GV trình độ cao đẳng: Nên quy định rõ trách nhiệm của thầy cô sau khi được tuyển

26/10/2022 06:53
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên có kinh phí hỗ trợ thầy cô học tập bồi dưỡng nâng chuẩn, vì hiện nay, sinh viên sư phạm bên cạnh miễn học phí còn được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Thiếu giáo viên đang là bài toán nan giải với ngành giáo dục. Vừa qua, trong cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ những khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên.

Cụ thể, Nghị quyết này cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện giáo viên sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, số người tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa học nâng chuẩn đạt trình độ đại học theo Luật Giáo dục 2019 vẫn còn khá nhiều, vì vậy, trong điều kiện thiếu giáo viên, có thể khai thác nguồn nhân lực này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn có một Nghị quyết riêng trong tuyển dụng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên là hợp lý.

Thứ nhất, điều này giúp đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhiều người, họ đã được đào tạo sư phạm trình độ cao đẳng và có mong muốn, nguyện vọng được gắn bó với lĩnh vực giáo dục đào tạo. Vậy có thể tạo cơ hội, tuyển dụng những giáo viên này sau đó bồi dưỡng để đạt chuẩn.

Thứ hai, xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, nhiều địa phương đang thiếu giáo viên đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, giải quyết bài toán thiếu giáo viên là việc làm rất cần thiết.

“Đây là một hướng đi tích cực và đúng, tuy nhiên việc thực hiện cần phải được tính toán rõ ràng, có thời hạn, lộ trình cụ thể, và quy định rõ trách nhiệm của giáo viên như thế nào sau khi được tuyển dụng”, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng nêu quan điểm.

Theo thầy Hồng, phần lớn giáo viên học nâng chuẩn sẽ tham gia các lớp học theo hệ “vừa học vừa làm”, dù chi phí không quá nhiều nhưng cũng cần đặt vấn đề ai sẽ chi trả chi phí đào tạo bồi dưỡng.

Nếu chúng ta có nhu cầu sử dụng đội ngũ này thì cũng nên có kinh phí hỗ trợ thầy cô học tập bồi dưỡng nâng chuẩn, vì hiện nay, sinh viên sư phạm bên cạnh miễn học phí còn được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Cần có nguồn kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng nâng chuẩn cho các giáo viên trình độ cao đẳng được tuyển dụng. Vì chính sách sử dụng giáo viên tác động khá lớn đến đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương để lên phương án tuyển dụng phù hợp chứ không thực hiện một cách ồ ạt.

Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, vì đề xuất này ngược với Luật Giáo dục 2019 nên cần một Nghị quyết từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tạo cơ chế thực hiện.

Phải đảm bảo về đội ngũ vì nếu để thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục.

Đối với bậc tiểu học thì giáo viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng và học nâng chuẩn lên là có thể đảm đương được nhiệm vụ giảng dạy.

“Luật Giáo dục 2019 đã quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ đại học trở lên, giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng trở lên.

Liên quan đến luật thì chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, và nếu muốn có sự thay đổi so với luật thì cần có quyết định của cơ quan ban hành luật.

Việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay rất cần thiết, và tôi tin, giáo viên yêu nghề, họ sẽ gắn bó và nỗ lực học tập, bồi dưỡng để đạt chuẩn, đáp ứng hoạt động giảng dạy của mình”, thầy Giao chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với quy định hiện hành, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đều phải tốt nghiệp đại học, điều này là phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ của ngành.

Nhưng lẽ ra chúng ta cần có bước đệm để có sự chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ giáo viên, để đáp ứng nhu cầu cho các địa phương. Vì thực tế, đội ngũ đạt trình độ cao đẳng chiếm số lượng lớn, mà nhiều tỉnh/thành phố lại đang thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển.

Trong giai đoạn hiện nay, đề xuất tuyển giáo viên trình độ cao đẳng cho bậc tiểu học, trung học cơ sở là phù hợp.

Tuy nhiên, cần làm rõ yêu cầu tự bồi dưỡng ở đây là như thế nào, liệu việc để giáo viên tự bồi dưỡng có đảm bảo? Nên chăng, cần có yêu cầu cụ thể hơn về vấn đề đào tạo bồi dưỡng để nâng chuẩn cho giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nên phối hợp với các trường đào tạo giáo viên để tổ chức các khoá bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên.

Còn nếu yêu cầu tự bồi dưỡng và không có quy định cụ thể sẽ khó đảm bảo chất lượng và không kiểm soát được hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ này.

"Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu giáo dục, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể chấp nhận giáo viên trình độ cao đẳng dạy tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, cần có thêm yêu cầu về kinh nghiệm giảng dạy ở từng cấp học hay được tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn", ông Nguyễn Văn Ngai cho hay.

Phạm Minh