GV dạy trẻ khuyết tật khó khăn bộn bề, thưởng Tết cũng chỉ ở mức độ động viên

03/01/2023 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy trẻ chuyên biệt nhiều vất vả, nhưng đến cuối năm, các trường cũng phải cố gắng lắm mới có thể hỗ trợ giáo viên một chút để sắm áo mới dịp Tết 2023. 

Tính kiên nhẫn, tình yêu thương là những yếu tố đầu tiên phải có ở người giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Song, khi đời sống vật chất của giáo viên chưa được đảm bảo, thì rất khó tuyển dụng, cũng như giữ chân giáo viên thực sự yên tâm gắn bó, chăm sóc trẻ. Thời điểm này, nhằm chăm lo cho đời sống giáo viên, nhiều trường dạy trẻ khuyết tật đang nỗ lực để giáo viên có một khoản hỗ trợ, khích lệ tinh thần dịp Tết Quý Mão.

Chia sẻ điều này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự rằng, Chi bộ và Công đoàn của trường phụ trách chăm lo cho công đoàn viên. Tuy quà Tết không nhiều nhưng mong muốn hỗ trợ, sẻ chia phần nào đời sống vật chất, tinh thần giáo viên, động viên họ tiếp tục nối dài thời gian công tác, tâm huyết, không để trẻ khuyết tật bị bỏ rơi.

Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh: Website nhà trường).

Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh: Website nhà trường).

Cô Huệ bộc bạch, gần 2 năm trở lại đây, trường thiếu nhân sự. Mới đây, đợt tuyển dụng tháng 8/2022, trường không tuyển được giáo viên nào.

“Nhà trường công khai tuyển dụng 8 nhân sự (bao gồm 7 giáo viên và 1 nhân viên y tế). Sau quá trình áp dụng nhiều phương thức truyền thông, đẩy mạnh tuyển dụng rộng rãi nhưng việc tuyển giáo viên vẫn gặp khó”, cô Huệ chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân khó tuyển dụng giáo viên, cô Huệ chỉ ra:

Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp đúng ngành không muốn làm việc tại các trường công lập. Hầu hết giáo viên mới ra trường có suy nghĩ thích làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục nên trường công lập rất khó thu hút giáo viên.

“Nhận thức, mong muốn của sinh viên cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến công tác tuyển dụng của trường trở nên khó khăn”, cô Huệ nhấn mạnh.

Thứ hai, khi tiếp xúc với trẻ khuyết tật, giáo viên trước hết phải “đặt tâm”.

Khi giáo viên làm việc trong môi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật mà có tâm, thấu hiểu, sẵn sàng hy sinh thì giáo viên sẽ gắn bó lâu dài với nghề. Còn giáo viên coi việc chăm sóc trẻ khuyết tật là khó khăn thì họ sẽ không yêu nghề được. Điều này dẫn đến khó tuyển dụng giáo viên.

Thứ ba, lương chưa đáp ứng được với nguyện vọng, tính chất công việc của giáo viên công tác tại trường chuyên biệt, dạy học trẻ khuyết tật.

Cũng theo cô Huệ, năm học 2023, nhà trường có 225 học sinh. Do thiếu giáo viên nên nhà trường khích lệ, phân công giáo viên gồng gánh, san sẻ công việc với nhau để tất cả cùng hoàn thành nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.

Cô Huệ chia sẻ: “Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu là trường khiếm thị. Ngoài học sinh khiếm thị chuyên biệt, trường còn có đối tượng học sinh khiếm thị đa tật (ngoài khiếm thị còn mắc các tật khác như tự kỷ, chậm phát triển...). Chăm sóc trẻ khiếm thị rất vất vả, nhưng không thể thuê thêm bảo mẫu, cô nuôi. Bởi, hiện không có quy chế nào cho phép tuyển nhân viên chăm sóc trẻ, ngân sách chi trả tiền lương cũng chỉ đủ lo cho giáo viên trong diện biên chế.

Mỗi học sinh có một dạng khuyết tật ở mức độ khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải vừa trong vai người mẹ, vừa trong vai người thầy. Nghĩa là, giáo viên phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thì mới nắm bắt được thói quen, tính cách, thấu hiểu trẻ, để từ đó có kỹ năng xử lý khi học sinh có dấu hiệu không kiểm soát được hành vi trong quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Kỹ năng xử lý tình huống của giáo viên dạy trẻ khuyết tật rất quan trọng. Một trường hợp mới đây, có học sinh đang ngồi học trong lớp đột nhiên la hét, không kiểm soát được hành vi, thì giáo viên đứng lớp dẫn học sinh này đi bộ ngoài hành lang, ra sân chơi cho đến khi học sinh này tự dịu đi. Hay cũng có thể học sinh buồn chuyện nào đó ở nhà và đến lớp thì sẽ có biểu hiện bộc phát, giáo viên trở thành người phải lắng nghe, phải ứng xử phù hợp với hành động từ các em”.

Theo cô Huệ, đối với trường chuyên biệt, khi xếp lớp, trường cân nhắc ghép học sinh theo mức độ hội chứng từ nặng đến nhẹ để những tình huống hành vi xảy ra, giáo viên dễ dàng xử lý. Lớp chuyên biệt khoảng 10-12 học sinh. Lớp đa tật 6-7 học sinh. Song, học sinh lớp đa tật thường không đi học đầy đủ vì thể trạng yếu.

“Thực tế trước đây, khi trường dạy học 1 buổi/ngày, số học sinh đến lớp giảm 50%. Hiện trường duy trì dạy bán trú vì có học sinh hội chứng rất nặng, phụ huynh chủ yếu chạy xe ôm, bán vé số, ve chai, giúp việc…, không có thời gian chăm sóc trẻ. Nếu dạy một buổi, phụ huynh sẽ không đi làm được, không có thu nhập để trang trải sinh hoạt, tiền nhà trọ. Cũng do hoàn cảnh gia đình học sinh vất vả, việc huy động xã hội hoá khó khăn, toàn bộ học bổng cho học sinh đều từ quỹ trường và các mạnh thường quân ủng hộ (tuy không nhiều và không thường xuyên)”, cô Huệ chia sẻ.

Song song với công tác tuyển dụng, nhà trường tiến hành thuê 2 giáo viên hợp đồng. Mong muốn của trường là các cấp, ngành giáo dục địa phương quan tâm thực hiện chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên ngành chuyên biệt nhằm bảo đảm công bằng xã hội, ổn định đội ngũ. Đồng thời, cần có phương án hỗ trợ, tăng thu nhập cho khối công nhân viên đang công tác trong đơn vị chuyên biệt vì trường chuyên biệt công lập không tuyển đủ giáo viên do mức thu nhập chưa phù hợp so với bậc học khác.

"Nhà trường xác định phải chăm lo đời sống cho giáo viên. Mong muốn là tối thiểu cũng phải làm sao cho giáo viên có thể sắm được những bộ quần áo mới cho gia đình, mua thức ăn, trang trí nhà cửa dịp Tết đến xuân về", cô Huệ chia sẻ.

Cùng chia sẻ về công tác tuyển dụng, chăm lo đời sống giáo viên, một vị Phó Hiệu trưởng của trường dạy trẻ khuyết tật ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có 32 giáo viên, 22 lớp bán trú với 230 học sinh, ngoài ra có 17 học sinh can thiệp ngoài giờ.

“Thực tế, hiện có nhiều học sinh mắc các hội chứng, dị tật muốn xin vào trường học, nên mới dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Với đội ngũ hiện tại, trường cần tuyển dụng thêm 4 giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu giáo dục. Đặc biệt trước đó, năm 2021, trong quá trình tuyển dụng, có 1 ứng viên trúng tuyển, nhà trường đã gửi thông báo nhưng ứng viên này không đến nhận việc tại nhiệm sở. Từ đó đến nay, công tác tuyển dụng vẫn "án binh bất động"”, Phó Hiệu trưởng nói.

Căn cứ theo tuổi trí tuệ, cơ cấu lớp học xếp theo tiêu chuẩn như: học sinh đã có kỹ năng cơ bản, tự chăm sóc bản thân sẽ học lớp tiểu học với 1 giáo viên/12 học sinh/lớp. Đối với học sinh chưa có đủ khả năng tự chăm sóc bản thân sẽ là 2 giáo viên/12-14 học sinh/lớp.

Tâm sự về khó khăn khi dạy trẻ tiểu học, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dạy học cho trẻ khuyết tật có nhiều phần vất vả hơn. Cụ thể, ở các trường tiểu học thông thường, trình độ học sinh đồng đều, không có dấu hiện bất thường về tâm sinh lý, nên việc giảng dạy của giáo viên suôn sẻ, đảm bảo thời gian, thời lượng giờ giảng. Còn đối với các trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật lớp 1, gồm 12 học sinh, nhưng không phải 12 học sinh này đều có cùng trình độ với nhau.

“Cùng một học sinh nhưng học môn Toán đúng trình độ, học Tiếng Việt lại có phần hạn chế hơn. Do vậy, trường chỉ có thể xếp lớp tương đối vì mỗi học sinh có một khả năng riêng. Hệ quả, là giáo viên phải dành nhiều thời gian để kèm cặp riêng cho học sinh vào các buổi chiều nên tốn nhiều thời gian. Chưa kể, với những học sinh xuất hiện hành vi đánh cô, đánh bạn (do các em có biểu hiện không kiểm soát được hành vi), giáo viên phải sẵn sàng để xử lý tình huống ngay trong giờ học nên cũng mất thời gian.

Ở ngoài, khi 1 giáo viên kèm 1 học sinh khuyết tật, giáo viên đã cảm thấy mệt, vất vả chứ chưa kể giáo viên của trường phải chăm lo, giảng dạy cho nhiều học sinh khuyết tật cùng một lúc.

Trước đây, trường có 1-2 giáo viên mong muốn chuyển về trường gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. Hiện, do đặc thù công việc, cộng thêm thù lao giáo viên nhận được so với công sức họ bỏ ra chưa tương xứng nên nhiều thầy cô lo lắng không biết có gắn bó lâu dài với nghề hay không”, Phó Hiệu trưởng tâm sự.

Qua quá trình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng giáo viên, vị này chia sẻ, mỗi nhà giáo khi lựa chọn học ngành giáo dục đặc biệt thì đến khi công tác phải đặt đạo đức, tâm huyết, tình cảm dành cho các em khuyết tật lên trên hết. Ban Giám hiệu tiến hành công tác tư tưởng, động viên giáo viên cố gắng giúp đỡ học sinh bằng cả sự yêu thương, cảm thông, lòng trắc ẩn, để từ đó, nhà trường có căn cứ đề xuất với cấp, ngành giáo dục địa phương có những hỗ trợ cho giáo viên được cải thiện đời sống.

Trước những khó khăn trong quá trình dạy và học, tuyển dụng giáo viên và chăm lo đời sống giáo viên trường chuyên biệt, vị Phó Hiệu trưởng kỳ vọng:

Một là, về mặt chính sách, cần xem xét chăm lo cho giáo viên chuyên ngành chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật nhiều hơn.

Bởi, thầy cô chịu nhiều áp lực không chỉ đến từ công tác dạy học mà còn chịu áp lực từ đặc thù học sinh là trẻ khuyết tật, trẻ không kiểm soát được hành vi.

“Giảng dạy bán trú cho đối tượng là trẻ khuyết tật, công việc vất vả nhưng tiền lương quá thấp khiến giáo viên khó tránh được tâm lý nản việc, các thầy cô rất mong có phụ cấp, chế độ thêm. Giáo viên hiện tại, sáng dạy học, đến giờ nghỉ lại nhắc nhở học sinh vệ sinh cá nhân, rửa tay chân, cho ăn, trông ngủ, ôn bài và trả học sinh về với gia đình", vị Phó Hiệu trưởng nêu.

Hai là, có thêm những hỗ trợ cho giáo viên dịp Tết năm 2023 để họ có động lực làm việc, tiếp tục một năm mới cống hiến với nghề.

"Về phía nhà trường, hiện chưa có nhiều kinh phí để hỗ trợ cho giáo viên. Ban Giám hiệu trường rất hy vọng sẽ có sự quan tâm của cấp, ngành giáo dục địa phương, tình yêu thương, thấu hiểu từ các mạnh thường quân trong xã hội để những học sinh khuyết tật được sẻ chia, giáo viên được an ủi, có những phần quà nhỏ mang ý nghĩa dịp đầu năm”, vị Phó Hiệu trưởng mong muốn.

Ba là, có chính sách để công tác tuyển dụng giáo viên trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật thuận lợi hơn.

“Theo tôi được biết, hiện một số trường đại học đào tạo sư phạm vẫn có sinh viên ngành giáo dục đặc biệt ra trường hàng năm, nhưng không hiểu sao khi tiến hành tuyển dụng lại không có giáo sinh đăng ký. Rất có thể, một phần do một số trường ở thành phố nên đòi hỏi phải có giấy tờ, hộ khẩu ở thành phố. Song, trường tôi cũng đã tạo điều kiện cho ứng viên có giấy tờ tạm trú là có thể ứng tuyển được nhưng vẫn không thể thu hút giáo viên về trường.

Ngoài ra, nhiều giáo viên tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt chủ động mở lớp tư nhân, nhận giữ trẻ khuyết tật cũng là nguyên nhân khiến trường khó tuyển dụng nhân sự”, vị này cho biết.

Bốn là, có hỗ trợ cho nhân viên hợp đồng để trường tiến hành tuyển dụng khi chưa có đủ biên chế.

"Trước đây, tôi thấy có dự án tuyển dụng nhân viên cho trường chuyên biệt để chăm sóc trẻ nhưng đến nay chưa triển khai. Khó khăn của trường hiện tại đó là thiếu giáo viên, muốn thuê hợp đồng nhân viên nhưng cũng không có kinh phí để chi trả. Khi đó, trường sẽ phải trích kinh phí từ tiền phục vụ bán trú khiến tiền hỗ trợ giáo viên đang làm công tác bán trú bị thấp đi.

Khi các địa phương gặp khó trong công tác tuyển dụng giáo viên, thì ở các trường chuyên biệt dạy học cho trẻ em khuyết tật, việc tuyển dụng lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Chưa kể, tính chất đặc thù công việc nuôi dạy trẻ khuyết tật vất vả hơn cũng là một nguyên nhân khiến nhiều giáo viên không mấy mặn mà gắn bó với nghề", vị Phó Hiệu trưởng nói.

Ngọc Mai