Hoàn học phí cho GV tự túc nâng chuẩn: Nguồn lực lấy ở đâu để đảm bảo khả thi?

20/09/2024 07:38
Trang Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Địa phương đề xuất kế hoạch chi trả học phí đào tạo cho giáo viên nâng chuẩn, có thể huy động từ nguồn kinh phí như xã hội hóa, sử dụng quỹ phát triển giáo dục.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 về lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang được đưa ra lấy ý kiến, góp ý.

Trong đó, điểm mới đáng chú ý là việc bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo. Cùng với đó, dự thảo cũng nêu: "Những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo. Mức tiền được truy lĩnh, chi trả bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo tại thời điểm giáo viên theo học. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thanh toán kinh phí đào tạo hướng dẫn cụ thể danh mục chứng từ giáo viên cần cung cấp để được thanh toán trong trường hợp quy định tại khoản này".

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số góp ý từ sở, phòng giáo dục và đào tạo góp ý để ban soạn thảo xem xét.

Phương thức đấu thầu sẽ không hiệu quả khi số lượng giáo viên tham gia nâng chuẩn ít

Ông Võ Ngọc Sỹ - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, ngay từ thời điểm Nghị định 71 có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 03/11/2021 về thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh nhằm chuẩn hóa trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

5a0d9565473ee160b82f.jpg
Lễ trao bằng tốt nghiệp các lớp nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: NVCC

Theo lộ trình đến hết ngày 31/12/2025 bảo đảm 100% giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt trình độ chuẩn tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp (Đơn vị trúng thầu nâng trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, THCS khoá 2022 - 2025 tại tỉnh Bình Định) đào tạo cho 151 giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở.

Tuy nhiên, phương thức đấu thầu sẽ không hiệu quả khi số lượng giáo viên tham gia học nâng chuẩn có số lượng ít trên mỗi ngành học. Năm 2023, số lượng nhu cầu đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên ở các ngành học còn rất ít.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương triển khai thực hiện bằng phương thức giao cho địa phương cử giáo viên đi học, địa phương thanh toán kinh phí cho từng giáo viên thuộc địa phương mình quản lý, sau khi có kết quả tốt nghiệp.

1.jpg
Hiện nay, huyện Thanh Trì có 673 giáo viên đã và đang được đào tạo nâng trình độ chuẩn nhưng hiện chưa có giáo viên nào được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Ảnh: Huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Còn tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, theo báo cáo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, hiện huyện có 673 giáo viên đã và đang được đào tạo nâng trình độ chuẩn nhưng hiện chưa có giáo viên nào được hỗ trợ kinh phí đào tạo.

Theo báo cáo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì đồng ý với các nội dung dự kiến điều chỉnh.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, nếu phương thức đào tạo nâng chuẩn giáo viên được điều chỉnh theo dự thảo Nghị định, địa phương sẽ áp dụng hai hình thức: giao nhiệm vụ và đặt hàng.

Giáo viên cũng được phép tự lựa chọn và đăng ký học nâng chuẩn trực tiếp với các cơ sở đào tạo, với điều kiện ngành hoặc chuyên ngành đăng ký không đủ số lượng để mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Để được tự đăng ký, giáo viên cần có văn bản đồng ý từ hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục nơi mình công tác, trong đó nêu rõ ngành đào tạo, cơ sở đào tạo, và thời gian học.

Phương thức này giúp giáo viên và nhà trường linh hoạt sắp xếp công việc để tham gia học tập. Huyện cũng đề xuất kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và tập trung. Các nội dung lý thuyết sẽ được giảng dạy trực tuyến để giáo viên tự học, trong khi các nội dung thực hành sẽ được tổ chức tập trung tại cơ sở đào tạo để đảm bảo chất lượng. Cách tiếp cận này vừa tiết kiệm chi phí, vừa linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người học.

Huy động thêm từ các nguồn kinh phí để hỗ trợ chi trả phí đào tạo cho giáo viên

Ông Võ Ngọc Sỹ cho biết, hầu hết giáo viên tiểu học và trung học cơ sở các trường công lập đã đạt chuẩn trước khi được ký hợp đồng lao động với nhà trường. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng không chỉ giáo viên công lập mà cả giáo viên các trường dân lập và tư thục trên toàn quốc đều sẽ được quan tâm, hỗ trợ.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, tổng số giáo viên đã và đang nâng chuẩn trình độ là 163 giáo viên công lập. Trong đó, có 1 giáo viên mầm non, 81 giáo viên tiểu học và 81 giáo viên trung học cơ sở. Phương thức đào tạo chủ yếu là thông qua đấu thầu. 100% giáo viên này đều được hỗ trợ kinh phí. Tổng mức kinh phí đào tạo đã hỗ trợ cho giáo viên công lập là hơn 3,2 tỷ đồng.

image-20240319112842-4.png
Kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, tỉnh Bình Định đã có 81 giáo viên tiểu học đi đào tạo nâng chuẩn. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định.

Theo ông Võ Ngọc Sỹ, dự thảo Nghị định mới đề xuất bổ sung quy định về việc thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên đã tự túc học phí và được cấp bằng từ ngày 01/7/2020 là hoàn toàn khả thi.

Đối với huyện Thanh Trì, Hà Nội, theo thống kê, từ tháng 7 năm 2020 đến nay, toàn huyện có 673 giáo viên đã và đang học nâng trình độ chuẩn được đào tạo; theo lộ trình còn 239 giáo viên sẽ tham gia học và kết thúc lộ trình nâng chuẩn vào 2026. Như vậy, sẽ có 912 giáo viên đủ điều kiện được chi trả học phí. Với mức học phí trung bình 28 triệu đồng/người thì dự kiến tổng số tiền cần chi trả là khoảng trên 25 tỷ đồng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, hiện tại, ngân sách hàng năm của địa phương còn hạn chế, chưa cân đối được ngân sách nên khả năng để chi trả 100% kinh phí đào tạo cho giáo viên tại cùng một thời điểm là rất khó khăn. Đề xuất của địa phương là xây dựng kế hoạch chi trả học phí đào tạo cho giáo viên trong vòng 3 năm và có thể huy động thêm từ các nguồn kinh phí như xã hội hóa, sử dụng quỹ phát triển giáo dục.

b86fd7a352178049d906.jpg
Với mức học phí trung bình 28 triệu đồng/người thì dự kiến tổng số tiền cần chi trả của huyện Thanh Trì, Hà Nội là khoảng trên 25 tỷ đồng. Ảnh: Huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Còn tại Vĩnh Phúc, một hiệu trưởng tiểu học cho biết, thời gian qua, các giáo viên tại trường đã chủ động tham gia các khóa học nâng chuẩn. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng có chính sách hỗ trợ học phí cho giáo viên, giúp họ thuận lợi hơn trong quá trình nâng cao trình độ chuyên môn.

Vị hiệu trưởng này nhận định, việc hỗ trợ học phí là chính sách kịp thời và cần thiết, tạo động lực lớn cho giáo viên trong thời điểm hiện nay. Dù số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn tại các cơ sở giáo dục không quá nhiều, nhưng nếu chính sách được thực hiện tốt, chỉ trong vài năm tới, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn sẽ tăng đáng kể.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc nâng chuẩn không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu bằng cấp, mà quan trọng hơn là giúp giáo viên trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình trong công việc. Động lực học tập nên xuất phát từ sự khát khao phát triển bản thân, thay vì chỉ để đạt chuẩn theo quy định. Mục tiêu cuối cùng của quá trình này là nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo lợi ích cho học sinh.

Hiện nay, với chương trình giáo dục phổ thông mới, một số môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục vẫn thiếu giáo viên đạt chuẩn. Số lượng lớp học nâng chuẩn cho các môn này còn rất hạn chế, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Do đó, cần tăng cường mở thêm các lớp đào tạo để giải quyết vấn đề này.

Vị hiệu trưởng khẳng định, chính sách hỗ trợ giáo viên sẽ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi nó mang lại sự thay đổi thực chất trong công việc và đời sống của giáo viên, thay vì chỉ là con số thống kê về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn. Điều quan trọng là cách giáo viên dạy học và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cũng góp ý thêm, về thời gian đào tạo nâng chuẩn, cần xây dựng khung thời gian đào tạo linh hoạt, cho phép giáo viên chủ động lựa chọn thời gian học phù hợp. Cần tổ chức các khóa học ngắn hạn, tập trung vào các vấn đề cụ thể.

Về chất lượng đào tạo, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, tổ chức đánh giá thường xuyên, định kỳ để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Trang Anh