Hà Nội đề xuất tăng sĩ số trên lớp thì thêm được bao nhiêu chỗ học?

24/07/2023 06:44
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chuyên gia đề xuất Hà Nội nghiên cứu cho học 3 ca/ngày, xây thêm tầng trong các trường học để giải quyết bài toán áp lực tuyển sinh hiện nay.

Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp ở Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo dư luận vì tính chất cạnh tranh, khốc liệt của kỳ thi. Nhiều người cho rằng, kỳ thi tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội còn áp lực hơn cả tuyển sinh đại học.

Nguyên nhân chính chủ yếu do nguyện vọng học tiếp bậc trung học phổ thông rất lớn, nhất là tại các trường trung học phổ thông công lập, trong khi đó hệ thống các trường công ở Thủ đô lại không thể đáp ứng hết nhu cầu của người học.

Năm học 2023-2024, thành phố giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho 132 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, bao gồm: 4 trường trung học phổ thông chuyên và có lớp chuyên; 115 trường trung học phổ thông công lập không chuyên; 9 trường trung học phổ thông công lập tự chủ và 4 trường trung học phổ thông công lập hiệp quản.

Ngoài hệ thống các trường công lập, trên địa bàn thành phố có thêm 95 trường trung học phổ thông tư thục, 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cũng được giao chỉ tiêu tuyển sinh vào 10.

Tuy nhiên, vẫn còn cảnh phụ huynh thức thâu đêm xếp hàng dài để nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 khiến dư luận bức xúc.

Dự kiến, trong 3 năm tới, số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tốt nghiệp trung học cơ sở tăng khoảng 29.000 em, tương đương khoảng 722 lớp. Theo kế hoạch, đến năm học 2026-2027, Hà Nội sẽ có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024). Như vậy với con số này rõ ràng vẫn rất khó để có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân.

Nhằm tháo gỡ khó khăn từ áp lực tuyển sinh do thiếu trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị được "vượt rào" một số tiêu chí với trường trung học phổ thông thuộc 12 quận huyện trung tâm. Cụ thể: tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ bà không đồng tình với cách làm này. Nhận định đây chỉ là giải pháp tình thế, tuy nhiên Phó giáo sư Bùi Thị An cho rằng cách làm này không phải là giải pháp căn bản, giải quyết được hết gốc rễ vấn đề.

“Hà Nội là Thủ đô, cần phải gương mẫu đi đầu. Cần có quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cấp đất xây trường kịp thời để đáp ứng nhu cầu học tập của con em”, bà nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đây là giải pháp “chữa cháy” trong tình thế hiện nay. Vấn đề ở đây là Hà Nội cần trả lời được câu hỏi nếu tăng quy mô như vậy thì tăng lên bao nhiêu chỗ học trong tầm quản lý được. Đây là vấn đề theo ông Vinh cần tính toán kĩ vì nếu không cẩn thận, tăng lên được sĩ số mà cuối cùng chất lượng giảng dạy lại suy giảm.

Phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm học 2022-2023. Ảnh: Hoài Ân

Phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm học 2022-2023. Ảnh: Hoài Ân

Đánh giá thực trạng khu vực nội đô quỹ đất rất khan hiếm, ông đề xuất Hà Nội một số giải pháp:

“Hà Nội có thể nghiên cứu cho các em học ba ca ở trong thành phố. Nếu muốn làm được điều này thì phải chuẩn bị đội ngũ thầy cô giáo, quản lý.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có thể nghiên cứu đào tạo theo tín chỉ một cách sớm nhất để việc học có thể mềm dẻo, linh hoạt chứ đừng cứng nhắc. Các nước đã đào tạo theo tín chỉ từ lâu rồi, có như vậy mới đỡ được việc áp lực khi tuyển sinh vào lớp 10”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, Hà Nội nên có các cuộc rà soát, kiểm tra lại một số cơ sở, xem xét các điều kiện để xây thêm tầng trong các trường học.

Với đặc thù “đất chật người đông” như ở Thủ đô, ông Vinh cho rằng Hà Nội nên chú trọng chuẩn đầu ra, thay vì áp dụng “cứng” theo chuẩn diện tích - vì với thực tế tại Hà Nội thì rất khó đạt được các tiêu chuẩn này.

Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất cần có thêm các chính sách hỗ trợ học phí ở trường tư. Điều này nhằm khuyến khích, hỗ trợ học sinh theo học tại các trường tư thục, giảm tải áp lực cho hệ thống các trường công lập.

“Hà Nội nên xem xét có thể xin cơ chế đặc thù về học phí. Với học trường tư thì Nhà nước liệu có hỗ trợ học phí trường tư ngang với trường công không? Học nghề bây giờ trường tư - công đều được Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước làm được cho học nghề sao học phí phổ thông sao lại không làm được. Đã là cơ chế đặc thù thì cần cân nhắc hết thảy mọi phương án để đề xuất”, ông Vinh nêu đề xuất.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh, nguyện vọng được học tiếp bậc trung học phổ thông là nhu cầu chính đáng của người dân cần được đáp ứng.

“Trừ trường hợp các em vì sức khỏe hay lý do nào khác không thể học được trung học phổ thông, thì lúc đó hãy hướng con em họ học nghề ngắn hạn hay dài hạn để sau này có công ăn việc làm”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ quan điểm.

Theo ông, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, công tác phân luồng cần nhìn nhận một cách khôn ngoan. Người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa phổ thông trung học để có thể học suốt đời. Bởi vậy, theo ông, không thể lấy tỷ lệ phân luồng để “ép” học sinh trung học cơ sở vào học nghề".

Bắc Sơn