Hiện nay, với mức 6,6%/năm, lãi suất cho vay tín dụng sinh viên đang cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Thực tế, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn nhưng chưa được đáp ứng do chính sách vay vẫn còn nhiều bất cập về đối tượng được vay, mức vay khá thấp, lãi suất cao, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay vốn khá phức tạp.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Thạc sĩ Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác sinh viên - Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, lãi suất cho vay hiện khá cao và thời hạn trả lãi còn nhiều hạn chế trong khi sinh viên là những người chưa có thu nhập.
Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, trường có khoảng 4.400 sinh viên làm giấy xác nhận để vay vốn. Tuy nhiên, số sinh viên được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ khoảng 2.500 em.
Nói về phương thức cho vay, Thạc sĩ Đặng Kiên Cường chia sẻ: "Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp thông qua đại diện hộ gia đình sinh viên, có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ ngân hàng.
Về phía nhà trường, trường có trách nhiệm xác nhận thông tin sinh viên, làm giấy xác nhận để các em gửi đến ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong các nội dung có liên quan đến trường hợp sinh viên vay vốn".
Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức vốn cho vay tối đa hiện nay là 2.500.000 đồng/tháng/sinh viên, mức vay này tạm thời có thể đáp ứng được nhu cầu học tập, sinh hoạt của đa số sinh viên.
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường cũng đánh giá vay vốn sinh viên là chính sách nhân văn, giúp duy trì sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu Nhà nước điều chỉnh mức lãi và thời hạn cho vay thì chính sách này sẽ hiệu quả và thực tế hơn rất nhiều.
Hiện tại, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh không có quỹ tín dụng dành riêng cho sinh viên nhưng hàng năm "Quỹ học bổng đồng hành cho sinh viên" của trường vận động được khoảng hơn 2 tỷ đồng dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Phương châm của nhà trường là không để bất cứ sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, khoảng 10% sinh viên của trường đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội của địa phương.
Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết: "Trường không có quỹ tín dụng dành riêng cho các sinh viên. Nhà trường cũng đang nghiên cứu phương án hợp tác với các ngân hàng, vận động các doanh nghiệp cùng hỗ trợ để sinh viên vay vốn với mức lãi suất tốt và có thể trả nợ trong thời gian dài hơn".
Giáo sư Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) |
Cũng chia sẻ về chính sách này, Giáo sư Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài kết nối sinh viên với Ngân hàng Chính sách xã hội, nhà trường cũng hợp tác với một số ngân hàng thương mại để hỗ trợ sinh viên vay vốn.
"Thực tế ở Việt Nam, việc sinh viên vay vốn nhằm trang trải chi phí học tập không phổ biến như ở nước ngoài. Thường gia đình của các em tự lo các khoản tiền đóng học phí. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ vay mượn họ hàng, người thân hoặc đến trực tiếp ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước để làm hồ sơ vay thay vì thông qua nhà trường để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội", Giáo sư Nguyễn Minh Hà nói.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, cơ chế phối hợp giữa ngân hàng thương mại, các trường đại học và Ngân hàng Chính sách xã hội cần linh hoạt hơn.
Cụ thể, Nhà nước cần có các chính sách để ngân hàng thương mại được tham gia hỗ trợ sinh viên vay vốn với lãi suất ưu đãi, chia sẻ gánh nặng với Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ phần lãi suất vay chênh lệch của sinh viên.
"Ví dụ lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại là 10%/năm thì mức vay của sinh viên nên điều chỉnh với lãi suất khoảng 2%/năm, Nhà nước sẽ căn cứ vào hồ sơ cho vay, hỗ trợ giải ngân 8% còn lại.
Theo tôi, ngân hàng nào cho vay nhiều sẽ được bù lãi suất nhiều. Khi đó, các ngân hàng cũng sẽ chủ động trong việc tiếp cận cho sinh viên vay vốn. Mặt khác, từ khoản vay của sinh viên, ngân hàng có thể giải ngân và đóng học phí cho các em luôn, như vậy sẽ rất thuận tiện bởi hiện nay đa số các trường đều yêu cầu sinh viên thanh toán học phí thông qua ngân hàng", Giáo sư Nguyễn Minh Hà nêu quan điểm.