Hà Tĩnh đặc cách, địa phương khác không, tạo nên bất công xét tuyển vào đại học

18/12/2020 06:00
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyết định mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đặc cách cho 70 học sinh đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh đã thu hút nhiều ý kiến.

Cụ thể, theo quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhất cấp tỉnh; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhì; 44 em đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba. Những học sinh này được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định hiện hành.

Em Trần Đoàn Quang Huy, học sinh lớp 10C2 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Em Trần Đoàn Quang Huy, học sinh lớp 10C2 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngay lập tức, việc này đã thu hút nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, em Trần Đoàn Quang Huy, học sinh lớp 10C2 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, Hà Nội) đồng tình với quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.

“Bài thi IELTS sẽ kiểm tra tổng thể được cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong khi đó, bài thi học sinh giỏi tỉnh chỉ chú trọng kiểm tra từ vựng và ngữ pháp.

Tất nhiên là cả 2 bài thi này đều có những phần có thể “bẫy” người làm, đòi hỏi người làm phải suy luận, tư duy nhưng về tổng thể thì em nghĩ thi IELTS sẽ toàn diện hơn, có tính thực hành nhiều hơn là thi học sinh giỏi tỉnh nặng về lý thuyết.

Để đạt được IELTS từ 6.5 trở lên cũng không phải đơn giản vì phải toàn diện cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Điều đó đòi hỏi học sinh phải cố gắng ôn luyện rất nhiều.

Chính vì thế nên em ủng hộ cách làm của Hà Tĩnh.

Em mong rằng các địa phương khác, đặc biệt là Hà Nội, nơi em đang sinh sống và học tập cũng sẽ làm giống như vậy. Tuy nhiên em nghĩ là nên có lộ trình từng bước một, tránh gây xáo trộn với học sinh”.

Em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (Hải Dương). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (Hải Dương). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (Hải Dương) cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh làm vậy trong khi các địa phương khác không làm sẽ gây bất công bằng.

“Em thấy quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh giúp khuyến khích tinh thần dạy và học tiếng Anh tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ở Hải Dương chưa có quyết định tương tự như vậy.

Trong khi đó, năm 2020, khi xét tuyển đại học, các trường tốp trên năm học vừa qua đã ưu tiên xét tuyển thẳng, xét tuyển có điều kiện hoặc cộng điểm với các học sinh thi học sinh giỏi các môn trong tổ hợp xét tuyển từ cấp tỉnh, thành phố trở lên.

Chính vì vậy, việc đặc cách của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh sẽ gây nên sự mất công bằng với các học sinh của các tỉnh khác.

Mặt khác, em được biết chi phí để ôn tập và thi IELTS rất đắt đỏ, các bạn học sinh ở thành phố, ở các khu đô thị thì còn có thể thi nhiều, những học sinh ở vùng khó khăn thì khả năng thi không được cao”.

Em Trần Quốc Đạt, học sinh lớp 11A6 Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (Hải Dương). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Em Trần Quốc Đạt, học sinh lớp 11A6 Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (Hải Dương). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đồng quan điểm với em Ngọc Anh, em Trần Quốc Đạt, học sinh lớp 11A6 Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (Hải Dương) nói chỉ nên lấy điểm IELTS làm yếu tố ưu tiên thôi.

“Em thấy về mục đích của bài thi IELTS và bài thi học sinh giỏi tỉnh là khác nhau.

Bài thi học sinh giỏi tỉnh là để phân loại học sinh, tìm ra những học sinh có tố chất để bồi dưỡng, sau đó đưa đi thi những cuộc thi cấp cao hơn. Trong khi đó, bài thi IELTS toàn diện hơn, mang tính ứng dụng nhiều hơn.

Kết quả của thi IELTS nên là cơ sở để xem xét cộng điểm cho các thí sinh thi học sinh giỏi tỉnh hoặc xem xét ưu tiên xếp hạng cho những thí sinh thi học sinh giỏi tỉnh có điểm thi bằng nhau”.

Đình Hùng