GS Trần Hồng Quân đã sớm dự báo về sự ra đời của một thị trường GD Việt Nam

29/08/2023 06:35
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- GS Trần Hồng Quân đã dự báo về sự ra đời của một thị trường giáo dục Việt Nam để đề xuất cho một tiến trình mới mang tinh thần cải cách giáo dục .

Đó là vào một ngày cuối thu năm 1988 khi tôi đến thăm Anh tại căn hộ công vụ, tầng hai, nhà tập thể Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hôm đó có cả Chị (vợ của Giáo sư Trần Hồng Quân) và Anh (Giáo sư Trần Hồng Quân), tôi nói đùa “Ông Ngâu bà Ngâu gặp nhau mà không thấy trời mưa”.

Chị cười, bảo: “Đâu có chuyện ông bà Ngâu, vợ anh ấy lúc nào chẳng bên cạnh, chị chỉ là người giúp việc thôi”. Thấy tôi ngạc nhiên, Chị nói tiếp: “Chị vẫn ở và làm việc trong Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng từ ngày ra đây anh ấy đã có vợ mới rồi. "Vợ anh ấy" là giáo dục”.

Giáo sư Trần Hồng Quân. (Ảnh: Ngọc Quang)

Giáo sư Trần Hồng Quân. (Ảnh: Ngọc Quang)

Năm đó, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-xã hội chung của cả nước, giáo dục và đào tạo cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng đầu tiên và đặc biệt nghiêm trọng trong lịch sử nửa thế kỷ phát triển của nền giáo dục cách mạng Việt Nam.

Tình trạng phổ biến lúc đó là: nhà trường thiếu kinh phí hoạt động; nhà nước nợ lương giáo viên; các lớp nhà trẻ, mẫu giáo do hợp tác xã bao cấp tan rã; học sinh phổ thông bỏ học, giáo viên bỏ nghề hàng loạt; quy mô dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, đại học thu hẹp; trường sở, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập bị hư hỏng, xuống cấp; chất lượng giáo dục giảm sút nghiêm trọng.

Tại Hội nghị Nha Trang, mùa hè năm 1987, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc đó, trên cơ sở phân tích nguyên nhân của tình trạng suy giảm nghiêm trọng cả về quy mô và chất lượng trong giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp, xuất phát từ những quan điểm đổi mới của Đảng, đã nêu lên 4 tiên đề định hướng đổi mới đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp gồm:

Đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp không chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu của biên chế nhà nước và kinh tế quốc doanh mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và nhu cầu học tập của nhân dân;

Đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác có thể huy động được;

Đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch nhà nước mà còn theo những đơn đặt hàng khác, những xu thế dự báo, những nhu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội;

Đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp không nhất thiết gắn với việc phân công công tác cho người tốt nghiệp theo cơ chế bao cấp mà chủ yếu tạo điều kiện về trình độ, phẩm chất và năng lực để người tốt nghiệp có khả năng tự tìm, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế.

Nếu có một lý thuyết về đổi mới giáo dục đại học thì các tiên đề trên xứng đáng là hệ tiên đề của lý thuyết đó.

Các tiên đề này mở đường cho sự hình thành một thế giới quan mới về giáo dục, với việc cởi trói khỏi những ràng buộc vô lý của một nhà nước bao cấp để giáo dục có thể vận hành phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên thực tế, tiến trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam cho đến nay được thực hiện trên cơ sở bổ sung, phát triển các chính sách xoay quanh hệ tiên đề này.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc khởi xướng, đề xuất các tiên đề này là Anh. Vì vậy, hoàn toàn có thể gọi đó là các tiên đề Trần Hồng Quân về đổi mới giáo dục đại học.

Nhưng có tiên đề là một chuyện, làm thế nào để đưa các tiên đề vào cuộc sống lại là chuyện khác, phức tạp hơn rất nhiều.

Giáo sư Trần Hồng Quân đã quy tụ được xung quanh mình một đội ngũ những nhà giáo, nhà quản lý tâm huyết với nghề để chuyển các tiên đề thành chương trình hành động, chèo lái đưa con thuyền giáo dục đại học từng bước vượt qua sóng gió khủng hoảng, đi dần vào thế ổn định và bắt đầu có chuyển biến tích cực vào đầu những năm 1990.

Năm 1990 cũng là năm mà Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề sáp nhập với Bộ Giáo dục thành Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Anh là Bộ trưởng.

Với những đường nét cơ bản của một thế giới quan về giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước định hình, Anh mở đường cho bước đi mới hướng tới một tiếp cận mang tính chiến lược.

Trong cơ quan bộ đã hình thành một nhóm các nhà quản lý mang tư duy kỹ trị để tìm hiểu, trao đổi, thảo luận, bàn thảo, đề xuất những vấn đề có tính chiến lược về giáo dục.

Chính trong bối cảnh này đã hình thành các quan điểm nền tảng, đóng vai trò sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục nước ta, bao gồm: phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển; giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế-xã hội; giáo dục phải vừa gắn chặt với yêu cầu phát triển đất nước, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại; thực hiện giáo dục thường xuyên cho mọi người, học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân; Nhà nước và nhân dân cùng làm giáo dục, trong đó Nhà nước là nòng cốt.

Đó là những quan điểm đã được quy định trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo cách đây tròn 30 năm.

Giờ đây với khoảng lùi của thời gian để nhìn lại, đặt trong bối cảnh đất nước năm 1993 còn cực kỳ khó khăn gian khổ chưa thoát khỏi thế bao vây cấm vận của các nước phương Tây, thì phải công nhận các quan điểm nêu trên có tầm nhìn vượt thời gian.

Vì thế, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đúng là một chính khách về giáo dục. Suốt 10 năm là người đứng đầu ngành giáo dục, vị chính khách đó lại sống rất giản dị, đời thường, thân thiện và gần gũi, trong căn hộ công vụ, rộng chừng 50m2, một phòng ngủ, thường xuyên đơn bóng, "ăn giáo dục, ngủ giáo dục".

Sau này, khi về hưu, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (nay là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Anh vẫn "ăn giáo dục, ngủ giáo dục".

Với tầm nhìn chiến lược, Anh đã dự báo về sự ra đời của một thị trường giáo dục Việt Nam để đề xuất cho một tiến trình mới mang tinh thần cải cách giáo dục.

Anh nói về điều đó với sự thẳng thắn, dũng cảm và trách nhiệm của mình khi mà đất nước sắp vào WTO, nhưng trong tư duy của một số nhà hoạch định chính sách cấp cao lúc đó thì một “cái chợ về giáo dục” là không thể chấp nhận được.

Nhưng rồi Anh đã đúng, một thị trường giáo dục đã hình thành, được chấp nhận, được khuyến khích và điều chỉnh để phát triển đúng hướng.

Trong đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam không chỉ là cơ quan gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục với các trường đại học, cao đẳng mà còn là cầu nối để các trường chèo lái thành công trong đại dương thị trường, một đại dương với rất nhiều viễn cảnh ở phía chân trời, cơ hội và thách thức đan xen.

Có người đã nói: “Hình như thầy Quân sinh ra để trả nợ giáo dục”. Đúng là Anh luôn đau đáu và trăn trở với giáo dục. Giờ Anh đã vác "cây thập tự giáo dục" trên đôi vai gầy của mình để đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho những người yêu giáo dục cả nỗi đau và lòng biết ơn.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến