Được giao hơn 300 biên chế giáo viên, Cao Bằng gặp khó vì thiếu nguồn tuyển

06/08/2022 06:55
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, tuyển bổ sung giáo viên… vẫn là bài toán khó với ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng. 

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) và Tin học là môn bắt buộc được tổ chức dạy học từ lớp 3 năm học 2022-2023.

Thiếu giáo viên, địa phương tính cách “dồn” các lớp học

Ông Nguyễn Quốc Hưng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) cho biết, nhiều điểm trường trên địa bàn huyện rất khó khăn trong việc tuyển giáo viên hai bộ môn tiếng Anh và Tin học. Để thực hiện yêu cầu 100% học sinh từ lớp 3 học môn tiếng Anh, phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương “dồn” toàn bộ học sinh các lớp 3, 4, 5 về những điểm trường chính để học tập.

“Do địa bàn là huyện miền núi, nhiều khó khăn trong đi lại, việc này chúng tôi sẽ nỗ lực vận động, tuyên truyền đến các trường, phụ huynh và học sinh để nhận được sự đồng thuận, từ đó mới có thể thực hiện trôi chảy được. Đương nhiên vẫn có một vài trường chưa thể làm được việc này vì điều kiện quá khó khăn, khoảng cách giữa các điểm trường quá xa, có khi phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ, nếu “dồn” như vậy sẽ làm khó các em học sinh.

Trường hợp dùng biện pháp thay thế là để các thầy, cô xuống những điểm trường lẻ để dạy cũng không ổn vì số lượng giáo viên bộ môn vốn đã quá ít.

Với môn Tin học, phương án “dồn” hết các em vào một lớp có thể thực hiện được, dạy được vì đặc thù môn chủ yếu là sử dụng kỹ năng thực hành.

Nhưng tiếng Anh thì khác, nếu “dồn” lớp như môn Tin học thì một buổi, có khi các em phải học liên tục 4, 5 tiết, phải ghi nhớ tới hàng chục từ mới, cấu trúc ngữ pháp một ngày thì không thể hiệu quả được”, ông Hưng băn khoăn khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thiếu giáo viên bộ môn, các trường học của tỉnh Cao Bằng phải "dồn" học sinh từ nhiều lớp để đảm bảo dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC

Thiếu giáo viên bộ môn, các trường học của tỉnh Cao Bằng phải "dồn" học sinh từ nhiều lớp để đảm bảo dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC

Việc sắp xếp thời lượng các tiết học cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, để có thể dạy theo tiết như các tỉnh miền xuôi là không khả khi. Các thầy, cô sẽ vất vả hơn trước: phải di chuyển đến các điểm trường khá xa, chưa được hỗ trợ kinh phí đi lại.

Thêm nữa, thực tế ở địa bàn huyện Hà Quảng, giáo viên chuyên ngành Tin học hoàn toàn không có. Sắp tới, để đáp ứng yêu cầu dạy môn này tại tất cả các điểm trường, phòng đã lập một danh sách trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo, cử ra 24 giáo viên tiểu học chuyên ngành môn cơ bản đi tập huấn (khoảng 2-3 tháng) chứng chỉ Tin học.

Về vấn đề cơ sở vật chất, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng cũng cho biết, để phù hợp với điều kiện thực tế, huyện đang tính đến phương án mua máy tính xách tay, thuận tiện hơn trong di chuyển, lưu động thiết bị đến các điểm trường. Dự kiến tới đây, huyện sẽ mua loại máy tính này, song chắc chắn số lượng rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu “mỗi em một máy”.

“Trên địa bàn huyện, số trường có phòng Tin học rất ít. Nếu có sắm máy tính bàn thì hiện tại cũng không có phòng để lắp đặt. Thêm nữa, hiện nay chúng tôi thực hiện việc “dồn” nhiều lớp với nhau như vậy, trường có phòng máy đi chăng nữa cũng không thể đáp ứng được yêu cầu mỗi em một máy. Để các em có thể được tiếp cận với môn này, chúng tôi đành tạm khắc phục như vậy thôi.

Các điều kiện cơ sở vật chất khác cũng rất khó khăn. Đơn cử như phòng học tiếng Anh, triển khai xây dựng thêm sẽ khó vì cơ bản các trường đều là dãy nhà cấp 4, địa hình đồi núi phức tạp, nhiều điểm trường không có sân chơi, bãi tập, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng mới cũng rất hạn hẹp”, ông Hưng nói.

Thiếu giáo viên nhưng tuyển bổ sung lại không dễ dàng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Văn Dương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho hay, trừ các trường học ở thành phố Cao Bằng thì hầu hết các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh đều nằm trong tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các thầy, cô giảng dạy môn Tin học và tiếng Anh

Ông Vũ Văn Dương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Ông Vũ Văn Dương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Ngày 2/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn đến các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển 27.850 biên chế giáo viên cho năm học mới, trong đó ưu tiên giáo viên các môn học mới. Riêng tỉnh Cao Bằng được giao hơn 300 biên chế giáo viên.

Ông Dương thông tin, Sở cũng đã có chủ trương cử giáo viên đi tập huấn theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Không chỉ do cấp tiểu học, trung học phổ thông xuất hiện những môn mới, mà trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay số lượng giáo viên vẫn thiếu ở nhiều nơi.

Chúng tôi cùng các trường sẽ sớm có những giải pháp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tổ chức những lớp tập huấn để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các thầy, cô. Nhưng đây là việc mới bắt tay vào thực hiện, cần phải sau 1 năm, chúng tôi mới có thể đưa ra những giải pháp pháp, kiến nghị để cải thiện một cách triệt để hơn”, ông Dương cho hay

Điều đáng nói là ở chỗ, địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình giáo dục phổ thông mới, được giao bổ sung biên chế, nhưng việc tuyển bổ sung lại gặp khó.

Theo vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, việc bổ sung hơn 300 biên chế giáo viên không dễ vì tỉnh đang thiếu nguồn tuyển.

Kim Sơn