Hiểm họa rình rập từ dịch vụ đưa đón học sinh tự phát ở ngoại thành Hải Phòng

10/03/2023 06:30
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh nhưng việc sử dụng xe tự chế chở học sinh xuất hiện ở ngoại thành tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao.

Trong bối cảnh nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con đi học, hiện nay đã có đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ xe đưa đón học sinh - chủ yếu được tổ chức trong khu vực nội thành, thành phố Hải Phòng. Các dịch vụ này cơ bản đáp ứng được tiêu chí về đảm bảo an toàn cho học sinh và được cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên mới đây, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của người dân về việc có cá nhân sử dụng xe ba gác, xe tự chế để tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh ở một số khu vực ngoại thành.

Để làm rõ phản ánh của người dân, phóng viên đã tiến hành ghi nhận thực tế tại một số trường thuộc huyện An Lão, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng).

Theo ghi nhận tại Trường Tiểu học Quốc Tuấn (huyện An Lão, Hải Phòng) vào khoảng 9h45’ ngày 2/3, lúc này ở khu vực ngoài cổng trường có hai chiếc xe ba bánh với phần thùng xe phía sau được thiết kế như một lồng sắt với 3 hàng ghế ngồi.

Hai xe tự chế đỗ chờ đón học sinh tại Trường Tiểu học Quốc Tuấn. (Ảnh: Phạm Linh)

Hai xe tự chế đỗ chờ đón học sinh tại Trường Tiểu học Quốc Tuấn. (Ảnh: Phạm Linh)

Trong vai trò một phụ huynh có con mới chuyển tới trường và có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ đưa đón con, phóng viên được một người có cháu học tại nhà trường cho biết: những chiếc xe này do người dân trong làng mua để tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh.

Một phụ huynh khác chia sẻ, người cung cấp dịch vụ toàn là dân trong làng, chủ yếu là đón các cháu lớp 1 đến lớp 3 còn lớn hơn thì tự đạp xe về: “Các cháu đăng ký dịch vụ đưa đón thường là gia đình không có ông, bà hỗ trợ, hoặc là bố, mẹ đi làm không có điều kiện đưa đi đưa về. Mỗi chuyến tôi thấy phải có khoảng 20 học sinh, thậm chí nhiều xe còn kiêm luôn cả dịch vụ ăn trưa tại nhà người thực hiện việc đưa đón trẻ”.

Chia sẻ cùng phóng viên, một số phụ huynh cho biết, mặc dù đây là nhu cầu chính đáng vì nhiều gia đình không có điều kiện đưa đón con nhưng khi sử dụng xe tự chế, nhất là chở tận 20 – 30 học sinh trên một xe thì vấn đề an toàn rất đáng quan ngại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá của dịch vụ đưa đón khoảng 300.000 – 400.000 đồng/tháng/1 học sinh còn cả ăn sẽ lên tầm khoảng 700.000 đồng/tháng.

Mỗi xe tự chế sẽ chở từ 20 đến 30 học sinh/ca đón. Ảnh: Phạm LinhMỗi xe tự chế sẽ chở từ 20 đến 30 học sinh/ca đón. Ảnh: Phạm Linh

Khi đang trò chuyện cùng phụ huynh thì tài xế của hai xe dịch vụ đưa đón bắt đầu cho học sinh lên xe, điểm danh để xuất phát nên phóng viên đã ngỏ ý hỏi tài xế về việc đặt chỗ cho con.

Một lái xe về điểm thôn Đông Nham, Hạ Câu cho biết: “Nếu nhà ở gần đường chính thì mới nhận chở được còn vào trong làng thì không kịp đón. Giá đưa đón là 400.000 đồng/tháng”.

Lúc này trên xe đã có khoảng gần 20 học sinh đang ngồi nhưng tài xế này vẫn khẳng định còn chỗ, vẫn ngồi được.

Còn theo tài xế của xe di chuyển về thôn Cẩm Văn, buổi trưa một số học sinh ở lại ăn bán trú nên sẽ đón ít cháu hơn, còn đến chiều tối đa phải đón khoảng 30 cháu.

Tương tự, tình trạng người dân tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe tự chế cũng xảy ra tại Trường Tiểu học Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Xe tự chế đỗ chờ tại cổng Trường Tiểu học Việt Tiến. (Ảnh: Phạm Linh)

Xe tự chế đỗ chờ tại cổng Trường Tiểu học Việt Tiến. (Ảnh: Phạm Linh)

Ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 10h sáng ngày 3/3, tại cổng Trường Tiểu học Việt Tiến đã có một số xe đậu sẵn (2 xe ba bánh và 2 xe ô tô dòng 16 chỗ) để chờ đón học sinh. Hai xe ba bánh có thiết kế tương tự với 2 xe ở Trường Tiểu học Quốc Tuấn còn 2 xe ô tô cũng được “nâng cấp” ghế thành 3 hàng ghế sắt, bọc đệm, chân ghế sắt được hàn cố định xuống sàn xe.

Ngay khi học sinh tan học, tài xế xuất hiện để mở cửa xe đón học sinh, điểm danh theo danh sách. Một số học sinh ra muộn, tài xế sẽ vào tận trong trường để tìm đón. Ước tính có khoảng gần 100 học sinh được đón về trên các xe sau khi tan học ca sáng ngày 3/3.

Theo phụ huynh nhà trường, dịch vụ đưa đón ở đây có giá khoảng 300.000 đồng/tháng, xe ô tô sẽ đón tại các điểm cố định, phụ huynh đưa con ra điểm đón còn với xe ba bánh thì nhiều học sinh được đưa về tận nhà: “Tôi cũng muốn thuê dịch vụ nhưng do phải đưa con ra điểm đón mà cháu lại hay ăn chậm nên không kịp. Dịch vụ này có từ lâu rồi và được nhiều phụ huynh lựa chọn vì không thể đưa con đi đi, về về 4 lần/ngày được”.

Tại Trường Tiểu học Việt Tiến có đến 4 xe tự chế làm dịch vụ đưa đón học sinh, ước tính khoảng gần 100 học sinh được đưa đón mỗi ca. Ảnh: Phạm LinhTại Trường Tiểu học Việt Tiến có đến 4 xe tự chế làm dịch vụ đưa đón học sinh, ước tính khoảng gần 100 học sinh được đưa đón mỗi ca. Ảnh: Phạm Linh

Khi trò chuyện cùng các phụ huynh tại Trường Tiểu học Việt Tiến, hầu hết đều cho rằng dịch vụ đưa đón học sinh có thể giải quyết “bài toán” nan giải khi hiện nay học sinh tiểu học đang học 2 buổi/ngày, việc đưa đón cả đi cả về 4 lần/ngày (do các con không ăn bán trú tại trường) gây không ít khó khăn cho nhiều gia đình.

Nếu sáng đưa đi học, trưa đón về nghỉ, đầu giờ chiều lại đưa con trở lại trường thì với nhiều gia đình ở xa trường và phụ huynh đang làm trong các cơ quan, doanh nghiệp là khó chồng khó, nên họ lựa chọn các xe đưa đón dịch vụ tư nhân.

“Tuy nhiên, giá như dịch vụ này được tổ chức bài bản, chủ các phương tiện sử dụng loại xe an toàn, đạt tiêu chuẩn kiểm định, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông thì phụ huynh chúng tôi sẽ yên tâm tuyệt đối” một phụ huynh cho biết.

Việc sử dụng xe tự chế để tổ chức dịch vụ đưa đón khiến người dân quan ngại về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh. (Ảnh: Phạm Linh)

Việc sử dụng xe tự chế để tổ chức dịch vụ đưa đón khiến người dân quan ngại về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh. (Ảnh: Phạm Linh)

Nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón là cần thiết đối với không ít phụ huynh, tuy nhiên vấn đề đặt ra là: việc sử dụng xe ba bánh, xe tự chế liệu có đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là khi có đến 20 – 30 em trên một chiếc xe? Trong trường hợp xảy ra sự cố giao thông, vậy cá nhân hay tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm cho việc này?

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hải Phòng, hai loại xe được sử dụng làm dịch vụ đưa đón học sinh tại hai điểm trường trên có dấu hiệu xe tự chế và nguyên tắc là xe tự chế thì không được đăng ký.

Một Thanh tra giao thông cho biết thêm, xe ô tô đã hết hạn kiểm định sẽ không được phép lưu hành. Trường hợp xe ô tô chở khách phải có ghế cố định, đảm bảo có dây an toàn và một số điều kiện khác mới được phép kiểm định.

Phạm Linh