao, chuyên gia về bảo trì, vận hành và thiết kế máy bay.

Đặc biệt, các vị trí kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực cơ khí hàng không thường yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế nhưng nguồn cung cấp nhân lực chất lượng còn hạn chế".

Đề cập đến thuận lợi khi đào tạo Cơ khí hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung, thầy Hiếu chia sẻ, sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam tạo động lực cho các trường đại học phát triển các chương trình đào tạo. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh chiến lược phát triển hạ tầng hàng không.

Đồng thời, các doanh nghiệp hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways... quan tâm đến việc hợp tác đào tạo nhân lực với các trường đại học. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam.

Do đó, sinh viên ngành hàng không có nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Universal Alloy Corporation Vietnam (UACV)... và các hãng hàng không như VietJet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways...

Bên cạnh những điểm thuận lợi trên, việc đào tạo ngành hàng không phải đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất là hạn chế về cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật. Ngành hàng không yêu cầu cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, mô hình máy bay và thiết bị mô phỏng.

Nhiều trường đại học Việt Nam trong đó có Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vẫn đang gặp khó khăn trong việc đầu tư các thiết bị này. Các phòng thí nghiệm và thiết bị thực hành chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu.

Thứ hai là thiếu hụt đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực tế. Số lượng giảng viên có trình độ cao trong ngành hàng không còn hạn chế, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực như thiết kế, sản xuất và bảo trì máy bay. Việc đào tạo chuyên sâu hoặc gửi giảng viên ra nước ngoài cần thời gian và kinh phí lớn.

Ngoài ra, hiện tượng "chảy máu chất xám" cũng là vấn đề không nhỏ. Nhiều nhân lực chất lượng cao sau khi được đào tạo đã lựa chọn làm việc tại nước ngoài do các chính sách đãi ngộ hấp dẫn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực trong nước.

Các cơ sở giáo dục đại học tích cực cải tiến chương trình đào tạo

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng cho biết, để đáp ứng đòi hỏi về lực lượng lao động cho ngành hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam đang mở rộng quy mô đào tạo.

Dự kiến, từ năm 2025, hàng năm học viện đào tạo và cung cấp cho ngành hàng không từ 3.000 đến 4.000 lao động trình độ từ cao đẳng đến sau đại học, hàng nghìn nhân viên hàng không trình độ trung và sơ cấp về an ninh hàng không, quản lý không lưu.

Học viện Hàng không Việt Nam từng bước mở rộng các chương trình dạy bằng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Nhà trường cũng lược bỏ thời lượng một số môn không còn phù hợp, nặng về lý thuyết, bổ sung thêm các môn thực hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời Học viện Hàng không Việt Nam kết hợp với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các công ty vận tải và dịch vụ hàng không… mở rộng đối tượng và quy mô đào tạo nhân lực theo hình thức xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trên toàn quốc, đặc biệt là các vùng xa xôi như miền núi và hải đảo.

Còn tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng triển khai nhiều chiến lược đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo Cơ khí hàng không.

Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo được thiết kế bài bản tham khảo từ các trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới, tập trung vào kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm.

Điều này đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực để làm việc tại các doanh nghiệp mà không cần hoặc ít đào tạo lại.

Thứ hai, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại. Nhà trường đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm với thiết bị hiện đại như máy CNC, máy in 3D, máy đo tọa độ (CMM) và phần mềm chuyên dụng như ANSYS, CATIA, Mastercam.

Những công cụ này giúp sinh viên thực hành hiệu quả và phát triển kỹ năng thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hỗ trợ nhà trường trong xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ thực hành….

Thứ ba, hợp tác doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) duy trì quan hệ đối tác với các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, trường đại học ở nước ngoài. Sinh viên có cơ hội tham gia thực tập, nghiên cứu thực tế và tiếp cận các công nghệ tiên tiến thông qua các dự án hợp tác

Thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Nhà trường tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên thông qua việc cử đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế và hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia trong ngành.

Đồng thời, khuyến khích giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong ngành hàng không chia sẻ kiến thức và kỹ năng thực tiễn cho sinh viên.

Thứ năm, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thiết kế linh kiện hàng không và tối ưu hóa hiệu suất máy bay. Các sản phẩm nghiên cứu này vừa phục vụ mục đích học thuật vừa có khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

"Những chiến lược này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo cơ hội cho sinh viên phát triển toàn diện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu khắt khe của ngành hàng không trong nước và quốc tế" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là 1 trong số những cơ sở đào tạo ngành liên quan đến lĩnh vực hàng không đó là ngành Kỹ thuật hàng không. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, ngành Kỹ thuật hàng không đã được giảng dạy từ năm 1996 và được kiểm định bởi các tổ chức uy tín ở châu Âu, ví dụ như Uỷ ban chức danh Kỹ sư (CTI - Commission des Titres d'Ingénieur) của Pháp.

Không chỉ riêng ngành Kỹ thuật hàng không mà các ngành học khác tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đều được thiết kế theo hướng đào tạo kỹ thuật gắn với thực tế, kết hợp lý thuyết với thực hành, nhằm đào tạo những sinh viên có tư duy thiết kế và các năng lực để giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Nhà trường cũng chú trọng phát triển tính tự chủ và tự học của sinh viên, quan tâm đến việc dạy các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ứng xử trong doanh nghiệp để sinh viên không bỡ ngỡ khi bước vào thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, có kế hoạch tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ hoặc có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học theo chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

BK HCM.png

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành hàng không

Nhằm giải quyết "nút thắt" về nhân lực trong ngành hàng không và đảm bảo lực lượng lao động chất lượng cao, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) khẳng định, cần triển khai các cơ chế và chính sách đồng bộ, tập trung vào đào tạo, hợp tác quốc tế và kết nối doanh nghiệp.

Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo thông qua xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo chuẩn quốc tế; mời giảng viên và chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tham gia giảng dạy; tạo nhiều cơ hội để giảng viên và sinh viên có cơ hội trao đổi, thực tập quốc tế.

Thứ hai, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận thực tế, khi ra trường sinh viên có thể làm việc tại các đơn vị đã thực tập.

Hợp tác trong xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên được học đúng những kỹ năng thị trường lao động cần, đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo trì, vận hành, thiết kế chế tạo linh kiện hàng không.

Thứ ba, đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, ưu tiên xây dựng trung tâm đào tạo hàng không với phòng thí nghiệm và xưởng thực hành hiện đại để sinh viên nâng cao khả năng thực hành.

Thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao nhờ các chính sách hỗ trợ và thu hút nhân tài.

Thứ năm, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thông qua thành lập các trung tâm nghiên cứu kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây là nơi sinh viên, giảng viên và chuyên gia có thể phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối nhà tuyển dụng, tạo cơ hội trao đổi trực tiếp giữa doanh nghiệp với sinh viên, đảm bảo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, góp phần giữ chân nhân tài trong nước.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc cho rằng: "Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng. Đối với ngành hàng không, việc quốc tế hóa là vô cùng quan trọng.

Bởi vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao chúng ta cần cải tiến chương trình đào tạo, môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Đồng thời, để sinh viên có tính sẵn sàng, nâng cao cơ hội việc làm, các cơ sở đào tạo cần có sự kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang triển khai học kỳ doanh nghiệp, gửi một số sinh viên ưu tú đến các công ty để các em làm quen với môi trường thực tế, đồng thời có cơ hội tiếp tục làm việc sau khi ra trường".

Hồng Linh