(Tiếp theo kỳ 2, "Chỉ có cái đẹp và sự tử tế mới quyến rũ được cha mẹ học sinh")
Dân chủ trường học rất giản dị
Có lần, Trường đón đoàn kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cấp tiểu học. Chị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Marie Curie đứng ngồi không yên, bởi kiểm tra “quy chế dân chủ ở cơ sở” bằng giấy trắng mực đen, Nhà trường làm gì có?
Tôi nói với chị Lan, cứ yên tâm, sáng mai sẽ có đủ.
Tôi muốn nói thật có được không?
Sau những việc cần thiết của một buổi kiểm tra, tôi đặt vấn đề: “Xin phép đồng chí trưởng đoàn, tôi muốn nói thật có được không?”.
Đó là cách đặt vấn đề hơi lạ trong một buổi kiểm tra cơ sở. Trưởng đoàn kiểm tra không trả lời ngay, cứ tủm tỉm cười.
Tôi hỏi lại lần nữa: “Nếu nói không thật cũng được, đại khái chung chung. Nhưng hôm nay tôi muốn nói thật”.
Cách đặt vấn đề của tôi đương nhiên không bông đùa, rất nghiêm túc. Trưởng đoàn đồng ý: “Vâng, thầy cứ nói”.
“Bây giờ các đồng chí có thể ngồi nghe được bao lâu?”, tôi hỏi tiếp. Tôi xin phép nói 30 phút. Tôi kể 2 câu chuyện.
Bỏ chế độ biên chế suốt đời sẽ loại được tệ “5c” và nạn chạy việc |
Chuyện thứ nhất là hề Sác-lô đi du lịch ở Mỹ, đi qua một địa phương đang tổ chức thi đóng vua hài Sác-lô. Ông thấy hay hay và đăng ký thi mà không ai biết ông chính là vua hài Sác-lô. Ông thi và được ban giám khảo chấm xếp thứ 7.
Chuyện thứ hai, trong cuộc thi nấu cơm chay ở một ngôi chùa, có người dự thi gian lận món tôm bọc bột chiên đã dùng bột tôm thật, trong khi yêu cầu nguyên liệu phải là “chay’’. Nhưng kết quả món tôm tẩm bột tôm thật này được xếp thứ 5.
Trở lại Trường Marie Curie, đây là trường tư thục, từ chủ trường, hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên đều là dân 100%, không một ai là cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu giở Luật Cán bộ, Công chức hay Luật Viên chức ra, không ai thuộc định nghĩa ấy trong trường này. Tôi là chủ đầu tư, chị Lan hiệu trưởng, giáo viên và nhân viên quan hệ với nhau bởi một giao kết bằng pháp luật - hợp đồng lao động.
Cái này có trong Bộ luật Lao động, nó thể hiện rất rõ vai trò của người sử dụng lao động và người lao động, được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Hai bên đồng thuận thì ký và được pháp luật bảo hộ.
Chị Hương (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm) có lần nói với chị Lan, khi nào có Đại hội công nhân viên chức thì lên lịch báo về quận để quận dự. Trường ta có ai là công nhân viên chức đâu mà đại hội? Từ năm 1992 đến giờ, Trường Marie Curie chưa bao giờ có Đại hội công nhân viên chức.
Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Trường Marie Curie, đơn sơ nhưng trang trọng |
Đích đến của dân chủ trong nhà trường là sự hài lòng
Ở đây, dân chủ như khí trời, chúng tôi hít thở nó hàng ngày. Giáo viên ý thức phải làm tròn nhiệm vụ mới được nhận lương, làm tốt mới bảo đảm được chỗ đứng, nếu không sẽ không được ký tiếp, đúng Luật Lao động. Đấy là quy luật tiến lên và đào thải, pháp luật quy định như thế.
Chiều qua chị Lan hỏi tôi, họ sẽ hỏi Ban Thanh tra nhân dân của trường ở đâu? Tôi bảo chị ghi tên một số thầy cô vào, cho đủ Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội…
Tôi xin thưa, mới chiều hôm qua đọc tên, chứ có đâu? Trường đã có quy chế dân chủ rồi. Từ hồi mở trường nghe thúc giục nhiều, có đêm tôi vào Google để tìm xem viết quy chế dân chủ ở cơ sở như thế nào. Trên Google hiện lên một loạt, trong đó có quy chế rất dễ hiểu của một doanh nghiệp ở Đồng Nai.
Sáng hôm sau tôi bảo văn phòng: Chuyển giám đốc thành hiệu trưởng, công nhân thành giáo viên, công ty thành trường rồi in thành 20 cuốn, bộ phận nào cần thì cấp.
Văn phòng chế bản xong đưa tôi ký, tôi không đọc, chưa một lần đọc lại quy chế. Tức là một việc rất hình thức để đối phó với quy định. Đấy là sự thật, cho tôi nói thật thì tôi xin được nói đúng sự thật.
Với chế độ đãi ngộ và chăm sóc tốt, đội ngũ nhà giáo Trường Marie Curie ngày càng phát triển về mọi mặt, yên tâm làm tốt nhất công việc của mình |
Sau cuộc kiểm tra này, nếu đoàn có xếp chúng tôi thứ 5 hay thứ 7, chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận. Vua hề Sác-lô vào vai mình còn xếp thứ 7.
Báo cáo của chị Lan là báo cáo hay nhất từ trước đến nay tôi được đọc, nhất là phần kết luận: Xin gói gọn bằng 2 từ hài lòng: cha mẹ học sinh và học sinh hài lòng về nhà trường, giáo viên và nhân viên hài lòng được làm việc ở trường này, chủ đầu tư hài lòng về người làm việc, chúng tôi hài lòng về nhau.
Đấy chính là đích của dân chủ. Đích của dân chủ là hài lòng. Xã hội ta hướng tới dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh, chỉ cần mọi người đều hài lòng về nhau.
Về kiến nghị, xuất phát từ sự khác nhau cơ bản giữa trường công lập và tư thục là quản trị nhà trường.
Một bên nhân sự Nhà nước bổ nhiệm và sử dụng tiền ngân sách, một bên nhân sự được công nhận chứ không phải bổ nhiệm và không sử dụng tiền ngân sách. Khác nhau cơ bản, quản trị giữa 2 loại trường này khác nhau xuất phát từ đó.
Cho nên quy chế dân chủ cần nhìn nhận trường công lập, trường tư thục phải khác nhau, áp dụng nó cũng rất khác nhau.
“Bây giờ ở đây có 2 vị đại diện cha mẹ học sinh, một người làm đại diện 3 năm nay chuẩn bị nghỉ sinh và một người kế cận, xin hỏi 2 chị có hài lòng về nhà trường không?”
“Thưa thầy rất hài lòng, trên cả tuyệt vời”.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cùng học trò chào cờ trong lễ khai giảng |
Cách đây hơn 10 năm cũng có đoàn đến thăm trường, không kiểm tra nhưng "tìm hiểu" quy chế dân chủ ở cơ sở.
Một đồng chí trong đoàn hỏi tôi: “Xin hỏi thầy, trường đã thành lập 15 năm nay, sao vẫn chưa có chi bộ?”
“Xin cảm ơn đồng chí, đồng chí trưởng phòng tổ chức (thành viên của đoàn) chắc biết tôi không phải là Đảng viên, liệu một người như tôi có được phép thành lập chi bộ? Vậy thì câu hỏi này lẽ ra phải đặt với Đảng ủy phường, Đảng ủy quận. Tôi không trả lời được”.
Kể từ khi thành lập, 25 năm trường tôi đứng ngoài các cuộc thi đua của ngành giáo dục. Đầu năm đăng ký thi đua, để cuối năm có đoàn kiểm tra xếp hạng khen và khen cao (khen thưởng ở cấp cao).
Dù có đầy đủ khả năng làm hồ sơ đề nghị khen thưởng, nhưng trường tôi chưa bao giờ tham gia. Chúng tôi không có nhu cầu được khen hay khen cao. Tuy vậy, chúng tôi được lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành và nhân dân rất tín nhiệm. Đấy, tôi xin phép nói thật là nói những điều như thế.
(Kỳ 4: "Cán bộ quản lý đi xin học cho con, cho cháu vào trường ngoài công lập sẽ hiểu")