Hệ thống GDNN với hệ thống giáo dục phổ thông có nên về chung một Bộ quản lý?

06/06/2023 16:36
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu đặt câ hỏi về quan điểm của Bộ trưởng về việc thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông?

Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh - xã hội và chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Cân đối hài hòa giữa đào tạo “thợ” với “thầy” trong quy mô đào tạo

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong phiên chất vấn buổi sáng, Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu: “Đào tạo nghề là trang bị cho người lao động chiếc cần câu và cách để câu được cá.

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã đạt được những bước tiến quan trọng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, số lượng đào tạo nghề chưa tỉ lệ thuận với chất lượng lao động, năng suất lao động, tỉ lệ mất việc làm, thất nghiệp, nhất là trong thanh niên, lực lượng lao động cơ bản quan trọng của xã hội gần đây rất đáng quan tâm.

Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này? Giải pháp định hướng chiến lược, nhất là định hướng đào tạo nghề cho thanh niên, thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương như thế nào trong thời gian tới?”.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi: Quan điểm của Bộ trưởng về việc thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông?

Cụ thể: Chỉ thị 21 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2023 thu hút được 50 đến 55% học sinh vào học các trường nghề, có ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khó, nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu thống nhất được hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông, và cùng một Bộ thực hiện quản lý nhà nước.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) Ảnh: quochoi.vn.

Hiện nay, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có tên các trường nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tổng kết năm học của các trường trung học phổ thông cũng chỉ nêu tỉ lệ đỗ đại học như một sự vinh danh, không nêu tỉ lệ đỗ trường nghề. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này.

Đối với quan điểm, chủ trương đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chỉ thị số 21 cũng như Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập rõ nội dung này, chúng ta cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng lĩnh vực này để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cân đối hài hòa giữa đào tạo “thợ” với “thầy” trong quy mô đào tạo chung của đất nước.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề cập đến một số nội dung:

Trước hết, cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức của người học, của gia đình, xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học suốt đời.

Thứ hai, rà soát, bổ sung toàn bộ hệ thống các chính sách quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, đặc biệt thực hiện học văn hóa trong trường nghề, theo tinh thần đó để người học sau khi học có cả bằng nghề và bằng tốt nghiệp văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Thứ ba, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Tiếp đó, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trước mắt các địa phương rà soát, sắp xếp lộ trình không khiên cưỡng, sắp xếp trường nghề thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính.

Bên cạnh đó, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp thích ứng yêu cầu đổi mới.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả liên kết hợp tác đào tạo nghề với doanh nghiệp. Đây là một nội dung đột phá trong thời gian tới. Kinh nghiệm các nước phát triển trong giáo dục nghề nghiệp, nhất là Đức, Úc, Nhật Bản,... thành công chính là ở mức này.

Cuối cùng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, gắn với hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong mục tiêu của Chính phủ mà Quốc hội đang đặt ra đến năm 2025, chúng ta đang phấn đấu chỉ tiêu phân luồng đạt khoảng 40-45% học sinh vào học nghề, và định hướng chiến lược đến năm 2030, đạt chỉ tiêu 50-55%. Đây là chỉ tiêu rất cao và rất khó nhưng vô cùng quan trọng.

Để đạt được chỉ tiêu này, trong Chỉ thị cũng đã nêu rất rõ các giải pháp. Việc phân luồng không phải bây giờ mới làm, trong Chỉ thị từ cách đây 20 năm đã từng nêu vấn đề này, đã đặt ra chỉ tiêu 30, nhưng hiện nay chũng ta mới đạt 26% mà đã là cố gắng rất cao, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn, đây chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện.

Chúng tôi cho rằng phân luồng học sinh vào nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa thực hiện đào tạo “thợ” để cân đối giữa đào tạo “thợ” với “thầy”, điều chỉnh quy mô đào tạo; thứ hai là gắn với thị trường lao động linh hoạt mà vẫn đạt mục tiêu liên thông học tập suốt đời cho người lao động.

Những vấn đề này đã được đặt ra, còn việc phân luồng như thế nào, đòi hỏi có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bởi vì, trong quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành giáo dục được giao chủ trì việc phân luồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chuẩn bị đầu ra, tiếp nhận học sinh để khi vào là đào tạo ngay.

Theo tinh thần đó, nhìn lại năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay, có khả năng đảm đương được khoảng 3/10.

Trong các giải pháp, cũng đã đề ra một giải pháp đào tạo theo mô hình KOSEN và đào tạo 9+. Tức là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể vào ngay trường nghề, hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông có thể vào trường nghề, sau đó có thể liên thông tiếp”.

6 giải pháp đối với nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội

Khép lại nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận: Qua Báo cáo của Chính phủ và diễn biến tại phiên họp cho thấy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong lĩnh vực lao động, việc làm, còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém như trong báo cáo và các đại biểu Quốc hội đã nêu ra.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ:

Thứ nhất, tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động...

Thứ hai, trong năm 2023, rà soát, thống kê đầy đủ nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, đổi mới đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định. Chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm đề xuất xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách ứng dụng khoa học công nghệ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách pháp luật và bảo hiểm xã hội; chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Thứ năm, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số. Khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại.

Huệ Phương