Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Yoon Young-kwan, cựu Bộ trưởng Ngoại thương Hàn Quốc, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Quốc gia Seoul ngày 27/12 bình luận trên tờ The Straits Times của Singapore, Trung Quốc đã dành phần lớn thời gian trong năm 2014 để tìm cách làm sống lại một khái niệm mà Nhật Bản đã tuyên bố từ 7 thập kỷ trước khi họ tìm cách áp đặt ý chí của mình vào khu vực: Châu Á do người châu Á quản. Quan hệ quốc tế có xu hướng bị mất ổn định bởi những thay đổi nhanh chóng trong phân phối quyền lực ở khu vực.
Trung Quốc tìm cách nắn gân Mỹ ở châu Á, quan hệ với Nga chỉ vì tài nguyên
Bắc Kinh tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các chương trình nghị sự toàn cầu có thể gây ra căng thẳng và gây rối trật tự thế giới hiện tại. Đó chính xác là những gì đang xảy ra gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và là động lực cho chính sách "châu Á của người châu Á" mà Trung Quốc đang cổ súy. Cuối tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã làm rung chuyển trật tự khu vực bằng cách đơn phương tuyên bố áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông.
Động thái này đã dẫn tới một sự leo thang của lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực. Tập Cận Bình thường xuyên cho điều động các tàu Hải giám và Ngư chính ra các vùng biển đảo mà họ tranh chấp với láng giềng, châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ đã lập tức điều động 2 máy bay ném bom B-52 bay qua cái gọi là vùng nhận diện phòng không Hoa Đông do Bắc Kinh tuyên bố sau sự tức giận của 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng cho đến đầu năm nay khiến những lo ngại về một vụ "tai nạn chiến tranh" giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó sẽ đòi hỏi sự tham gia của đồng minh chính là Mỹ khi Tổng thống Obama đã khẳng định trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng Tư. Thêm vào đó là những hành vi leo thang căng thẳng của Bắc Kinh trên Biển Đông với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Và một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu trở nên không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên trong năm nay Mỹ đã phải chuyển trọng tâm chú ý của mình sang Nga sau khủng hoảng Ukraine, đặc biệt kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình còn Tổng thống Vladimir Putin thì muốn tìm cách khôi phục địa vị chính trị của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc đã thực sự trở thành "một cái gì đó như một đồng minh của Mỹ". Mặc dù hợp đồng khí đốt được ký kết sau hàng chục năm đàm phán được xem như phản ánh chiều sâu của mối quan hệ Trung - Nga, Trung Quốc vẫn cố gắng dìm giá xuống mức thấp nhất mà họ trả cho Nga.
Điều này cho thấy rằng về mặt dài hạn, Trung Quốc chỉ xem Nga như một "chư hầu tài nguyên thiên nhiên" chứ không phải đồng minh thực sự của Bắc Kinh. Chính sách của Trung Quốc và Mỹ còn hội tụ rõ ràng hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên trong năm nay.
Tập Cận Bình từ khi lên cầm quyền đã bày tỏ không sẵn lòng chấp nhận bất cứ hành vi nào Trung Nam Hải xem là "ngỗ ngược" từ Bình Nhưỡng, đặc biệt là liên quan đến vũ khí hạt nhân từ nhà lãnh đạo không thể đoán trước, Kim Jong-un. Chính điều này thúc đẩy Bình Nhưỡng vốn phụ thuộc lớn vào viện trợ của Trung Quốc đã cử đặc sứ đối thoại ngoại giao với Nhật Bản, Nga, thậm chí là cả Hàn Quốc.
Sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu trong năm 2014 theo Yoon Youn-kwan là kết quả của "một số ít tham vọng" của Nga hay sự bành trướng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc hơn là sự suy giảm vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ. Ông Obama đã không muốn hoặc không thể đi đầu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế ở Ai Cập, Libya và Syria vì những lý do đấu đá đảng phái ở nhà, điều này thách thức tính ưu việt của Mỹ và khiến các đồng minh của Hoa Kỳ lo ngại.
Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc đã triển khai một loạt "đòn tấn công quyến rũ láng giềng" với những lời hứa viện trợ và ưu đãi kinh tế. |
Trung Quốc tấn công quyến rũ tìm cách thay vai trò của Mỹ, bắt đầu từ châu Á
Quyền lực toàn cầu phải được phân bổ ở đâu đó, nếu Hoa Kỳ không giữ lấy vị trí vai trò hàng đầu của mình trên trường quốc tế, một thế lực khác sẽ nhanh chóng choán chỗ. Sự thay đổi gần đây của Trung Quốc hy vòng rằng sẽ không tiếp tục gây ra những bất ổn quy mô lớn trong năm tới. Trung Quốc đã rút giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ tháng 7 và cũng ít điều tàu ra Senkaku hơn trước đây. Quan chức Trung Quốc thì tuyên bố rằng họ sẵn sàng hơn để thảo luận về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Yếu tố quan trọng nhất của cuộc tấn công quyến rũ của Trung Quốc là những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản, bắt đầu từ cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe bên lề hội nghị APEC tháng 11 vừa qua. Thỏa thuận khí hậu được chờ đợi từ lâu giữa Tập Cận Bình và Obama bên lề APEC cũng là một ví dụ. Hoặc mới hơn nữa là việc Bắc Kinh tuyên bố cung cấp các ưu đãi kinh tế hào phóng cho các nước láng giềng Đông Nam Á, một thủ đoạn làm suy yếu ý chí hình thành một liên minh đối phó với (sự bành trướng lãnh thổ) của Trung Quốc.
Trung Quốc đã chuyển từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm trong khu vực và đang đẩy mạnh việc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để thách thức các tổ chức do phương Tây thống trị. Cụ thể Trung Quốc đã quyết định sẽ rót một lượng tiền lớn vào ngân hàng Đầu tư châu Á, quỹ Con đường tơ lụa mới và Ngân hàng Phát triển mới. Hơn nữa Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc còn hứa hẹn tài trợ và cho Đông Nam Á vay 20 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế.
Trong khi nền kinh tế Mỹ còn chưa hoàn toàn phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nền chính trị Mỹ thì đang ngày càng rối loạn, có một khoảng trống quyền lực toàn ầu được tạo ra mà Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy bằng chính sách ngoại giao khôn ngoan và sức mạnh kinh tế, bắt đầu từ châu Á. Điều này có thể chưa có nghĩa là châu Á chỉ dành cho người châu Á, nhưng nó cho thấy vai trò của Mỹ trong khu vực đã bị suy giảm, đặc biệt là Hoa Kỳ sắp bước vào một "mùa bầu cử" Tổng thống mới vào đầu năm tới.