GV mong được tham khảo sáng kiến đạt loại A của Giám đốc Sở GD HN Trần Thế Cương

23/08/2022 06:38
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thực hiện chương trình 2018 thành công, vai trò của giáo viên cực kì quan trọng, không muốn nói là có ý nghĩa quyết định.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bản tin: Đề tài của Giám đốc Sở GD Hà Nội là một trong 4 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A. Bản tin đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng giáo viên, nhà quản lý giáo dục ở một số địa phương.

Bạn đọc có địa chỉ mail manhky...@gmail.com đã gửi mail về tòa soạn với nội dung chia sẻ: "Chúng tôi là giáo viên rất mong muốn được đọc qua những sáng kiến kinh nghiệm loại A loại A như thế này để học tập thêm. Hy vọng sáng kiến kinh nghiệm của ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ được công khai trên các không gian mạng để thầy cô Hà Nội cũng như giáo viên cả nước có thể tham khảo học hỏi".

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để thực hiện chương trình 2018 thành công, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai bồi dưỡng giáo viên qua chương trình bồi dưỡng thường xuyên 2021 và bồi dưỡng sách giáo khoa mới thì đề tài của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương rất có giá trị thời sự. Bởi vì, vấn đề bồi dưỡng chương trình 2018 và bồi dưỡng sách giáo khoa mới cho giáo viên đã và đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều, phản ánh nhiều bất cập.

Thứ nhất, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 nặng về lý thuyết. Báo cáo viên, giáo viên cốt cán, khi thực hiện bồi dưỡng các mô đun, chỉ truyền đạt một chiều.

Khi giáo viên dự tập huấn đề nghị dạy minh họa, báo cáo viên, giáo viên cốt cán “khéo léo” từ chối.

Thứ hai, nội dung bồi dưỡng không bám sát với thực tiễn, ít phù hợp với thực tế.

Trong lúc giáo viên bộ môn mới của chương trình chưa có (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý …), giáo viên chưa được bồi dưỡng dạy môn tích hợp, chương trình bồi dưỡng 2018 lại hướng đến chính đối tượng giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý …

Thực tế, ở nhiều trường khu vực đô thị, thành phố, biên chế lớp học vượt xa so với quy định, với số lượng có nơi trên 50 học sinh/lớp, hay tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi còn thấp, thế nhưng tập huấn không tính đến thực tế này.

Thứ ba, giáo viên thực hiện bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới, nhưng đại đa số giáo viên tham dự tập huấn chưa biết mặt mũi sách giáo khoa như thế nào.

Thứ tư, theo Công văn 2613/BGDĐT-GDTrHCông văn 1496/BGDĐT-GDTrH, các phụ lục kèm theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn là tài liệu mang tính chất tham khảo, thế nhưng khi thực hiện bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên buộc phải làm theo “giáo án mẫu” 5512 khi nộp sản phẩm, nếu không làm đúng có thể bị đánh trượt.

Thứ năm, thực hiện bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới, nhiều ý kiến thầy cô đánh giá chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải ý kiến của giáo viên, những người trong cuộc, nói lên bất cập của chương trình bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới, qua các bài viết:

“Những bất cập trong bồi dưỡng chương trình 2018”,Thầy cô tập huấn SGK "chay" chẳng khác nào "cưỡi ngựa xem hoa", khó có hiệu quả”, “Tập huấn SGK mới ngay trong năm học, nhà trường loay hoay bố trí giáo viên”…

Giáo viên rất muốn đọc sáng kiến của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Để thực hiện chương trình 2018 thành công, vai trò của giáo viên cực kì quan trọng, không muốn nói là có ý nghĩa quyết định.

Vì thế, trước tiên phải thành công trong công tác bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Là giáo viên, tôi mong các cấp lãnh đạo có giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới, để nâng cao chất lượng giáo dục.

Khi biết thông tin ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có đề tài "Giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018", đạt giải A sáng kiến kinh nghiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tôi đã rất vui mừng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô dù bận rất nhiều công việc nhưng tìm tòi, nghiên cứu viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đạt giải A là điều thật đáng trân quý.

Đề tài này mang đậm tính thời sự, tính cấp bách, tính thực tế khi công tác bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn mang nhiều bất cập.

Bản thân người viết và rất nhiều giáo viên rất muốn được đọc đề tài của ông Trần Thế Cương.

Người viết đã tìm kiếm đề tài này để tham khảo, nhưng không thể tìm được, rất mong ông Trần Thế Cương công khai, cho giáo viên được học tập.

Giáo viên rất mong muốn được đọc sáng kiến kinh nghiệm của các lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội- Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường

Giáo viên rất mong muốn được đọc sáng kiến kinh nghiệm của các lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội- Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường

Chia sẻ mong muốn của mình lên mạng xã hội, người viết cũng đã nhận được sự đồng cảm của nhiều đồng nghiệp, phần lớn bình luận trong bài đều muốn được đọc sáng kiến của các lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội.

Ngành giáo dục công khai sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên được không?

Dư luận cho rằng sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục sau khi chấm, công nhận xong, nên được đăng tải trên web của trường, phòng, sở để thầy cô, đồng nghiệp cùng học hỏi thay vì để trong tủ gây lãng phí chất xám.

Những sáng kiến này cần được phổ biến để nhiều nơi, nhiều người áp dụng, có như thế hiệu quả của sáng kiến mới phát huy tối đa.

Vấn đề phổ biến sáng kiến được luật quy định như thế nào?

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2012/NĐ-CP quy định rõ về Quyền của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, tác giả sáng kiến và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu như sau:

"2. Đối với sáng kiến đã được công nhận, tác giả sáng kiến có các quyền sau đây:

a) Được ghi nhận là tác giả sáng kiến trong Giấy chứng nhận sáng kiến và được nêu danh tác giả sáng kiến khi sáng kiến được phổ biến, giới thiệu;

b) Nhận thù lao theo quy định tại Điều 10;

c) Hưởng các chế độ khuyến khích khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về khoa học và công nghệ".[1]

Khoản 1 Điều 10 Thông tư 18/2013/TT-BKHCN ghi rõ:

"1. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, tác giả sáng kiến có quyền áp dụng sáng kiến và chuyển giao sáng kiến cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng theo quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 của Điều lệ Sáng kiến, nhưng không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện việc áp dụng và chuyển giao sáng kiến ngoài phạm vi cơ sở." [2]

Như vậy, chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, tác giả sáng kiến không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện việc áp dụng và chuyển giao sáng kiến ngoài phạm vi cơ sở.

Vì vậy, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục, các phòng giáo dục trên cả nước, hàng năm sau khi tổ chức chấm sáng kiến kinh nghiệm, nên công khai để giáo viên trên cả nước thực hiện.

Trong bối cảnh trên và sự quan trọng của việc bồi dưỡng cho giáo viên đóng vai trò then chốt trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, rất mong ông Trần Thế Cương chuyển giao sáng kiến "Giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018" cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo áp dụng sáng kiến trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-dinh-13-2012-ND-CP-Dieu-le-Sang-kien-135584.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-18-2013-TT-BKHCN-huong-dan-thi-hanh-Dieu-le-Sang-kien-205489.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường