Hai giảng viên nghiên cứu thiết bị xử lý dầu giúp ngư dân tiết kiệm chi phí

13/09/2022 06:32
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hai giảng viên công tác hai trường đại học khác nhau ở Bà Rịa - Vũng Tàu cùng hợp tác nghiên cứu thiết bị xử lý dầu diesel trên tàu cá cho ngư dân.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tàu đánh cá, phần lớn trong số đó là tàu đánh bắt xa bờ. Chính vì vậy đòi hỏi ngư dân phải dự trữ một lượng dầu diesel lớn, trong một khoảng thời gian dài.

Do môi trường hoạt động trên biển và nếu chất lượng các khoang chứa dầu diesel trên tàu không đạt tiêu chuẩn dầu dễ bị lẫn nước biển, muối biển và các cặn cơ học, tạp chất khác... làm giảm công suất máy, gây tốn nhiên liệu, chi phí chuyến biển tăng cao.

Từ thực tế, thầy Dương Chí Trung, giảng viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam và thầy Lê Quốc Đạt, giảng viên Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu cùng có ý tưởng nghiên cứu, thiết kế và chế tạo một thiết bị xử lý dầu diesel nhằm giảm chi phí tàu cá cho ngư dân.

Thầy Dương Chí Trung là Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Hóa dầu, được đào tạo tại Trường Đại học Dầu khí Gubkin, Liên Bang Nga, hiện nay là Trưởng Bộ môn Lọc – Hóa dầu, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam.

Thầy Lê Quốc Đạt là Thạc sĩ Công nghệ Cơ Điện tử, được đào tạo tại Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là giảng viên Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thầy Dương Chí Trung và thầy Lê Quốc Đạt đã cùng hợp tác nghiên cứu và chế tạo thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá.

Thầy Dương Chí Trung chia sẻ: “Quê của tôi và Đạt cũng gần biển. Các chuyến công tác của chúng tôi cũng thường gần biển, những vấn đề liên quan với biển, với ngư dân, hay được hai chúng tôi chia sẻ trong mỗi lần gặp mặt.

Chúng tôi cùng có suy nghĩ, làm sao thiết kế và chế tạo được một thiết bị xử lý dầu diesel, giảm chi phí nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ.

Vấn đề xử lý về dầu diesel, nhiên liệu của tàu, thuộc chuyên môn của tôi, máy hoạt động như thế nào đã có chuyên môn Công nghệ Cơ Điện tử của Đạt.

Cùng suy nghĩ, cùng ước mơ, cả hai cùng bắt tay vào công việc với mong muốn có cái gì đó giúp ngư dân địa phương.

Đặc biệt trong bối cảnh thời gian vừa qua, giá nhiên liệu tăng cao, ngư dân đánh bắt xa bờ gặp khó khăn, nhiều tàu cá nằm bờ vì chi phí tăng cao càng thúc đẩy chúng tôi làm việc, sao cho có sản phẩm càng sớm càng tốt để phục vụ người dân”.

Hệ thống hóa lý thuyết, tiến hành thí nghiệm, tổng hợp số liệu trong phòng thí nghiệm, sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo, cuối cùng hai giảng viên đã sẵn sàng đưa sản phẩm Thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá ra thực nghiệm.

Nhân viên kĩ thuật lắp đặt thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Nhân viên kĩ thuật lắp đặt thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Thầy Lê Quốc Đạt chia sẻ: “Để thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá hoạt động tốt, đem lại lợi ích kinh tế cho ngư dân, bảo vệ môi trường, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ màng/hấp phụ để loại bỏ các tạp chất không mong muốn có trong dầu diesel, đảm bảo dầu sau khi lọc đạt các chỉ tiêu quốc tế đối với dầu sử dụng trong máy tàu.

Điều khác biệt của thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá do chúng tôi chế tạo với các thiết bị sẵn có trên thị trường Việt Nam và thế giới, đó là trong thiết bị có sử dụng vật chất nano pha vào trong dầu nhờn.

Chính vật chất nano này đã làm cho máy tàu hoạt động ổn định hơn, dầu diesel được lọc sạch, đảm bảo theo các chỉ tiêu quốc tế đối với dầu sử dụng trong máy tàu, nên lượng nhiên liệu giảm hẳn, tiết kiệm được khoảng từ 10 đến 15%”.

Ông Nguyễn Đình Ngọc ở phường 2, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: “Nếu như năm 2021, mỗi tháng tôi tốn 5.000 lít dầu diesel, nhưng khi được lắp đặt thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu biển, đã tiết kiệm được từ 10 đến 15% lượng dầu.

Lúc đầu tôi cũng chỉ định lắp thử xem máy móc có hoạt động bền hơn hay không. Thực tế chứng minh máy không chỉ bền mà còn tiết kiệm dầu nên tôi tin tưởng sử dụng. Trong thời buổi “bão giá” như hiện nay, giảm chi phí phần nào tốt phần đó”.

Thầy Lê Quốc Đạt, giảng viên Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu và thiết bị lọc dầu diesel. Ảnh: bariavungtàu.com.vn

Thầy Lê Quốc Đạt, giảng viên Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu và thiết bị lọc dầu diesel. Ảnh: bariavungtàu.com.vn

Sản phẩm thiết bị lọc dầu diesel trên tàu do thầy Dương Chí Trung và thầy Lê Quốc Đạt chế tạo đã được Công ty TNHH Hiệp Lực và Phát Triển Việt thương mại hóa với tên thương mại bộ Xử lý dầu diesel cho động cơ tàu đánh bắt cá, với giá niêm yết bán 13.500.000 đồng/bộ.

Khi biết đến thiết bị lọc dầu diesel do thầy Dương Chí Trung và thầy Lê Quốc Đạt chế tạo, ông Võ Ngọc Dũng, phường 2, thành phố Vũng Tàu cũng lắp thiết bị lọc cặn dầu diesel cho 3 tàu cá hành nghề rập ghẹ.

Ông Võ Ngọc Dũng cho biết, mỗi chuyến biển kéo dài từ 5-6 tháng sẽ tiêu tốn khoảng 50.000 lít dầu diesel.

Nếu như thời điểm cuối năm 2021, chi phí cho mỗi chuyến biển khoảng 1,2 tỷ đồng, thì nay phải tiêu tốn từ 1,7-1,8 tỷ đồng.

Khi lắp thiết bị lọc dầu diesel trên tàu cá, tháng đầu tiên gia đình ông tiết kiệm hơn 1.000 lít dầu.

Thiết bị này chỉ có giá 13,5 triệu đồng nhưng giúp ngư dân tiết kiệm rất nhiều lượng dầu. Chỉ cần một chuyến biển chi phí tiết kiệm được đã gấp vài lần giá thành của sản phẩm này”.

Công tác tại trường Trường Đại học Dầu khí Việt Nam từ năm 2013, thầy Dương Chí Trung đã có 07 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 đề tài cấp Viện, 03 đề tài cấp Ngành, 03 đề tài cấp Trường và nhiều báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Dương Chí Trung, giảng viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam trong phòng thí nghiệm. Ảnh Sơn Quang Huyến

Tiến sĩ Dương Chí Trung, giảng viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam trong phòng thí nghiệm. Ảnh Sơn Quang Huyến

Nghiên cứu khoa học cũng là thế mạnh của Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, và thầy Lê Quốc Đạt đã tham gia đóng góp 15 dự án phục vụ những vấn đề mang tính thực tiễn như: lọc nước biển thành nước ngọt, xử lý nước thải nhà máy thủy sản … .

Sơn Quang Huyến