Hiệu trưởng, hiệu phó có nên tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

31/05/2023 06:40
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết bàn về hiệu trưởng, hiệu phó ở các nhà trường mầm non và phổ thông công lập có nên thăng hạng chức danh nghề nghiệp hay không.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Đáng chú ý, sau khi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư này được ban hành ngày 14/4/2023, Tạp chí đã có nhiều bài phân tích lợi ích và một số bất cập trong việc chuyển hạng xếp lương giáo viên.

Trong phạm vi bài viết này, người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông, xin có đôi điều bàn về việc hiệu trưởng, hiệu phó ở các nhà trường mầm non và phổ thông công lập có nên thăng hạng chức danh nghề nghiệp hay không.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vnẢnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là gì?

Trước khi đi vào nội dung chính hiệu trưởng, hiệu phó ở các nhà trường mầm non và phổ thông công lập có nên thăng hạng chức danh nghề nghiệp hay không, người viết xin điểm qua khái niệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp là gì và các nội dung có liên quan.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì thăng hạng chức danh nghề nghiệp được hiểu như sau: "Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn trong cùng một ngành, lĩnh vực".

Bên cạnh đó, Nghị định 29/2012/NĐ-CP còn giải thích một số thuật ngữ khác, chẳng hạn: “Thay đổi chức danh nghề nghiệp” là việc viên chức được bổ nhiệm một chức danh nghề nghiệp khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

Hay “Hạng chức danh nghề nghiệp” là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, Điều 31 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau (trích):

"Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt".

Hiệu trưởng, hiệu phó có nên thăng hạng chức danh?

Chiếu theo các quy định của Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Nghị định 115/2020/NĐ-CP có thể nhận thấy: Giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn người chưa được thăng hạng.

Ví dụ, nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT như sau:

"Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên".

Hay nói cách khác, giáo viên trung học phổ thông hạng II, hạng III không làm nhiệm vụ này.

Thực tiễn giảng dạy ở trường trung học phổ thông cho thấy, hiệu trưởng chỉ dạy 2 tiết/tuần và hiệu phó dạy 4 tiết/tuần theo quy định.

Công việc chính của hiệu trưởng và hiệu phó là làm các công việc hành chính, lãnh đạo, quản lí về mặt nhân sự và chuyên môn nghiệp vụ.

Ví dụ, một trường trung học phổ thông có 2 hiệu phó thì hiệu trưởng phân công 1 người làm công tác chuyên môn còn người kia làm quản lí học sinh, quản lí nhân viên văn phòng.

Giả sử, một hiệu trưởng được thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông từ hạng II lên hạng I, liệu họ có phải "tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên" theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT?

Việc ra đề thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên là do bộ phận chuyên môn (hội đồng bộ môn) của Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận. Hơn nữa, hiệu trưởng, hiệu phó trường trung học phổ thông hầu như chẳng bao giờ tham gia chấm thi học sinh giỏi cả.

Như vậy, hiệu trưởng, hiệu phó được thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ có lợi về chế độ tiền lương. Vì họ không làm các công việc chuyên môn cao hơn sau khi được thăng hạng nên lãng phí chất xám cho đơn vị, cho ngành giáo dục.

Đơn vị nơi người viết đang công tác có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó. Cả 3 lãnh đạo đều không tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ 2 năm qua. Vì họ đã có vị trí việc làm là lãnh đạo, quản lí nên không cần thăng hạng để làm công tác chuyên môn đơn thuần.

Hiệu trưởng nói thêm, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn và những giáo viên có năng lực về chuyên môn, nếu đủ điều kiện thì lãnh đạo sẽ cử tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để kiện toàn vị trí việc làm khi Nhà nước trả lương theo Nghị quyết 29-NQ/TW.

Ngoài ra, người viết cũng băn khoăn rằng, sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nếu hiệu trưởng không phân công nhiệm vụ mới cho bản thân, liệu họ có bị cơ quan quản lí giáo dục "giáng" hạng không?

Có thể nhận thấy, hiệu trưởng, hiệu phó không nên thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì chưa thực sự cần thiết với đặc thù công việc như người viết đã phân tích.

Tài liệu tham khảo:

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-thong-tu-08-2023-tt-bgddt-sua-doi-quy-dinh-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-pho-thong-119230416104910129.htm

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-29-2012-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-va-quan-ly-vien-chuc-137919.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-115-2020-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-vien-chuc-453968.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-04-2021-TT-BGDDT-ma-so-vien-chuc-giang-day-trong-truong-trung-hoc-pho-thong-cong-lap-464400.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương