Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Trong đó, tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Thông tư 29 sẽ góp phần hạn chế tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phan Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tam Dương (Vĩnh Phúc) nhận định, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo thầy Sơn, các quy định mới đã tập trung vào việc giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng thời phù hợp với xu thế giáo dục phổ thông, lấy học sinh làm trung tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực. Bên cạnh đó, quy định về giáo viên không được dạy thêm thu tiền học sinh đang dạy chính khóa cũng giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng dạy thêm. Khi thực hiện theo quy định mới của Thông tư 29, hiện tượng giáo viên tổ chức dạy thêm trái phép hoặc ép buộc học sinh học thêm sẽ được hạn chế.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định mới, vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước tiên, quy định mới đã yêu cầu đăng ký giấy phép, báo cáo kế hoạch và công khai tài chính sẽ giúp nhà trường tăng cường quản lý, minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, đồng thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực như thu phí trái quy định hoặc ép buộc học sinh yếu kém học thêm. Quy định cấm giáo viên dạy thêm học sinh đang dạy chính khóa (trừ trường hợp miễn phí) giúp hạn chế tình trạng ép buộc học thêm.
Đối với các trung tâm dạy thêm, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy và học phí sẽ bảo vệ quyền lợi học sinh và đảm bảo chất lượng giáo dục. Quy định này khích lệ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên, tạo động lực nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo học sinh được quyền chọn nơi học phù hợp, công bằng hơn”, thầy Sơn nêu quan điểm.
Thầy Sơn chia sẻ thêm, với quy định mới trên, học sinh sẽ có thời gian tham gia các hoạt động sinh hoạt gia đình, cộng đồng, đồng thời giảm áp lực học tập. Bên cạnh đó, các em cũng nâng cao tư duy, ý thức tự học, tự nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo. Còn về phía giáo viên, các thầy cô sẽ được hướng đến một môi trường dạy thêm, học thêm đàng hoàng, đảm bảo sự công khai.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) nhận định, Thông tư 29 không chỉ mang tính định hướng mà còn thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giải quyết những bất cập đã tồn tại lâu nay trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo thầy Thiện, quy định giáo viên không được thu tiền dạy thêm đối với học sinh mà đang dạy chính khóa nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm không cần thiết, tránh việc học sinh bị áp lực học tập quá tải hoặc phải đóng những khoản chi phí ngoài luồng.
“Tôi hoàn toàn đồng tình với mục tiêu của quy định này, bởi nó hướng đến việc tạo ra môi trường học tập công bằng, không thương mại hóa giáo dục. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức cho giáo viên, đặc biệt là ở những địa phương có thu nhập giáo viên chưa cao, khi dạy thêm là một nguồn thu nhập quan trọng để cải thiện đời sống", thầy Thiện nêu quan điểm.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 5 của Thông tư 29 quy định: "Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".
Thầy Thiện bày tỏ, quy định này là cần thiết, nhằm mục tiêu hỗ trợ học sinh có nhu cầu thực sự, đồng thời khắc phục hiện tượng dạy thêm tràn lan.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, giáo viên và phụ huynh
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho biết, mặc dù những quy định mới của Thông tư 29 được đánh giá là đúng và trúng, nhưng quá trình triển khai các quy định này tại nhà trường sẽ có thể gặp một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, Thông tư 29 được ban hành và có hiệu lực trong khoảng thời gian ngắn, do đó, nhà trường phải gấp rút chuẩn bị kế hoạch triển khai để đảm bảo thực hiện các quy định nghiêm túc, hiệu quả.
Thứ hai, nhu cầu học thêm là có thật, đặc biệt với học sinh lớp 9 có nguyện vọng được học thêm, ôn thi các môn thi vào lớp 10. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm ôn thi trên địa bàn không có hoặc có nhưng nhân sự không đáp ứng đủ.
Theo thầy Sơn, so với Thông tư 17, Thông tư 29 đã giải quyết được một số bất cập trong hoạt động dạy thêm, học thêm: Tổ chức dạy thêm tràn lan, gây quá tải cho học sinh; dạy thêm chưa có sự quản lý của nhà nước; áp lực kinh tế đối với gia đình học sinh nếu thực hiện nghiêm túc thông tư; học sinh có xu hướng ỷ lại, lười suy nghĩ, hạn chế khả năng nghiên cứu và sáng tạo.
"Để đảm bảo thực hiện Thông tư 29 hiệu quả, nhà trường đang nghiên cứu và thiết kế các hoạt động tích cực trên lớp nhằm tạo hứng thú, động lực học tập cho học sinh ngay tại các tiết học chính khóa, giúp các em học và hiểu bài, tích cực học tập ngay trên lớp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quản lý chặt hơn về ý thức học tập của các học sinh tại các lớp học để nâng cao tinh thần tự giác học tập.
Ngoài ra, nhà trường sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định dạy thêm theo thông tư để đảm bảo sự công bằng về sự giáo dục đối với các học sinh”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tam Dương cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên, thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh cho rằng, một điểm đáng chú ý khác là Thông tư 29 đặt trọng tâm vào việc hạn chế dạy thêm học thêm không cần thiết, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi áp lực học tập với học sinh rất cao. Học sinh ở những khu vực này thường phải học cả ngày, ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi và vui chơi. Đây là vấn đề mà phụ huynh và các chuyên gia giáo dục đã nhiều lần lên tiếng trên các diễn đàn thảo luận. Qua Thông tư 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và cố gắng cân bằng giữa việc nâng cao chất lượng giáo dục và bảo vệ quyền lợi của học sinh.
"Tuy nhiên, tại những địa phương ở vùng nông thôn, việc học thêm không phải là vấn đề quá lớn. Chúng tôi không tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa và học sinh hầu như không chịu áp lực từ việc phải tham gia quá nhiều hoạt động học tập. Chính vì vậy, những quy định mới này không gây ra quá nhiều xáo trộn trong hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống giáo dục, đồng thời hướng đến mục tiêu dài hạn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra”, thầy Thiện nêu quan điểm.
Về mặt triển khai, thầy Thiện thông tin, nhà trường sẽ tiến hành rà soát các kế hoạch hiện tại, điều chỉnh phù hợp với Thông tư 29. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng đã đề cập việc thực hiện các lớp học thêm miễn phí sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài trợ khác, từ đó phần nào giảm áp lực tài chính cho các trường.
“Thông tư 29 là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế các tiêu cực trong hoạt động dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Tôi tin rằng, nếu được thực hiện đúng cách, Thông tư 29 sẽ góp phần cải thiện môi trường giáo dục, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh và nâng cao hình ảnh của ngành giáo dục trong xã hội”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, thầy Phan Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) nhận định, quy định giáo viên không được dạy thêm thu tiền đối với học sinh mà họ đang giảng dạy chính khóa nhằm siết chặt hoạt động dạy thêm, tránh tình trạng dạy thêm tràn lan và giảm áp lực tài chính cho phụ huynh.
Theo thầy Quỳnh, quy định về dạy thêm, học thêm đã được xem xét trong mối quan hệ giữa chất lượng giáo dục và nhu cầu học tập thực tế. Việc học thêm không chỉ dành cho học sinh yếu kém mà còn đáp ứng nhu cầu của những học sinh muốn nâng cao thành tích, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Trong nhiều trường hợp, học sinh cần học thêm để ôn tập và làm quen với các dạng đề thi mới, nhất là khi đề thi luôn thay đổi.
“Do vậy, tôi đồng tình việc dạy thêm không nên trở thành áp lực buộc mọi học sinh phải tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các hướng dẫn để cân đối thời gian học tập chính khóa và học thêm, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất và kỹ năng mềm
Về phía nhà trường, chúng tôi đã thảo luận các giải pháp để triển khai quy định mới này. Tuy nhiên, các trường vẫn cần có hướng dẫn chi tiết hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự hỗ trợ nguồn lực. Đối với các tiết học thêm ở trường không thu tiền, giáo viên tại trường chúng tôi sẽ sẵn sàng dạy miễn phí, tuy nhiên, điều này lại tạo ra sự thiệt thòi lớn cho giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập của họ vốn đã hạn chế.
Do đó, để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả, tôi cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ giáo viên tốt hơn như tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập cho giáo viên và tổ chức các chương trình bồi dưỡng chuyên môn. Đồng thời cần có cơ chế linh hoạt để phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) nhấn mạnh.