Hậu sáp nhập, có trường nghề tốn vài năm để chuyển đổi chủ sở hữu

02/03/2023 06:46
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hậu sáp nhập, nhiều trường nghề tốn vài năm để khắc phục các vấn đề về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự,...

Theo mục tiêu của Quyết định số 73/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt vào ngày 10/2/2023, đến năm 2025, giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều người lo lắng rằng nếu chưa có chiến lược tiền sáp nhập và hậu sáp nhập khi quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì những vấn đề về dôi dư về đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, người học,... sẽ được giải quyết thế nào để tránh xảy ra khó khăn cũng như lợi ích nhóm, dẫn tới chỉ sáp nhập về mặt cơ học chứ không phải để nâng cao chất lượng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang cho biết, trước đây, có sáp nhập 03 trường trung cấp ( gồm Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tiền Giang, Trung cấp Nghề giao thông vận tải Tiền Giang và Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Tiền Giang) vào trường.

Ảnh minh họa (Nguồn: website Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

Ảnh minh họa (Nguồn: website Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

Trước khi sáp nhập, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có phương án cho cả 2 vấn đề: “tiền sáp nhập” và “hậu sáp nhập”.

Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của trường trung cấp được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Tiền Giang nếu đến tuổi nghỉ hưu sẽ không bổ nhiệm hoặc không tuyển nhân sự thay thế; số còn lại chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cho thuyên chuyển và chuyển đổi vị trí công tác từ trường trung cấp đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

Không những vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đưa ra phương án lập dự án sử dụng đất dư dôi để xây mới cơ sở giáo dục phổ thông ngay khi sáp nhập các trường trung cấp; giảm dần và dừng quy mô tuyển sinh của các trường trung cấp trong năm sáp nhập....

Vì vậy, khi sáp nhập 3 trường trung cấp vào Trường Cao đẳng Tiền Giang, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được sắp xếp ổn thỏa, không dôi dư; các cán bộ quản lý còn lại của các trường trung cấp được bổ sung vào đội ngũ quản lý phòng, khoa của Trường Cao đẳng Tiền Giang một cách hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được bố trí sử dụng phù hợp; đất đai, tài sản không dư dôi, lãng phí;

Từ đó, có thể thấy rằng, nếu có phương án thật kỹ cho “tiền sáp nhập” và “hậu sáp nhập” thì việc quy hoạch sẽ diễn ra thuận lợi.

Theo thầy Khải, sau khi sáp nhập (tháng 4/2019), thuận lợi cơ bản của nhà trường là đội ngũ cán bộ quản lý và viên chức của trường tăng cả về lượng và chất, đảm bảo đủ nhân lực giảng dạy các ngành nghề đào tạo.

Ngành nghề đào tạo được bổ sung, phát triển đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Thiết bị đào tạo được gia tăng, đảm bảo đủ để triển khai hoạt động thực hành nghề nghiệp.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, Trường Cao đẳng Tiền Giang cũng gặp một số khó khăn nhất định phải tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí, cụ thể: việc đăng ký bổ sung, chuyển đổi, đăng ký mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành nghề từ trường trung cấp sáp nhập vào; việc chuyển đổi chủ sở hữu đất đai, nhà xưởng, sân và xe tập lái.

Không những vậy, việc tập huấn chuyên môn - nghiệp vụ để thống nhất triển khai nội dung, phương pháp đào tạo, huấn luyện kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị, thống nhất quy chế chi tiêu nội bộ, ổn định tư tưởng cho đội ngũ viên chức; việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất … cũng gặp nhiều khó khăn, nan giải, phải mất vài năm để vượt qua.

Cũng theo thầy Khải, Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2025, giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020 là tín hiệu đáng mừng cho thấy chúng ta đang tập trung về "chất" trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.

Bởi, nhiều năm trước đây, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học và đáp ứng nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh - dịch vụ, nhiều cơ sở đào tạo nghề ra đời hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên; ngành nghề đào tạo chồng chéo, trùng lặp dẫn đến hạn chế về quy mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

"Năng lực đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất - thiết bị phục vụ đào tạo, năng lực quản trị trường học của đội ngũ cán bộ quản lý, sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - thị trường lao động… là những vấn đề quan trọng và quyết định chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện quy hoạch về số lượng trường theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì cần có giải pháp cho các vấn đề này để nâng cao chất lượng đào tạo nghề của nước ta”, thầy Khải nói.

Chia sẻ từ Thạc sĩ Võ Mạnh Tuấn - Trưởng Ban Truyền thông Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, việc quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là cơ sở quan trọng trong việc tập trung về các nguồn đầu tư.

Giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum trong "Hội giảng nhà giáo Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum" diễn ra vào ngày 20 và 21/12/2022 vừa qua (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum trong "Hội giảng nhà giáo Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum" diễn ra vào ngày 20 và 21/12/2022 vừa qua (Nguồn: Fanpage nhà trường).

“Việc số lượng trường theo quy hoạch mạng lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ mang tính cơ học. Đây là minh chứng cho thấy chúng ta đang có cách làm thực sự khoa học, mang tính tổng thể hơn để phát huy hơn nữa nguồn lực con người, kỹ năng lao động để phục vụ không chỉ cho nhu cầu phát triển của từng địa phương, quốc gia mà rộng hơn là hội nhập tốt hợp với thị trường lao động trong khu vực ASEAN và thế giới”, thầy Tuấn nhấn mạnh.

Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2018 trên cơ sở sáp nhập các trường: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kon Tum, Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, Trung cấp Y tế Kon Tum, Trung cấp Nghề Kon Tum.

Theo thầy Tuấn, từ khi sáp nhập đến nay, trường cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát từ lãnh đạo tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp tích cực từ các Sở, ban, ngành trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.

Tuy nhiên, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum hiện vẫn gặp một số khó khăn nhất định như:

Kết quả tuyển sinh hằng năm vẫn chưa đạt chỉ tiêu được giao mặc dù đã đẩy mạnh tăng cường công tác liên thông, liên kết đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ để tạo việc làm cho giáo viên;

Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp để đăng ký theo học các ngành, nghề tại trường còn hạn chế;

Cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp, chưa đáp ứng được các nhu cầu của học sinh, sinh viên; thiếu các phòng thực hành, thực tập; trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề ngày càng lạc hậu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động;

Để giải quyết các vấn đề hậu sáp nhập như về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon tum đang trình các cấp có thẩm quyền “Đề án tổ chức lại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum”.

Trong Đề án này có nêu về việc đổi tên trường, bổ sung chức năng nhiệm vụ và tổ chức lại các đơn vị thuộc trường nhằm thu hút nhiều học sinh sinh viên đăng ký vào học tại trường; phát huy tiềm năng về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo hiện có để mở rộng hoạt động cung ứng dịch vụ; huy động thêm nguồn thu để cân đối chi, tăng cường khả năng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua đó, nâng cao vai trò của nhà trường trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ; tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Kon Tum.

Ngoài ra, trường vẫn đang thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; và chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cũng theo Trưởng ban Truyền thông Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, bên cạnh việc thực hiện quy hoạch về số lượng trường, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước ta cần tập trung thêm các giải pháp sau để nâng cao chất lượng đào tạo nghề:

Thứ nhất, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo hướng đổi mới mạnh mẽ, triệt để, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, mở linh hoạt của hệ thống và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao;

Thứ hai, phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với các ngành nghề mới, công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng tương lai; ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo các chuẩn khu vực và quốc tế; chuyển đổi số và tiếp cận các chuẩn khu vực và quốc tế; nhân rộng đào tạo theo các chương trình chuyển giao, mô hình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ…đảm bảo tập trung, tiệm cận với trình độ trong khu vực và thế giới.

Thứ tư, cần chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng về nhà giáo, cán bộ quản lý, chương trình giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, quản trị nhà trường và quản lý quá trình đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực và thế giới, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra. Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, xây dựng các mô hình và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Khánh An